Thấy gì từ bản đồ tỷ phú 2017: Jeff Bezos, công nghệ và Trung Quốc

Thấy gì từ bản đồ tỷ phú 2017: Jeff Bezos, công nghệ và Trung Quốc

(ĐTCK) Năm 2017 vừa qua là một năm ghi dấu nhiều kỷ lục về số lượng tỷ phú trên toàn thế giới: số tỷ phú tăng 13%, từ 1.810 người năm 2016 lên 2.043 người năm 2017; tổng giá trị tài sản ròng của nhóm người giàu nhất hành tinh này cũng tăng 18% lên 7,67 nghìn tỷ USD.

Bill Gates mất vị trí số 1

Điểm đáng chú ý nhất tronng bảng xếp hạng tỷ phú năm 2017 chính là cuộc soán ngôi “giàu nhất thế giới” gắn liền với cái tên Jeff Bezos. Sau nhiều năm giữ ngôi vị số 1, ông chủ Microsoft Bill Gates đã phải nhường lại vị trí cho ông chủ Amazon để bước xuống vị trí thứ hai.

Tài sản tính đến ngày 28/12/2017 của Jeff Bezos, doanh nhân 53 tuổi, người sáng lập và CEO của gã khổng lồ thương mại điện tử Amazon, là 99,8 tỷ USD. Trước đó, đã có thời điểm con số này là 101 tỷ USD.

Như vậy, không chỉ vượt qua Bill Gates để trở người giàu nhất thế giới, Bezos còn là tỷ phú đầu tiên có giá trị tài sản ròng vượt 100 tỷ USD kể từ sau khi nhà sáng lập Microsoft đạt được thành tích này năm 1999. Theo Bloomberg Billionaires Index, Bezos là người kiếm được nhiều tiền nhất trong 12 tháng qua nhờ cổ phiếu Amazon tăng mạnh. 

Top tỷ phú giàu nhất: Nước Mỹ vẫn chiếm đa số, “ngành công nghệ” là từ khóa

Đáng chú ý, trong số 15 tỷ phú giàu nhất thế giới năm 2017, có tới 11 tỷ phú đến từ nước Mỹ. 

Cũng trong top 15 này, có thể thấy ngành công nghệ đã và đang là một mỏ vàng đầy tiềm năng khi có tới 7 tỷ phú thuộc lĩnh vực này, gắn liền với những “gã khổng lồ công nghệ” như Amazon, Microsoft, Facebook hay Alphabet (công ty mẹ của Google).

Năm 2017, tài sản của 100 tỷ phú công nghệ giàu nhất thế giới tăng 21% so với năm ngoái lên 1.008 tỷ USD, phần lớn nhờ cổ phiếu của các công ty công nghệ hàng đầu tăng mạnh.

Trong đó, tỷ phú kiếm được nhiều tiền nhất trong năm 2017 là CEO Amazon Jeff Bezos. Năm vừa qua, Jeff Bezos đã “bỏ túi” thêm 33,8 tỷ USD nhờ cổ phiếu Amazon tăng 60%.

Đặc biệt, ngày 26/10/2017, cổ phiếu Amazon đã tăng tới 13% khi Công ty công bố lợi nhuận quý III vượt xa mong đợi. Đó cũng chính là ngày mà Bezos kiếm thêm được 7 tỷ USD chỉ trong một giờ, đưa ông lên ngôi vị người giàu nhất hành tinh.

Ngoài ra, trong top 5 tỷ phú kiếm được nhiều tiền nhất trong năm 2017 cũng có 2 tỷ phú công nghệ khác là CEO Facebook Mark Zuckerberg và Chủ tịch tập đoàn Tencent Ma Huateng.

Thấy gì từ bản đồ tỷ phú 2017: Jeff Bezos, công nghệ và Trung Quốc ảnh 1

Số tỷ phú toàn cầu tăng kỷ lục, đặc biệt là ở Trung Quốc

Theo Forbes, năm 2017, thế giới hiện có 2.043 tỷ phú, tăng 233 người so với năm 2016. Đây là mức tăng lớn nhất và cũng là lần đầu tiên danh sách tỷ phú của Forbes có trên 2.000 người kể từ khi tạp chí này bắt đầu theo dõi và xếp hạng các tỷ phú trên toàn thế giới trong 31 năm qua.

Trong danh sách năm 2017 của Forbes, có 195 gương mặt mới. Trong số đó, Trung Quốc là nước dẫn đầu với 76 tỷ phú mới, vượt trội so với các quốc gia khác. Mỹ xếp ở vị trí thứ hai với 25 tỷ phú mới.

Bên cạnh đó, trong số 15 nữ tỷ phú tự thân mới lọt vào danh sách tỷ phú năm 2017, có tới 14 người tới từ châu Á, và 10/14 người đó tới từ Trung Quốc. Lucy Peng, CEO của Ant Financial Services, một nhánh tài chính trực tuyến của tập đoàn Alibaba, đã lần đầu xuất hiện trong danh sách này.

Ngoài ra, năm 2017 cũng đánh dấu bước nhảy vọt về thứ bậc của Trung Quốc trong bảng xếp hạng tỷ phú. Theo đó, hồi tháng 11 vừa qua, ông Ma Huateng trở thành tỷ phú Trung Quốc đầu tiên lọt vào top 10 người giàu nhất thế giới.

Tháng 3/2017, tài sản của Ma Huateng được Forbes định giá khoảng 24,9 tỷ USD, tuy nhiên chỉ sau 8 tháng, tài sản của ông chủ Tencent đã lên tới 48,3 tỷ USD, mức tăng gần gấp đôi. Hiện tại, tài sản của ông Ma đã tụt xuống còn 45,5 tỷ USD, nhưng vẫn thuộc top 15 tỷ phú giàu nhất thế giới.

Trước đó, theo một thống kê khác của Bloomberg hồi tháng 9/2017, tổng tài sản của 40 tỷ phú Trung Quốc trong danh sách Bloomberg Billionaires Index đã tăng 46,8% trong 9 tháng đầu năm, vượt trội so với mức tăng trưởng tài sản của tỷ phú tại tất cả các quốc gia khác. Tổng tài sản của 40 người giàu tại Trung Quốc vào thời điểm tháng 9/2017 là 427 tỷ USD.

Nigeria: “cái nôi tỷ phú” của châu Phi nhờ tài nguyên dầu mỏ

Danh sách các tỷ phú của châu Phi năm vừa qua có thêm bốn tỷ phú mới người Nigeria: Cletus Ibeto (3,7 tỷ USD), người sáng lập Tập đoàn Ibeto; Benedict Peters (2,7 tỷ USD), tỷ phú dầu mỏ; Tony Elumelu (1,6 tỷ USD), nhà đầu tư; và một tỷ phú dầu mỏ khác là Akanimo Udofia (1 tỷ USD). Bốn gương mặt này đã góp phần nâng tổng số tỷ phú người Nigeria lên 23 người, đưa Nigeria trở thành quốc gia có nhiều tỷ phú nhất châu Phi. 

Tổng tài sản của các tỷ phú người Nigeria lên tới 77,7 tỷ USD, tương đương 48% tổng tài sản của tất cả các tỷ phú tại lục địa đen. Tỷ phú Aliko Dangote của Nigeria, người sáng lập tập đoàn công nghiệp lớn nhất châu Phi Dangote Group, cũng là người giàu nhất châu Phi với khối tài sản trị giá 12,1 tỷ USD. Người phụ nữ giàu nhất châu Phi, Folorunsho Alakija, cũng là người Nigeria.

Tại Nigeria, nguồn thu nhập chính vẫn là nguồn tài nguyên dầu mỏ dồi dào của đất nước này. Theo Ventures Africa Rich List, gần 40% tài sản của các tỷ phú người Nigeria gắn liền với ngành công nghiệp dầu khí.

Việt Nam có thêm một cái tên lọt vào bảng xếp hạng tỷ phú 2017

Năm 2017, Việt Nam có thêm một tỷ phú góp mặt trong danh sách của Forbes, đó là người sáng lập kiêm CEO Vietjet Air Nguyễn Thị Phương Thảo. Với khối tài sản 2,4 tỷ USD, đứng thứ 1.678 thế giới, bà Phương Thảo là nữ tỷ phú tự thân duy nhất của khu vực Đông Nam Á.

Như vậy, bà Phương Thảo là tỷ phú thứ hai của Việt Nam, bên cạnh Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng. Năm 2017 cũng là năm thứ 5 liên tiếp ông Vượng có tên trong danh sách này, với tài sản 4,3 tỷ USD, đứng thứ 867 thế giới. Ông lần đầu được Forbes vinh danh vào năm 2013, với 1,5 tỷ USD, đứng thứ 974.

Tin bài liên quan