Thị trường dầu mỏ: Niềm vui ngắn hạn, nỗi lo lâu dài

Thị trường dầu mỏ: Niềm vui ngắn hạn, nỗi lo lâu dài

(ĐTCK) Các thành viên thị trường dầu mỏ đã trải qua vài ngày đầu tuần bận rộn nhưng nhiều niềm vui, bởi giá dầu đã bắt đầu nhích lên khi Mỹ và Trung Quốc tạm trì hoãn cuộc chiến tranh thương mại hiện tại, trong khi thỏa thuận cắt giảm dầu mỏ nhiều khả năng được nối lại.

Mỹ - Trung đình chiến

Nhiều thông tin được công bố từ Buenos Aires cuối tuần trước tại Hội nghị Thượng đỉnh G20. Theo đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gặp gỡ Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và đi đến kết luận “đình chiến” thương mại. Dù thỏa thuận cuối cùng còn khá xa vời, Nhà Trắng vẫn gọi đây là “cuộc gặp gỡ cực kỳ thành công” và ông Trump nhanh chóng tuyên bố giành chiến thắng.

Thực tế, theo các thành viên thị trường, tình hình hiện tại chỉ là sự trì hoãn, không hẳn đạt được thỏa thuận.

Cụ thể, Mỹ sẽ tạm ngừng việc nâng thuế từ 10% lến 25% đối với 200 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, dù lịch trình trước đó ấn định sẽ áp dụng vào tháng 1/2019. Đổi lại, Trung Quốc cam kết sẽ nâng cao việc nhập khẩu hàng hóa từ Mỹ.

Tất nhiên, việc trì hoãn áp dụng các hàng rào thuế quan với hàng hóa từ cả 2 quốc gia là rất quan trọng, dù chỉ tạm thời và thị trường dầu mỏ đã nhanh chóng nhận được trợ lực tích cực từ thông tin này.

Theo đó, ngay sau thông tin đình chiến, giá dầu thô Brent đã tăng gần 5%, lên mức 61,69 USD/thùng, trong khi dầu WTI thị trường tương lai tăng gần 4%, đạt 52,95 USD/thùng. 

OPEC tiềm ẩn nhiều mối lo

Không chỉ nhận được trợ lực từ diễn biến mới nhất của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, giá dầu còn được hỗ trợ bởi động thái mới nhất từ Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và đồng minh chính trong việc cắt giảm sản lượng dầu mỏ là Nga.

Theo đó, tại cuộc họp của OPEC và các đồng minh tại Vienna, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết, Nga sẽ tiếp tục đồng hành cùng thỏa thuận giảm sản lượng, dù các bên chưa thống nhất về số lượng cụ thế.

“Chúng tôi cho rằng, việc sản lượng dầu giảm khoảng 1,2 – 1,2 triệu thùng/ngày là cần thiết để ngăn chặn tình trạng giá dầu lao dốc quá sâu”, Jim Ritterbusch, Chủ tịch Ritterbusch and Associates nhận định.

Tuy nhiên, tại phiên họp này, một diễn biến đáng chú ý là việc Qatar cho biết đã quyết định rời khỏi OPEC vào tháng 1/2019. Hiện tại, sản lượng dầu mỏ của Qatar chỉ đạt khoảng 600.000 thùng dầu/ngày, nhưng đây lại là nhà xuất khẩu khí hóa lỏng (LNG) lớn nhất thế giới.

Quyết định rời bỏ OPEC sau 57 năm là thành viên của Qatar được đánh giá đã thể hiện những mâu thuẫn của các nhà sản xuất nhỏ thuộc Tổ chức dưới cái bóng quá lớn của Ả Rập Xê út.

Theo đó, chính quyền Qatar đưa lý do rời khỏi tổ chức là bởi muốn gia tăng sản xuất cả dầu thô lẫn khí đốt, vượt qua những giới hạn mà OPEC đặt ra, nhưng theo giới chuyên gia, một phần nguyên nhân xuất phát từ những mâu thuẫn giữa quốc gia này và Ả Rập Xê út.

Trong bối cảnh hiện tại, giới phân tích cho rằng, diễn biến tiếp theo của giá dầu sẽ phụ thuộc vào Iran. Với việc Mỹ áp đặt các lệnh cấm vận, Iran chưa thể cung cấp ra thị trường sản lượng dầu mỏ vốn đạt 2,5 triệu thùng/ngày.

Đây là một trong những yếu tố từng đẩy giá dầu lên mức cao nhất 4 năm qua vào tháng 10/2018, khi lần đầu tiên sau nhiều năm viễn cảnh thiếu hụt nguồn cung có thể xảy ra.

Tuy nhiên, hiện tại, tình trạng cấm vận dường như đang được nới lỏng. Theo đó, với những tín hiệu mới từ chính quyền Mỹ, các khách hàng lớn của Iran như Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc vẫn có thể mua dầu mỏ từ quốc gia này trong ít nhất 6 tháng tới.

Theo số liệu mới nhất từ Platts, sản lượng xuất khẩu dầu mỏ của Iran trong tháng 11/2018 vào khoảng 800.000 thùng/ngày.

Con số này khá nhỏ so với mức 2,4 triệu thùng/ngày trung bình 6 tháng trước, nhưng vẫn thể hiện việc nguồn cung từ Iran nhiều khả năng sẽ sớm quay trở lại thị trường. Khi đó, đây sẽ là yếu tố bí ẩn có sức mạnh điều chỉnh giá của loại năng lượng này trên thị trường.

Tin bài liên quan