Tốn kém, nhưng khi cần thì CEO cũng... sa thải

(ĐTCK) Ngay cả khi bị sa thải vì những sai lầm trong công việc, hoặc hoạt động của doanh nghiệp lao đao, lãnh đạo doanh nghiệp nói chung và CEO các nhà băng nói riêng vẫn được trả hậu hĩnh.

Sa thải lãnh đạo rất tốn kém

Mức lương thưởng của lãnh đạo cấp cao các doanh nghiệp nói chung và CEO ngân hàng nói riêng luôn thu hút được sự chú ý của đông đảo công chúng, cũng như các thành viên thị trường. Điều này khá dễ hiểu khi trung bình, lương thưởng của lãnh đạo cao gấp 140 lần so với nhân viên, theo khảo sát 356 doanh nghiệp được thực hiện trong năm ngoái bởi Equilar, hãng theo dõi số liệu thu nhập của các lãnh đạo cấp cao trên toàn cầu.

Tuy nhiên, một vấn đề khiến không ít nhà đầu tư cảm thấy phiền lòng là việc ngay cả khi lãnh đạo doanh nghiệp bị sa thải, chi phí cho việc này cũng không hề rẻ. Thậm chí, đây có thể là một lựa chọn đắt đỏ với công ty.

Chẳng hạn, khi các lãnh đạo cao cấp tại Hewlett Packard, Bank of New York Mellon, Burger King và Yahoo bị đề nghị dừng nhiệm vụ, các nhân vật này vẫn bước đi với với các khoản tiền hậu hĩnh, khiến các cổ đông của doanh nghiệp phải chi ra khoảng 60 triệu USD. Ví dụ, khi Léo Apotheker thôi giữ chức CEO của Hewlett-Packard, ông đã ra đi với khoản tiền 13,2 triệu USD tiền mặt và cổ phiếu đang nắm giữ.

 Tháng 3/2018, Bank of America Corp trở thành ngân hàng lớn đầu tiên của Mỹ công bố mức lương mà CEO của mình được nhận

Larry Merlo, CEO của CVS chắc cũng không quá đau buồn khi bị sa thải, bởi ông vẫn được trả khoảng 170 triệu USD. Tương tự, Ralph Lauren, người sáng lập và CEO của Ralph Lauren Corporation vẫn sẽ giữ cuộc sống hưởng thụ khi bị đề nghị từ chức, bởi ông được trả khoảng 148 triệu USD để làm việc này.

Theo số liệu từ GMI, hãng nghiên cứu quản trị doanh nghiệp, các doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong hoạt động kinh doanh vẫn phải trả khoảng 2,6 tỷ USD cho bộ máy lãnh đạo. Cụ thể hơn, đối với các doanh nghiệp thuộc chỉ số S&P 500, các CEO vẫn nhận được trung bình khoảng 22 triệu USD để rời nhiệm sở ngay cả khi bị đuổi việc. Tổng cộng, cổ đông của các doanh nghiệp thuộc S&P 500 cần chi 10,8 tỷ USD để sa thải các CEO của mình.

Thực tế này nói tới việc, CEO của các doanh nghiệp đang được “ưu ái” khá nhiều, bởi nếu công ty gặp khó khăn, cổ đông có thể gặp trục trặc khi không được hưởng cổ tức, trong khi lãnh đạo doanh nghiệp ít chịu trách nhiệm về vấn đề này. Thậm chí, việc sa thải lãnh đạo công ty khi làm việc không hiệu quả cũng là một lựa chọn tốn kém.

CEO ngân hàng được trả hậu hĩnh tới mức nào?

Lãnh đạo các nhà băng vốn nổi tiếng bởi mức lương hậu hĩnh và các con số này khiến nhiều người giật mình. Điển hình, tháng 3/2018, Bank of America Corp trở thành ngân hàng lớn đầu tiên của Mỹ công bố mức lương mà CEO của mình được nhận. Cụ thể, CEO Brian Moynihan thu về mức lương đạt 23 triệu USD, cao hơn 250 lần so với mức trung bình của các nhân viên trong nhà băng.

Dù ngân hàng thua lỗ trong 3 năm nắm quyền nhưng cựu CEO Deutsche Bank vẫn sẽ hưởng thêm 7 triệu euro nếu bị sa thải 

2017 là một năm khá thành công đối với các nhà băng trên toàn cầu và vì vậy, nhiều ngân hàng tỏ ra “hào phóng” với lương thưởng dành cho các lãnh đạo. Chẳng hạn, thu nhập của CEO Citigroup Michael Corbat tăng 48% so với năm trước đó, lên 23 triệu USD. Trong khi thu nhập của CEO Goldman Sachs Lloyd Blankfein tăng 9%, lên 24 triệu USD; CEO Morgan Stanley James Gorman tăng 20%, lên 27,1 triệu USD.

Dù có mức tăng trưởng thu nhập thấp nhất (5%) trong số CEO các ngân hàng lớn, nhưng Jamie Dimon, CEO JPMorgan Chase vẫn là người được trả hậu hĩnh nhất, với 29,5 triệu USD trong năm 2017.

Trường hợp kinh điển của Wells Fargo

Scandal gian lận và thu lợi bất hợp pháp từ thông tin khách hàng của Wells Fargo là một trong những sự kiện chấn động thị trường tài chính toàn cầu năm 2016 - 2017. Trước bê bối này, CEO của ngân hàng đã phải từ chức sớm 2 năm, tuy nhiên, số tiền mà ông được nhận vẫn khiến nhiều người không hài lòng.

Tháng 9/2016, scandal của Well Fargo bắt đầu bùng nổ, đe dọa lớn tới một trong những nhà băng lớn nhất Hoa Kỳ dựa trên giá trị thị trường. Cụ thể, các nhân viên nhà băng đã tự ý mở khoảng 2 triệu tài khoản bằng thông tin khách hàng cung cấp mà không được sử đồng ý của khách hàng. Vụ việc khiến Wells Fargo phải nộp phạt 185 triệu USD, sa thải 5.300 nhân viên, nhưng quan trọng hơn cả, niềm tin tạo dựng bấy lâu nay trong lòng khách hàng đã bị ảnh hưởng tiêu cực.

Nguyên nhân của các hành động trên được cho rằng, các nhân viên của Wells Fargo chịu áp lực doanh số của hoạt động bán chéo quá lớn dưới sự dẫn dắt của ông John Stumpf. Sau scandal này, ngân hàng Wells Fargo đã đưa ra thông báo, Chủ tịch và CEO John Stumpf sẽ nghỉ hưu ngay lập tức.

Mặc dù ra đi trong tình cảnh như vậy, John Stumpf vẫn được nhận khoảng 133,1 triệu USD. Trong số đó, khoảng 109,9 triệu USD tới từ 2,4 triệu cổ phiếu Wells Fargo mà ông được sở hữu trong quãng thời gian làm việc (từ năm 1998); 4,4 triệu USD các khoản tiền thưởng chậm trả và khoảng 19,9 triệu USD chính sách cho việc nghỉ hưu.

Chưa kể, ông vẫn nhận được những chính sách đãi ngộ bao gồm văn phòng làm việc, lái xe riêng, phí hỗ trợ tư vấn khi liên quan tới các hoạt động giải trình và tư vấn trong 2 năm sau đó.

Với diễn biến này, Thượng nghị sỹ Elizabeth Warren đã lên tiếng chỉ trích về scandal của Stumpf, đồng thời kêu gọi ông phải trả lại nhiều hơn nữa số tiền nộp phạt, cũng như phải bị điều tra bởi bộ phận pháp lý của UBCK và sàn giao dịch Mỹ.

Tới tháng 5/2017, Hội đồng quản trị Wells Fargo thông báo sẽ rút lại 69 triệu USD trong các khoản lương thưởng mà cựu CEO Stumpf nhận được. Dù con số này là khá lớn so với các sự việc bồi thường tương tự trước đây, nó vẫn còn cách xa so với số tiền doanh nghiệp phải nộp phạt, cũng như số tiền mà vị lãnh đạo này được nhận khi từ chức.

Mới đây, vào đầu tháng 4/2018, Deutsche Bank, ngân hàng lớn nhất nước Đức công bố sẽ sa thải CEO John Cryan sau 3 năm nắm giữ vị trí này. Nguyên nhân bởi kể từ khi John Cryan nhậm chức, Ngân hàng đã chịu thua lỗ trong 3 năm liên tiếp, nặng nề nhất là trong năm ngoái, khi lợi nhuận của Deutsche Bank lao dốc, kéo theo giá cổ phiếu giảm 30%.

Theo hợp đồng, nhiệm kỳ của John Cryan sẽ kéo dài tới tháng 7/2020. Báo cáo của Deutsche Bank cho thấy, ông Cryan, cũng như bất kỳ thành viên nào trong Hội đồng quản trị của nhà băng đều có quyền “được hưởng một số khoản tiền lương thưởng khi rời vị trí trước khi nhiệm kỳ kết thúc vì những quyết định mang tính cải tổ của Ngân hàng”.

Bên cạnh đó, “các khoản tiền này thường tương đương với 2 năm lương thưởng trung bình và bị giới hạn bởi các điều kiện khác có trong hợp đồng”. Trong năm 2017, số tiền thù lao mà John Cryan nhận được vào khoảng 3,4 triệu euro. Điều này đồng nghĩa với việc, cựu CEO Deutsche Bank đã nắm chắc trong tay khoảng 7 triệu euro khi ra đi. Đó là còn chưa kể các khoản tiền từ cổ phiếu của ngân hàng, chính sách hưu và nhiều phúc lợi khác.

Hiện tại, con số chính thức mà John Cryan được nhận khi rời khỏi trụ sở Deutsche Bank chưa được công bố, nhưng diễn biến này cho thấy, CEO các nhà băng vẫn được đãi ngộ hậu hĩnh ngay cả khi bị sa thải. 

Tin bài liên quan