Smartwatch sẽ không có tương lai

Smartwatch sẽ không có tương lai

(ĐTCK) Eric Xu Zhijun, một trong ba CEO luân phiên của Huawei mới đây đã đề cập đến mối lo ngại về tương lai của smartwatch, trong bối cảnh smartphone ngày càng chiếm ưu thế vượt trội.

Trong Hội nghị Global Analyst Summit 2017 do Huawei tổ chức tại Thẩm Quyến, Trung Quốc vào ngày 11/3 vừa qua, CEO Eric Xu Zhijun chia sẻ: “Tôi không phải kiểu người thích đeo đồng hồ và tôi chưa bao giờ lạc quan về thị trường này. Trong thực tế, tôi chẳng thể nào hiểu nổi tại sao mình lại cần một chiếc smartwatch trong khi tất cả những thứ cần thiết đã có sẵn trong điện thoại rồi”.

Phát biểu của CEO Huawei khiến nhiều người ngạc nhiên khi Công ty vẫn đang sản xuất và bán ra các mẫu smartwatch. Hồi tháng 2 năm nay, Huawei vừa ra mắt chiếc đồng hồ Huawei Watch 2 tại triển lãm di động Mobile World Congress (MWC).

“Khi đội ngũ phát triển smartwatch của Huawei trình bày các ý tưởng của họ cho tôi với sự háo hức tột độ, tôi luôn nhắc nhở họ rằng liệu một sản phẩm như vậy đã đánh trúng nhu cầu thị trường hay chưa”, Eric Xu Zhijun nói.

Thực tế, smartwatch cũng chỉ là sản phẩm mang lại một phần nhỏ doanh thu cho Huawei. Nguồn thu chính của Huawei vẫn là smartphone. Công ty hiện là nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn thứ ba trên thế giới. Theo Phone Arena, năm 2016, Huawei đã bán được 140 triệu sản phẩm tại thị trường Hoa Kỳ và thị trường châu Âu. Bên cạnh mảng sản phẩm tiêu dùng (smartphone, tablet, smartwatch…), Huawei còn có hai mảng kinh doanh chính khác là hạ tầng mạng viễn thông và các thiết bị, giải pháp công nghệ thông tin cho doanh nghiệp.

Nhận định chân thực của Eric Xu về tương lai của smartwatch đã phần nào cho thấy vị CEO này có cái nhìn tương đối khách quan về một trong những sản phẩm của công ty mình. Có lẽ đây chính là lý do mà Huawei duy trì chính sách “luân phiên CEO” từ năm 2011 đến nay.

Theo đó, ba vị Phó Chủ tịch sẽ người thay nhau ngồi vị trí này trong vòng 6 tháng, rồi nhường lại cho người khác trong nhóm. Cả ba người này đều nắm giữ các vị trí quan trọng của Công ty. Trong đó, ông Eric Xu lãnh đạo chiến lược kinh doanh, ông Guo Ping phụ trách tài chính, còn ông Ken Hu phụ trách nhân sự.

Khi một trong ba người nắm giữ vị trí CEO, người này sẽ chịu trách nhiệm điều hành và quản lý rủi ro của Tập đoàn trong nhiệm kỳ, chủ trì cuộc họp Ban giám đốc khoảng 17 người, đồng thời vẫn phụ trách mảng của mình ở Tập đoàn. Cùng lúc đó, hai người còn lại theo dõi và chịu trách nhiệm về lĩnh vực mình phụ trách.

Ngoài ba người được gọi là “CEO luân phiên” như trên, còn có một người giữ chức CEO chính là ông Ren Zhengfei, người đã sáng lập Huawei kể từ năm 1987. Tuy vậy, ông Ren Zhengfei từ lâu đã không tham gia hoạt động điều hành Tập đoàn, mà chỉ cố vấn và tham gia các cuộc họp quan trọng.

Giải thích về mô hình luân phiên CEO, ông Ren Zhengfei cho biết không muốn đặt cược số phận của Công ty vào trong tay một người. “Lịch sử đã nhiều lần chứng minh mô hình này tồn tại nhiều rủi ro”, ông nói.

Tuy được gọi là CEO, ba người này không có quyền bỏ phiếu cao hơn bất kỳ người nào trong Ban giám đốc, nhưng sẽ có ảnh hưởng lớn hơn trong các quyết định. Trong khi đó, ông Ren Zhengfei giữ quyền phủ quyết cao hơn tất cả, dù thực tế ông chưa bao giờ dùng quyền này.

Joe Kelly, Phó chủ tịch phụ trách truyền thông quốc tế của Huawei, cho biết mặc dù vị trí CEO được thay đổi nửa năm một lần, song định hướng chiến lược của Tập đoàn không hề thay đổi mỗi khi có CEO mới. Ba vị CEO này có thể được coi là một ban CEO, cùng nhau đưa ra các quyết sách quan trọng.

Đã qua tuổi 70 và đang tìm người kế nhiệm, nhiều năm qua, ông Ren Zhengfei đã dành tâm sức đào tạo và cố vấn cho những vị CEO luân phiên. Các chuyên gia nhận định, mô hình này là một chiến lược quản trị thông minh của Huawei. Khi ba người giỏi nhất của Công ty được luân phiên nắm giữ “ghế nóng”, cả ba ứng cử viên sẽ cố gắng thể hiện tối đa tài năng và tầm nhìn của mình, từ đó Hội đồng quản trị có thể dễ dàng chọn ra vị CEO kế nhiệm phù hợp nhất.

Tin bài liên quan