Sau phút hào hứng, nỗi lo lại trở lại với nhà đầu tư

Sau phút hào hứng, nỗi lo lại trở lại với nhà đầu tư

(ĐTCK) Sau khi nỗi lo về cuộc khủng hoảng Italia tạm lắng trong phiên thứ Tư, giúp các thị trường hồi phục mạnh, thì nỗi lo về chiến tranh thương mại lại đến trong phiên thứ Năm khi Mỹ nhất quyết đánh thuế nhập khẩu nhôm, thép từ EU.

Trong phiên thứ Tư, phố Wall hồi phục mạnh lấy hết những gì đã mất trong phiên thứ Ba khi nỗi lo về cuộc khủng hoảng Italia tạm lắng xuống, trong khi nhóm cổ phiếu năng lượng khởi sắc do giá dầu tăng mạnh trở lại.

Tưởng chừng các mỗi lo ngại đã qua với nhà đầu tư để họ mạnh dạn tiếp tục xuống tiền vào chứng khoán, giúp các chỉ số tiếp tục tăng mạnh, thì nỗi lo khác nhanh chóng ấp đến đó chính nỗi lo về chiến tranh thương mại.

Theo đó, Báo Wall Street Journal ngày 30/5 đưa tin, Tổng thống Mỹ Donald Trump có ý định áp mức thuế nhập khẩu mới đối với nhôm, thép từ Liên minh châu Âu (EU) từ ngày 1/6, sau nhiều tuần đàm phán không đạt được thỏa thuận.

Trước đó, EU đã đe dọa sẽ đáp trả với các biện pháp thuế tương đương, nhằm vào các sản phẩm nhập khẩu có tính biểu tượng từ Mỹ như xe motor Harley-Davidson, đồ jeans và rượu whiskey.

Cũng liên quan đến việc Mỹ áp mức thuế mới đối với các sản phẩm nhôm và thép nhập khẩu, Chính phủ Canada ngày 30/5 cảnh báo sẽ "trả đũa" thương mại Mỹ nếu Tổng thống Donald Trump áp mức thuế này đối với quốc gia láng giếng này.

Chính thông tin trên, cùng với việc giá dầu đảo chiều giảm mạnh trở lại khiến phố Wall giảm mạnh theo trong phiên thứ Năm, qua đó hãm bớt đà tăng trong tháng 5.

Kết thúc phiên 31/5, chỉ số Dow Jones giảm 251,94 điểm (-1,02%), xuống 24.415,84 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 18,74 điểm (-0,69%), xuống 2.705,27 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 20,34 điểm (-0,27%), xuống 7.442,12 điểm.

Dù hãm bớt đà tăng do phiên giảm cuối tháng, nhưng trong tháng 5, phố Wall cũng có tháng tăng tốt nhất kể từ tháng 1/2018. Thực tế, trong tháng 1, phố Wall tăng hơn 5%, sau đó liên tiếp có 2 tháng giảm mạnh, trước khi hồi nhẹ trong tháng 4.

Cụ thể, trong tháng 5, Dow Jones tăng 1,05%, S&P 500 tăng 2,16%, trong khi Nasdaq tăng mạnh 5,32%.

Tương tự phố Wall, giới đầu tư trên thị trường chứng khoán châu Âu cũng chịu chung nỗi lo về cuộc chiến thương mại giữa 2 bờ Đại Tây Dương nên các chỉ số chứng khoán chính của khu vực đồng loạt giảm trở lại trong phiên thứ Năm. Trong đó, chứng khoán Đức giảm mạnh nhất khi mất 1,4%, còn chứng khoán Pháp có phiên giảm thứ 6 liên tiếp.

Kết thúc phiên 31/5, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 11,37 điểm (-0,15%), xuống 7.678,20 điểm. Chỉ số DAX 30 tại Đức giảm 178,87 điểm (-1,40%), xuống 12.604,89 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 28,94 điểm (-0,53%), xuống 5.398,40 điểm.

Phiên giảm điểm cuối tháng khiến chứng khoán Đức mất mất tháng tăng thứ 2 liên tiếp khi giảm nhẹ 0,06% trong tháng 5, trong khi chứng khoán Anh duy trì được tháng tăng tốt thứ 2 liên tiếp với mức tăng 2,25% trong tháng này sau khi tăng 6,42% trong tháng 4. Trong khi đó, chứng khoán Pháp với chuỗi phiên giảm dài liên tiếp mất tới 2,21% trong tháng 5, sau khi hồi phục mạnh 6,84% trong tháng 4.

Trong khi đó, trên thị trường chứng khoán châu Á do lệch một nhịp với chứng khoán Mỹ và nửa nhịp với chứng khoán châu Âu, nên trong phiên thứ Tư, chứng khoán khu vực này hồi phục mạnh sau khi nỗi lo về cuộc khủng hoảng Italia tạm lắng.

Kết thúc phiên 31/5, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 183,30 điểm (+0,83%), lên 22.201,82 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 411,77 điểm (+1,37%), lên 30.468,56 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 54,03 điểm (+1,78%), lên 3.095,47 điểm.

Phiên tăng điểm cuối tuần đã hãm bớt được mức thiệt hại của các chỉ số trong tháng 5. Trong đó, chỉ số Nikkei 225 giảm 1,18% sau khi tăng 4,72% tháng trước, chỉ số Hang Seng giảm 1,1% sau khi tăng 2,38% tháng trước, còn chỉ số Shanghai Composite may mắn có mức tăng nhẹ 0,43%, chấm dứt chuỗi 3 tháng giảm liên tiếp.

Giá vàng tiếp tục giao dịch lình xình trong biên độ hẹp và đóng cửa giảm nhẹ trong phiên thứ Nam, dù nhận được nhiều thông tin hỗ trợ như cuộc chiến thương mại Âu-Mỹ, đồng USD tiếp tục giảm. Nhà đầu tư dường như đang giữ cái nhìn thận trong với kim loại quý này, khiến giá vàng trong nhiều phiên qua chỉ giao dịch lình xình.

Kết thúc phiên 31/5, giá vàng giao ngay giảm 3 USD (-0,23%), xuống 1.297,9 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 6 giảm 1,4 USD/ounce (-0,11%), xuống 1.300,1 USD/ounce.

Trong tháng 5, giá vàng giao ngay giảm 1,29% và giá vàng tương lai giảm 1,45%, tháng giảm thứ 2 liên tiếp của giá vàng.

Trên thị trường dầu thô, bất chấp thông tin kho dự trữ dầu thô của Mỹ tuần trước bất ngờ giảm 3,6 triệu thùng, theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), nhiều hơn mức dự báo giảm 525.000 thùng của giới phân tích, giá dầu thô Mỹ vẫn quay đầu giảm trở lại, trả lại gần hết những gì đã có trong phiên thứ Ba. Trong khi đó, giá dầu thô Brent lại tiếp tục có sắc xanh, nhưng mức tăng rất nhẹ. Với diễn biến trong các phiên gần đây, khoảng cách giữa giá dầu thô Mỹ và giá dầu thô Brent đã lên mức cao nhất 2 năm.

Kết thúc phiên 31/5, giá dầu thô Mỹ giảm 1,17 USD (-1,75%), xuống 67,04 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,09 USD (+0,12%), lên 77,59 USD/thùng.

Chính vì có nhiều phiên trái chiếu trong tháng 5, nên kết thúc tháng, trong khi giá dầu thô Mỹ quay đầu giảm 2,23% sau 2 tháng tăng liên tiếp, thì giá dầu thô Brent tiếp tục tăng 3,22%, tháng tăng thứ 3 liên tiếp.

Tin bài liên quan