Thị trường tài chính toàn cầu sẽ có một tháng 9 bận rộn

Thị trường tài chính toàn cầu sẽ có một tháng 9 bận rộn

(ĐTCK) Trong tháng 9 này, thị trường tài chính toàn cầu có thể sẽ bận rộn hơn bao giờ hết với rất nhiều những sự kiện.

Thông thường, tháng 9 là khoảng thời gian tồi tệ nhất đối với thị trường chứng khoán, đây là tháng duy nhất mà mức lợi suất trung bình của chỉ số S&P 500 ở mức âm trong giai đoạn từ 1928 tới nay, theo số liệu của Bank of America Merrill Lynch.

Thị trường tài chính toàn cầu sẽ có một tháng 9 bận rộn ảnh 1

 Tháng 9 là thời điểm tồi tệ đối với giới đầu tư chứng khoán

Tuy nhiên, hiện tại, các chiến lược gia phố Wall lên tiếng cảnh báo rằng, sự giao dịch ổn định trong tháng 8 có thể chấm dứt trong tháng 9, với nhiều sự kiện bất ổn xảy ra.

David Woo, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu lãi suất và tiền tệ toàn cầu của Bank of America Merrill Lynch cho rằng, nhà đầu tư đang quá tự mãn với ý nghĩ cuộc bầu cử sắp tới của Mỹ đồng nghĩa với một đợt sóng các chính sách nới lỏng tiền tệ khác tại nền kinh tế này. Thay vào đó, nhà đầu tư nên cân nhắc tới khả năng, sự thay đổi người lãnh đạo tại Mỹ có thể gây ra rủi ro lớn cho danh mục đầu tư của mình.

Trong tháng 9, số liệu quan trọng đầu tiên sẽ khuấy động thị trường là báo cáo việc làm phi nông nghiệp tháng 8 được Bộ Lao động Mỹ công bố ngày 1/9. Số liệu khả quan đồng nghĩa với khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ nâng lãi suất trong phiên họp chính sách sắp tới diễn ra và ngày 21/9.

Tiếp theo đó, quyết định của các ngân hàng trung ương khác trên toàn cầu sẽ là yếu tố gây ảnh hưởng tới các thị trường tài chính trong tháng 9. Hội đồng thống đốc Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) sẽ có phiên họp vào ngày 8/9. Các chuyên gia tài chính cho rằng ECB có thể sẽ nới rộng hơn chương trình nới lỏng tiền tệ hiện tại từ tháng 3 lên tháng 9/2017.

Ngày 15/9, Ngân hàng trung ương Anh (BOE) sẽ có cuộc họp chính sách định kỳ. Theo các chuyên gia tham gia khảo sát của Bloomberg, chỉ 6,3% khả năng BOE sẽ giảm lãi suất trong cuộc họp này.

Một mối quan tâm khác là việc Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ) sẽ tiến hành phiên họp chính sách, đối diện với tình trạng tăng trưởng GDP yếu, áp lực giảm phát nặng nề và các chính sách tiền tệ chưa mang lại hiệu quả như mong muốn. Kết quả cuộc họp sẽ được công bố vào ngày 21/9, cùng ngày với phiên họp của Fed.

Trong một diễn biến khác, ngày 4-5/9, Hội nghị G20 sẽ được tổ chức với Trung Quốc là nước chủ nhà. Mặc dù các chuyên gia không thể dự báo được các kế hoạch hợp tác của các quốc gia G20, tuy nhiên thị trường vẫn tập trung vào những phiên thảo luận của các nhà chính sách nhằm tìm kiếm thông tin về chính sách thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nói chung.

Một thông tin không kém phần quan trọng khác là việc Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) sẽ nhóm họp vào 26-28/9. Các chuyên gia tại Barclays Plc cho rằng, rất có thể, việc tổ chức này giữ nguyên mức cung sản phẩm hiện tại sẽ tạo nên mối đe dọa đối với thị trường.

Tin bài liên quan