Tản mạn nước Mỹ

Tản mạn nước Mỹ

LTS: Ông Mai Hữu Tín không phải là người xa lạ với nước Mỹ, bởi ông vốn là du học sinh tại đây. Nhưng trở lại Mỹ lần này, với tư cách là một trong những người Việt Nam đầu tiên vừa được nhận học bổng nghiên cứu Eisenhower Fellowship (ra đời từ năm 1953), ông đã có thêm những góc nhìn và câu hỏi mới về cuộc sống nơi đây. 

Tôi luôn đặt câu hỏi “chúng ta sẽ làm gì?” khi viết lại những gì tôi đã chứng kiến trong 2 tháng nghiên cứu tại Mỹ.

Năng suất nông nghiệp khó tin

Cùng với các đại biểu tham dự Hội thảo Nông dân toàn cầu diễn ra bên lề Giải thưởng Lương thực thế giới (World Food Prize) tại Des Moines, Iowa, tôi ghé thăm Bill Couser, chủ của Couser Cattle Company ở Nevada, Iowa. Bill cùng vợ, con trai và 5 nhân công đang canh tác trên cánh đồng rộng 5.000 acre (2.000 ha) trồng luân phiên bắp và đậu nành. Ngoài ra, hàng năm, họ còn nuôi 3.500 con bò thịt. Tổng cộng mỗi năm, 8 người này làm ra 7 triệu USD, tương đương 875.000 USD/người.

Tôi đã đặt câu hỏi: tại sao gia đình Bill làm được một khối lượng công việc đồ sộ như vậy? Và câu trả lời mà tôi tìm được ở Couser Cattle Company là, sự kết hợp của 3 ngành công nghiệp cơ khí, công nghệ thông tin và công nghệ sinh học đã tạo ra mức năng suất khó tin cho nông dân Mỹ.

Các máy liên hợp khổng lồ trị giá vài trăm ngàn USD có thể gieo trồng hoặc thu hoạch vài chục héc - ta trên một ca máy (khoảng 8 tiếng) là chuyện bình thường. Hay hơn nữa là các máy này có thể tự vận hành, tự ghi lại hành trình khi gieo trồng để đến khi thu hoạch sẽ nhận tín hiệu điều chỉnh vị trí từ vệ tinh và đi theo đúng hành trình cũ để thu hoạch.

Trong quá trình thu hoạch, máy cũng sẽ ghi nhận các dữ liệu về năng suất của từng vùng đất theo từng ô 10 m2 để báo cáo cho Bill. Trên cơ sở đó, Bill có thể lập trình tiếp cho mùa sau xem chỗ nào cần nhiều phân bón hơn, chỗ nào cần trồng nhặt hơn, chỗ nào cần xử lý đất lại để chống ngập úng…

Dù là bắp hay đậu nành thì quy trình thu hoạch cũng giống nhau. Theo đó, máy sẽ tách hạt, làm sạch và đổ vào bồn chứa. Phần thân bắp hoặc đậu nành sẽ được máy cùng lúc cắt nhuyễn, thả lại đều trên đồng làm một phần phân bón cho vụ mùa tới. Phần hạt đã vào bồn chứa của máy có thể được bơm vào các xe tải để đi thẳng tới các nhà máy ethanol, các công ty thu mua hoặc vào các bồn chứa (silo) lớn hơn. 

Bill có quyền lựa chọn giữa sử dụng hạt giống truyền thống tự nhiên với giá khoảng 7 USD/bushel (giạ Mỹ = 26 kg) hoặc hạt giống đã biến đổi gien (GM) với giá khoảng 250 USD/bushel. Với hạt giống đã biến đổi gien, thì công việc của Bill càng đơn giản hơn và có lợi hơn cho Bill, vì các giống này có thể chống hạn, chống sâu, rầy, côn trùng, nấm, cũng như nhiều loại bệnh khác.

Bill và nhân công có thể vận hành rất nhiều thiết bị khác nhau, bao gồm máy hàn, máy tiện, máy cắt, máy khoan… và có thể tự sửa chữa hầu hết các thiết bị của mình. Bill đương nhiên sử dụng thành thạo các phần mềm vi tính để so sánh, cân nhắc về giống, các số liệu về thời tiết, phân tích đất… như những nhà nông học và quyết định thời điểm bán hàng, thậm chí là bán hàng trước như những nhà kinh doanh thứ thiệt…

Một trang trại như của Bill cần rất nhiều vốn cho thiết bị, tôi ước đoán phải vài triệu USD. Vậy, tiền ở đâu để Bill đầu tư? “Tôi dùng phần đất do mình sở hữu để thế chấp vay ngân hàng mua thiết bị. Giờ tôi đã có thể trả hết, nhưng tôi dùng tiền đó như vốn lưu động để trữ hàng. Nếu lãi suất ngân hàng vượt quá 5%/năm, tôi sẽ trả hết các khoản vay để tránh rủi ro…”, Bill chia sẻ.

Bill có được Nhà nước Mỹ hỗ trợ gì không? “Ngoài bảo hiểm nông nghiệp mà ở đó, nông dân sẽ được đền bù, nếu sản lượng đạt dưới 75% năng suất bình quân, tôi không cần hỗ trợ gì khác”, Bill nói.

Bill Couser -  người ngồi ngoài cùng bên trái (quần jean), tác giả là người đứng ngoài cùng bên phải

Còn đóng thuế thì sao? Đương nhiên là có.

Cũng phải nói thêm rằng, gia đình Bill chỉ sở hữu khoảng 50% diện tích đất canh tác nói trên. Phần còn lại là do Bill thuê lại từ các chủ đất khác, những người không còn làm nghề nông, nhưng vẫn giữ quyền sở hữu đất. Bản thân gia đình Bill cũng phải mất vài thế hệ để tích luỹ được diện tích trên.

Dù chỉ chiếm 1,2% dân số, nhưng nông dân Mỹ đủ khả năng nuôi toàn bộ nước Mỹ và còn thừa một lượng rất lớn để xuất khẩu sang các nước khác, trong đó có Việt Nam, với mức giá hết sức cạnh tranh. Do vậy, dù phải vượt vài ngàn km đường bộ, sau đó là vài ngàn km đường biển, hàng của họ vẫn bán được ở châu Á và trên toàn thế giới.

Người Việt chi phối ngành nail

Hầu hết người Việt có thân nhân tại Mỹ thường ngạc nhiên khi nghe kể rằng, bà con của họ đang làm thợ nail tại Mỹ, dù trước đó họ từng là kỹ sư, cử nhân sư phạm, cử nhân tài chính… tại Việt Nam.

Thực tế, sau vài khoá học ngắn hạn để đạt các tiêu chuẩn của Mỹ, bất kỳ người Việt nào cũng có thể tham gia ngành này. Do khéo tay, siêng năng, chiều khách, mà theo thời gian, người Việt tại Mỹ đã trở thành lực lượng lớn nhất trong ngành công nghiệp nail, một hiện tượng trong đời sống Mỹ và được người dân Mỹ yêu mến.

Họ dễ kiếm việc làm và có thu nhập khá ổn định, bình quân khoảng 3.000 USD/người/tháng. Chỉ những nơi xa xôi, hẻo lánh lắm thì mới không tìm được tiệm nail của người Việt. Hiện có đến hơn 45% số giấy phép hành nghề nail tại Mỹ do người Việt Nam nắm giữ. Riêng tại California, con số này lên đến hơn 80%.

Cả ngành nail ở Mỹ có tổng giá trị khoảng 7,5 tỷ USD. Nếu 60% con số này thuộc về người Việt, tức hơn 4 tỷ USD, thì gần 1/4 con số này, tức hơn 1 tỷ USD, hàng năm đã tìm đường về Việt Nam để giúp đỡ người thân trong nước.

Niềm say mê của người Mỹ về hưu

Tôi có người bạn là một tiến sỹ, từng giữ chức vụ khá cao trong bộ máy hành chính của New York, tương đương giám đốc sở kế hoạch và đầu tư của Việt Nam. Năm nay bà 73 tuổi và đã có 8 năm làm hướng dẫn viên tình nguyện cho… Thư viện Thành phố New York. Nhìn cách bà kể chuyện, trao đổi và trả lời câu hỏi của khách thập phương, mới thấy bà yêu mến công việc này cũng như yêu mến thành phố của bà đến mức nào.

Ở một bảo tàng tại Philadelphia, tôi gặp một hướng dẫn viên khác 76 tuổi, là một đại tá trong quân đội Mỹ trước đây, từng tham chiến ở Triều Tiên. Trong gần 3 giờ đồng hồ, ông giúp tôi hiểu cặn kẽ lai lịch của bảo tàng và những tác phẩm nổi tiếng trong đó, với sự say sưa và nhiệt tình khiến tôi ngưỡng mộ. “Mỗi năm tôi đi làm thiện nguyện 2 lần ở châu Phi từ tiền lương hưu của tôi. Còn hàng ngày, tôi ở đây để phục vụ các bạn”, ông nói.

Tại Sedona, một thành phố du lịch nhỏ, nhưng rất đẹp thuộc Bang Arizona, tôi gặp một người lái xe taxi rất thú vị, năm nay 71 tuổi. Trước đây, ông có 2 khách sạn nhỏ tại thành phố này, nhưng đến đúng 60 tuổi, ông bán hết và quyết định ở nhà đi chơi golf hưởng nhàn. Tiền tiết kiệm đủ để ông chi tiêu mà không phải làm gì nữa.

Thế nhưng, sau 3 năm như vậy, ông quyết định sử dụng chính chiếc xe Mercedes đang đi để làm xe taxi. Mỗi chuyến xe ông lái trong thành phố này đều có giá 15 USD. Ông tận tình cung cấp mọi thông tin tôi cần và kể về mọi thắng cảnh của thành phố như một hướng dẫn viên chuyên nghiệp.

“Được ngắm mọi cảnh đẹp của thành phố này hàng ngày, được gặp và kể cho du khách từ khắp nơi về chúng và còn được trả tiền nữa, dù là chỉ đủ để tôi tiêu vặt, là một hạnh phúc lớn. Tôi không nghĩ là ở tuổi này, tôi lại có một công việc thú vị như vậy. Tôi sẽ tiếp tục lái taxi kiểu này đến khi tôi không còn đủ sức làm như vậy nữa”, ông nói.