S&P 500 có tháng tuyệt vời nhất trong 4 năm qua

S&P 500 có tháng tuyệt vời nhất trong 4 năm qua

(ĐTCK) Chính sách nới lỏng tiền tệ cùng với báo cáo kết quả kinh doanh khả quan của các công ty công nghệ lớn đã giúp chứng khoán Mỹ có chuỗi 4 tuần tăng liên tiếp và chỉ số S&P 500 có tháng tăng điểm mạnh nhất kể từ năm 2011.

Chỉ số S&P 500 đã tăng 11% kể từ mức thấp nhất trong mùa hè vừa qua, nhờ vào cổ phiếu của các công ty công nghệ và các nhà sản xuất. Đây là nhóm cổ phiếu đã dẫn đến đà bán tháo mạnh mẽ trong tháng 8/2015 và hiện tại là động lực để chỉ số này tăng điểm.

S&P 500 có tháng tuyệt vời nhất trong 4 năm qua ảnh 1

S&P 500 tăng 11% từ mức thấp nhất vào tháng 8/2015 

“Thị trường đã sôi động trở lại. Chúng ta đang đi đúng hướng nhờ tận dụng thời gian đồng USD không quá đắt, tiền tệ được nới lỏng và các mối lo ngại về kinh tế đang thường trực”, Robert Pavlik, trưởng nhóm chiến lược thị trường Boston Private Wealth cho biết.

Trong tuần này, chỉ số S&P 500 đã tăng 2,1%, đóng cửa ở 2.075,15 điểm, đánh dấu tuần tăng thứ 4, đồng thời là chuỗi tăng dài nhất kể từ đầu năm tới nay.

Chứng khoán nhận được trợ lực mạnh trong tuần này nhờ thông tin từ các ngân hàng trung ương. Hôm qua (23/10), Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PboC) tiếp tục hạ lãi suất và giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc của các ngân hàng nhằm hỗ trợ cho nền kinh tế nước này. Thông tin này được đưa ra chỉ một ngày sau khi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đưa ra tín hiệu cho thấy có thể kéo dài thêm gói nới lỏng định lượng hiện tại nếu cần thiết.

Cùng lúc đó, thời điểm báo cáo kết quả kinh doanh lại đến với các kết qủa bất ngờ. Hơn 100 công ty thuộc chỉ sô S&P 500 đã công bố kết quả kinh doanh trong tuần này, trong đó kết quả của 3 “đại gia” công nghệ lớn thực sự tốt. Microsoft Corp, Alphabet Inc (công ty mẹ của Google) và Amazon.com đã tăng thêm 80 tỷ USD giá trị thị trường trong một ngày khi mà lợi nhuận trong quý III/2015 vượt dự đoán. Nhờ đó, nhóm cổ phiếu công nghệ cũng tăng 4,6% trong tuần.

Tác động cộng hưởng từ chính sách nới lỏng của các ngân hàng trung ương và sự tăng trưởng lợi nhuận của các công ty là 2 động lực lớn nhất hỗ trợ cho chứng khoán trong thời gian này. Với việc đà bán tháo trong tháng 8 đã lùi xa, tính chất bất ổn của thị trường đã giảm bớt.

“Có vẻ như chúng ta đang được hỗ trợ nhờ chính sách kích thích kinh tế của các ngân hàng trung ương trên toàn cầu, đặc biệt là sự tăng trưởng chậm của nền kinh tế Trung Quốc. giới đầu tư có thể cảm thấy thoải mái hơn vào thời điểm hiện tại”, Brian Jacobsen, giám đốc chiến lược tài sản tại Wells Fargo Advantage Funds cho biết.

Tin bài liên quan