John Flannery

John Flannery

Tân CEO GE muốn thay đổi văn hóa của Tập đoàn

(ĐTCK) Mới đây, Tập đoàn General Electric (GE) đã báo cáo thu nhập quý III/2017 chỉ bằng một nửa so với dự đoán của giới chuyên gia. Tin tức này ngay lập tức khiến giá cổ phiếu của GE sụt giảm tới 8% vào hôm thứ Sáu tuần trước (20/10), trước khi hồi phục trở lại.

Cụ thể, GE báo cáo tỷ suất lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu chỉ đạt 29 cent, trong khi giới phân tích dự báo ở mức 49 cent. Theo Tập đoàn Đầu tư Bespoke, đây là khoảng cách lớn nhất giữa lợi nhuận thực tế và lợi nhuận kỳ vọng của GE trong 17 năm trở lại đây.

Tập đoàn này đã hạ dự báo tỷ suất lợi nhuận cho cả năm của GE xuống 1,05-1,1 USD/cổ phiếu, từ mức 1,6-1,7 USD/cổ phiếu được đưa ra trước đó, doanh thu hoạt động bằng tiền mặt dự kiến chỉ đạt 7 tỷ USD, giảm so với mức 12-14 tỷ USD ước tính trước đó, trong khi giữ nguyên dự báo về cổ tức.

Mảng thiết bị điện và dầu khí yếu kém, sự tín nhiệm của khách hành giảm sút và chi phí tái cơ cấu cao hơn dự kiến là những nguyên nhân chính khiến lợi nhuận của GE sụt giảm. Cụ thể, trong kỳ, lợi nhuận của mảng điện giảm 51%, xuống còn 611 triệu USD so với mức 1,3 tỷ USD của cùng kỳ năm trước, doanh thu hoạt động bằng tiền mặt đạt 1,74 tỷ USD, giảm so với mức 2,9 tỷ USD cùng kỳ.

Các nhà đầu tư đang chờ đợi một sự thay đổi lớn sau hơn một thập niên nản lòng với mức lợi nhuận thấp của hãng sản xuất thiết bị y tế, động cơ máy bay, nhà máy điện và các thiết bị công nghiệp khác đã 125 năm tuổi này.

Kể từ khi cựu Giám đốc điều hành (CEO) Jeff Immelt lên nắm quyền vào tháng 9/2001, giá cổ phiếu của GE đã giảm hơn 40% và lợi nhuận âm kể cả khi tái đầu tư cổ tức. Riêng trong năm nay, giá cổ phiếu GE đã giảm hơn 25%.

Tân CEO John Flannery, người lên nắm quyền từ ngày 1/8 vừa qua thừa nhận trong một cuộc họp với các nhà phân tích rằng, báo cáo kết quả kinh doanh mới đây là “hoàn toàn không thể chấp nhận được”, đồng thời cho biết, nguyên nhân chủ yếu của kết quả này là do “những thách thức lớn” trong sự phân chia quyền lực tại GE.

Flannery tuyên bố sẽ thay đổi văn hóa của GE, để những người quản lý phải có trách nhiệm hơn, các bộ phận kinh doanh hoạt động hiệu quả hơn và giảm mức độ phức tạp trong danh mục đầu tư của Tập đoàn.

Ông cho biết, những bộ phận kinh doanh tốt đang bị kìm hãm bởi những bộ phận không hứa hẹn một kết quả xứng đáng như bộ phận thu hút nguồn lực quản lý và đầu tư, nên GE cần một danh mục đầu tư được đơn giản hóa và có trọng tâm trong những tháng tới. Theo một số nhà phân tích, Flannery sẽ nhanh chóng “đưa GE trở lại nguồn gốc công nghiệp của mình”.

GE dự kiến sẽ có kế hoạch cắt giảm hơn 2 tỷ USD chi phí, gấp đôi so với mục tiêu hiện tại và bán thêm khoảng 20 tỷ USD tài sản trong vòng 2 năm tới nhằm khôi phục dòng tiền mặt của Tập đoàn.

Jack De Gan, một cổ đông lâu năm tại GE, đã bình luận về suy đoán của thị trường gần đây rằng, GE có thể sẽ cắt giảm cổ tức và sử dụng tiền mặt để xoay chuyển tình thế. Theo cổ đông này, CEO Flannery “đã có cơ hội để cắt giảm cổ tức và bây giờ chính là thời điểm đó”.

“Việc cắt giảm cổ tức sẽ làm tăng tính linh hoạt cho kế hoạch tái cơ cấu của John Flannery. Dành 8 tỷ USD để chia cổ tức cho năm nay rõ ràng là một gánh nặng lớn đối với GE thời điểm này”, De Gan nhấn mạnh.

Thời gian qua, GE chứng kiến sự thay đổi nhân sự sâu rộng, bao gồm sự ra đi của giám đốc tài chính, chủ tịch Hội đồng quản trị nghỉ hưu sớm hơn dự định, hay việc bổ sung đại diện của Trian Partners làm thành viên Hội đồng quản trị Công ty… Theo FactSet, Trian Partners góp vốn khoảng 1,6 tỷ USD trong GE.

“Tôi mong muốn gặp gỡ các nhà đầu tư trong tháng 11 để cập nhật cho họ về tiến bộ của GE”, CEO Flannery nói và hứa hẹn sẽ cung cấp thông tin chi tiết về sự chuyển đổi của GE trong cuộc họp ngày 13/11 tới.

Tin bài liên quan