So sánh bức tranh nền kinh tế Mỹ dưới thời Donald Trump và 2 tổng thống tiền nhiệm

So sánh bức tranh nền kinh tế Mỹ dưới thời Donald Trump và 2 tổng thống tiền nhiệm

(ĐTCK) Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nhiều lần khẳng định về kết quả ấn tượng của nền kinh tế Mỹ trong nhiệm kỳ tổng thống của mình và sử dụng điều này như một biện pháp phòng thủ trước việc đảng Dân chủ khăng khăng muốn luận tội ông.

Các vị tổng thống nhận được sự công nhận và tin tưởng của người dân nếu trong nhiệm kỳ tổng thống của họ, nền kinh tế cho thấy một kết quả tốt. Ngược lại, nếu mọi thứ đi sai hướng, tổng thống sẽ là người hứng chịu mọi chỉ trích, mặc dù thực tế là tổng thống không có đủ quyền lực để kiểm soát toàn bộ nền kinh tế.

Nếu nhìn vào nhiệm kỳ tổng thống của ông Donald Trump, một bức tranh khá mâu thuẫn xuất hiện. Một mặt, thất nghiệp đang giảm, tiền lương và số lượng việc làm đang tăng lên. Mặt khác, niềm tin của doanh nghiệp cũng đã giảm đáng kể do cuộc chiến thương mại với Trung Quốc và châu Âu.

Dưới đây là bức tranh nền kinh tế Mỹ dưới thời Tổng thống Trump, đặt trong sự so sánh nền kinh tế Mỹ dưới thời hai vị tổng thống tiền nhiêm.

1. Tăng trưởng GDP

So sánh bức tranh nền kinh tế Mỹ dưới thời Donald Trump và 2 tổng thống tiền nhiệm ảnh 1

Tổng sản phẩm quốc nội GDP là một chỉ số kinh tế quan trọng mà theo các chuyên gia, 2 - 3% là tốc độ tăng trưởng GDP lý tưởng của một quốc gia.

Trong nhiệm kỳ tổng thống của ông George W. Bush, tốc độ tăng trưởng GDP của Mỹ đạt trung bình 2,1% mỗi năm, con số đã được điều chỉnh theo lạm phát.

Tuy nhiên, trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2009, GDP của Mỹ giảm mạnh. Chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama đã phải đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất kể từ thời Đại khủng hoảng 1929 - 1930.

Vào tháng 2/2009, một gói kích thích quy mô lớn nhằm phục hồi kinh tế đã được thông qua, và thực tế là nó đã thành công. Theo số liệu chính thức, từ năm 2009 đến 2012, GDP của Mỹ tăng trưởng là nhờ gói kích thích này.

Nền kinh tế Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump có mức tăng trưởng GDP trong khoảng từ 2% - 3%. Năm 2018, tăng trưởng GDP lên tới 2,9%. Tuy nhiên, các chuyên gia dự đoán rằng, kết quả của năm 2019 sẽ không quá ấn tượng.

2. Tỷ lệ thất nghiệp

So sánh bức tranh nền kinh tế Mỹ dưới thời Donald Trump và 2 tổng thống tiền nhiệm ảnh 2

Tỷ lệ thất nghiệp được đo bằng tỷ lệ lực lượng lao động không có việc làm, thay đổi tùy theo điều kiện kinh tế.

Trong nhiệm kỳ Tổng thống Bush, tỷ lệ thất nghiệp dao động từ 4% - 6%, nhưng trong năm 2008 – 2009, tỷ lệ này tăng mạnh lên 7,8%.

Vào tháng 1/2009, ông Obama đã kế thừa một nền kinh tế sụp đổ từ ông Bush. Ngay trong tháng 10/2009, tỷ lệ thất nghiệp đã tăng lên 10,2% và tính từ đầu năm 2007 đến năm 2010, 8,7 triệu người Mỹ đã mất việc.

Tuy nhiên, tình hình bắt đầu cải thiện đôi chút vào năm 2011 và tiếp tục cải thiện cho đến khi kết thúc nhiệm kỳ của ông Obama.

Dưới thời Tổng thống Trump, nền kinh tế đã tiếp tục được phục hồi. Theo thống kê mới nhất, tỷ lệ thất nghiệp đang là 3,7%, đây là tỷ lệ thấp nhất ở Mỹ trong vòng 50 năm qua.

3. Tăng trưởng việc làm

So sánh bức tranh nền kinh tế Mỹ dưới thời Donald Trump và 2 tổng thống tiền nhiệm ảnh 3

Tăng trưởng việc làm là một chỉ số quan trọng khác để đánh giá sức khỏe của nền kinh tế.

Trong vài năm đầu tiên dưới thời chính quyền ông Bush, nền kinh tế phải vật lộn để tìm kiếm thêm việc làm. Một cuộc suy thoái đã xảy ra vào năm 2001, kéo dài 8 tháng và Mỹ mất hàng trăm ngàn việc vào thời điểm đó.

Sau đó, nền kinh tế phục hồi và số lượng việc làm tăng trưởng ổn định cho đến cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, khi số lượng việc làm biến mất với tốc độ chóng mặt. Đến tháng 1/2009, khoảng 808.000 việc làm đã bị mất.

Tổng thống Obama đã cố gắng ngăn chặn mất việc trong nhiệm kỳ của mình và nền kinh tế bắt đầu ổn định vào năm 2010. Trung bình khoảng 109.000 việc làm được tạo ra mỗi tháng trong 8 năm.

Tăng trưởng việc làm trong nhiệm kỳ tổng thống của ông Trump tương tự như dưới thời ông Obama, được thúc đẩy bởi một nền kinh tế tương đối mạnh mẽ. Tuy nhiên, theo giới phân tích, các cuộc chiến thương mại đã bắt đầu gây tổn hại cho việc tạo ra việc làm còn các doanh nghiệp thì rơi vào lo lắng dẫn đến việc cắt giảm nhân công.

4. Tăng trưởng tiền lương

So sánh bức tranh nền kinh tế Mỹ dưới thời Donald Trump và 2 tổng thống tiền nhiệm ảnh 4

Tăng trưởng tiền lương của công nhân làm việc trong sản xuất đã chậm lại đáng kể sau cuộc suy thoái, nhưng dưới thời Tổng thống Trump đã bắt đầu tăng tốc trở lại.

Khi tỷ lệ thất nghiệp thấp, các nhà tuyển dụng sẵn sàng trả nhiều tiền hơn để thuê đúng người.

Dưới thời chính quyền Tổng thống Bush, tăng trưởng tiền lương ở mức từ 2% - 4% mỗi năm.

Tuy nhiên, trong cuộc khủng hoảng tài chính, mức tăng trưởng tiền lương đã giảm khá nhiều. Trong nhiệm kỳ tổng thống Obama, sự tăng trưởng khá yếu.

Đến thời Tổng thống Trump, lần đầu tiên tăng trưởng tiền lương ở Mỹ đạt hơn 3% trong vòng 10 năm.

5. Thu nhập trung bình của hộ gia đình

So sánh bức tranh nền kinh tế Mỹ dưới thời Donald Trump và 2 tổng thống tiền nhiệm ảnh 5

Trong nhiệm kỳ tổng thống của ông Bush, thu nhập của hộ gia đình có xu hướng giảm, và đặc biệt giảm mạnh trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Ở giai đoạn đầu của nhiệm kỳ Tổng thống Obama, thu nhập của hộ gia đình vẫn ở trong thời kỳ suy thoái, nhưng kể từ năm 2012 đã bắt đầu cải thiện.

Xu hướng này tiếp tục trong nhiệm kỳ tổng thống của ông Trump. Vào năm 2018, thu nhập trung bình của hộ gia đình ở Mỹ đã tăng lên 63.179 USD.

6. Thị trường chứng khoán

So sánh bức tranh nền kinh tế Mỹ dưới thời Donald Trump và 2 tổng thống tiền nhiệm ảnh 6

S&P 500 đo lường hiệu suất cổ phiếu của 500 tập đoàn lớn nhất được niêm yết trên các sàn giao dịch của Mỹ.

Thị trường chứng khoán Mỹ chạm đáy trong những năm đầu nhiệm kỳ của ông Obama, nhưng sau đó đã duy trì mức tăng ổn định.

Dưới nhiệm kỳ tổng thống của ông Trump, thị trường chứng khoán đã trải qua nhiều biến động và không chắc chắn do những lo ngại về tình trạng của nền kinh tế xuất phát từ cuộc chiến thương mại với Trung Quốc

7. Thâm hụt ngân sách

So sánh bức tranh nền kinh tế Mỹ dưới thời Donald Trump và 2 tổng thống tiền nhiệm ảnh 7

Ông Bush đã tiếp quản một nền kinh tế mạnh mẽ từ người tiền nhiệm Bill Clinton, với thặng dư ngân sách 128 tỷ USD trong năm tài khóa 2001. Và đó là lần cuối cùng chính phủ Mỹ có thặng dư trong tay, bởi sau đó là các cuộc chiến ở Iraq và Afghanistan, cũng như một loạt các biện pháp cắt giảm thuế.

Thâm hụt lại càng lớn hơn dưới thời ông Obama do gói kích thích năm 2009 để vực dậy nền kinh tế sau cuộc suy thoái 2009.

Tổng thống Trump với chính sách cắt giảm thuế 2017 đã gây ra thâm hụt ngày càng lớn cho ngân sách liên bang.

8. Nợ công

So sánh bức tranh nền kinh tế Mỹ dưới thời Donald Trump và 2 tổng thống tiền nhiệm ảnh 8

Nợ nần tăng dần dưới thời Tổng thống Bush, kết quả của cuộc chiến chống khủng bố tốn kém cũng như các cuộc xâm lược Afghanistan và Iraq.

Các gói kích thích của Tổng thống Obama cũng đã bổ sung đáng kể vào các khoản nợ, mặc dù nó đã đưa nền kinh tế Mỹ trở lại đúng hướng đi.

Nợ công tiếp tục tăng dưới thời Tổng thống Trump dù ông tuyên bố sẽ xóa nợ trong nhiệm kỳ của mình. Hiện tại, nợ công của Mỹ rơi vào khoảng hơn 22.000 tỷ USD.

9. Cán cân thương mại

So sánh bức tranh nền kinh tế Mỹ dưới thời Donald Trump và 2 tổng thống tiền nhiệm ảnh 9

Thương mại là một trong những chỉ số quan trọng nhất, cũng là một trong những điểm chính trong chiến dịch tranh cử của ông Trump.

Sự mất cân bằng thương mại dưới thời chính quyền ông Bush đã tăng lên do kim nghạch thương mại với Trung Quốc tăng.

Cán cân thương mại dao động nhưng được giữ ổn định trong thời gian ông Obama nắm chính quyền.

Trong thời ông Trump, thâm hụt bắt đầu tăng lên đến chưa từng thấy kể từ thời ông Bush.

Năm ngoái, thâm hụt thương mại của Mỹ đạt 891 tỷ USD.

Tin bài liên quan