Tín dụng hàng không châu Á “cất cánh” cùng “khách VIP” VietJetAir

(ĐTCK) Các ngân hàng và công ty cho thuê tài chính châu Á đang xâm nhập vào lĩnh vực tài trợ cho ngành hàng không, một ngành đang bùng nổ của khu vực, với sự góp mặt của các hãng hàng không trẻ giá rẻ ở Đông Nam Á, trong đó có VietJetAir của Việt Nam, hãng vừa ký hợp đồng mua 63 máy bay Airbus có tổng trị giá 9 tỷ USD.
Tín dụng hàng không châu Á “cất cánh” cùng “khách VIP” VietJetAir
Diễn biến này đang cho thấy những dấu hiệu về một sự dịch chuyển cán cân quyền lực trong một góc từng ngủ quên của thị trường tài chính mà trước đây thuộc quyền “cai trị” của các ngân hàng và công ty cho thuê tài chính phương Tây.

Sự tham gia của các tổ chức tín dụng châu Á tạo nên một cuộc cạnh tranh gay gắt nhất trong lĩnh vực tài trợ hàng không kể từ trước khủng hoảng 2008 đến nay, khiến biên lợi nhuận của các nhà cho vay trong lĩnh vực này thu hẹp đáng kể.

“Đang có một cuộc đua mới, mà ở đó, bạn không chỉ nhìn thấy các ngân hàng Trung Quốc mà còn cả các ngân hàng Úc. Tại Malaysia và Hàn Quốc, thậm chí là Thái Lan, các ngân hàng cũng đang nhòm ngó mảng kinh doanh này”, Jean-Francois Lascombe, phó phụ trách tài trợ hạ tầng và xuất khẩu máy bay của Natixis, một ngân hàng Pháp, nói. “Tất cả những điều đó đã ép biên lợi nhuận của lĩnh vực này trở nên ngày càng mỏng”.

Sở dĩ các ngân hàng bị lôi kéo đến khu vực này là bởi sự bùng nổ của các đơn đặt hàng mua máy bay từ các hãng hàng không giá rẻ mới được thành lập ở khu vực Đông Nam Á, như Lion Air của Indonesia và VietJetAir của Việt Nam.

Tuần trước, tại triển lãm hàng không lớn nhất châu Á diễn ra tại Singapore, đã có các thỏa thuận thuê và mua máy bay trị giá 30 tỷ USD được thực hiện, trong đó có thỏa thuận trị giá 9 tỷ USD của VietJetAir về việc mua 63 máy bay Airbus. Một phần trong hợp đồng này được tài trợ bởi Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc.

Các tổ chức tín dụng Nhật Bản như Ngân hàng Phát triển Nhật Bản và Công ty Vốn hàng không SMBC, một đơn vị của Tập đoàn ngân hàng Sumitomo Mitsui Banking Corporation, cũng đang chen lấn vào thị trường này sau nhiều năm “án binh bất động”.

“Họ (các ngân hàng Nhật) đang trở lại. Và chắc chắn là chúng tôi sẽ phải tính đến họ trong các thương vụ của mình”, Nicolas Parrot, đồng giám đốc lĩnh vực giao thông của BNP Paribas, một ngân hàng Pháp, nói.

Phạm vi của hoạt động tài trợ và cho thuê tài chính ở châu Á đang ngày càng lan rộng ra khỏi Singapore, nước mời gọi các ngân hàng và công ty cho thuê tài chính - đặc biệt từ Trung Quốc - bằng các chính sách ưu đãi thuế.

Năm ngoái, Natixis đã chuyển văn phòng khu vực mảng tài trợ hàng không từ Hồng Kông sang Singapore. Trước đó, năm 2011, Avolon, một công ty tài chính hàng không của Ai Len cũng làm điều này.

Lĩnh vực tài trợ hàng không cũng được thúc đẩy bởi hoạt động phát hành trái phiếu, đặc biệt là các trái phiếu bằng đồng nhân dân tệ, để mua máy bay của các công ty cho thuê tài chính.

BOC Aviation, một công ty cho thuê máy bay của Bank of China, hôm thứ Tư tuần trước đã trả giá cho lô trái phiếu 10 năm bằng đồng nhân dân tệ đầu tiên được phát hành bởi một công ty cho thuê máy bay.

Thương vụ trị giá 300 triệu nhân dân tệ (49 triệu USD) của công ty này được dàn xếp bởi DBS, ngân hàng có tài sản lớn nhất Singapore. DBS cho biết, Ngân hàng đã dấn chân vào lĩnh vực tài trợ hàng không từ năm 2011, sau khi các ngân hàng châu Âu rút khỏi châu Á do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính.

Tin bài liên quan