Sau phiên hưng phấn, chứng khoán nhanh chóng hạ nhiệt

Sau phiên hưng phấn, chứng khoán nhanh chóng hạ nhiệt

(ĐTCK) Sau phiên hưng phấn cuối tuần trước, giới đầu tư quốc tế nhanh chóng trở lại với tâm lý thận trọng trong phiên giao dịch đầu tuần mới.

Sau phiên khởi sắc cuối tuần trước nhờ dữ liệu bảng lương phi nông nghiệp khả quan, cùng nỗi lo lạm phát giảm bớt, phố Wall đã giao dịch trái chiều trong phiên thứ Hai. Trong đó, Dow Jones và S&P quay đầu giảm do sức ảnh hưởng của nhóm cổ phiếu công nghiệp khi nhà đầu tư phản ứng với việc Tổng thống Trump ký sắc lệnh tăng thuế nhập khẩu với thép và nhôm.

Trong khi đó, với sự hỗ trợ của nhóm cổ phiếu công nghệ, Nasdaq lại duy trì đà tăng và thiết lập đỉnh lịch sử mới. Tuy nhiên, đà tăng của Nasdaq cũng bị hãm bớt về cuối phiên sau thông tin chính quyền Mỹ không chấp nhận thông qua thương vụ M&A trị giá 117 tỷ USD giữ Broadcom Ltd và Qualcomm Inc.

Kết thúc phiên 12/3, chỉ số Dow Jones giảm 157,13 điểm (-0,62%), xuống 25.178,61 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 3,55 điểm (-0,13%), xuống 2.783,02 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 27,51 (+0,36%), lên 7.588,32 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Âu, trong khi chứng khoán Anh điều chỉnh nhẹ, chứng khoán Pháp lình xình, thì chứng khoán Đức lại đảo chiều tăng khá tốt nhờ sự hỗ trợ của nhóm cổ phiếu tiện ích khi các tập đoàn đầu ngành công bố một cuộc cải tổ lớn với ngành này. Ngoài ra, các thông tin về M&A cũng hỗ trợ cho thị trường.

Kết thúc phiên 12/3, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 9,75 điểm (-0,13%), xuống 7.214,76 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 71,71 điểm (+0,58%), lên 12.418,39 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 2,31 điểm (+0,04%), lên 5.276,71 điểm.

Dư âm của phiên khởi sắc cuối tuần qua của phố Wall giúp chứng khoán châu Á tăng mạnh trong phiên đầu tuần mới. Chỉ số Nikkei 225 thậm chí có lúc đã leo lên sát ngưỡng 22.000 điểm trước khi bị hãm đà tăng sau thông tin liên quan đến Bộ trưởng Tài chính Taro Aso và vợ chồng Thủ tướng Shinzo Abe.

Kết thúc phiên 12/3, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 354,83 điểm (+1,65%), lên 21.824,03 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 598,12 điểm (+1,93%), lên 31.594,33 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 19,53 điểm (+0,59%), lên 3.326,70 điểm.

Sự khởi sắc của phố Wall và chứng khoán châu Á khiến giá vàng giảm khá mạnh trong phiên giao dịch châu Á và châu Âu phiên đầu tuần mới. Tuy nhiên, bước vào phiên giao dịch Mỹ khi phố Wall điều chỉnh và đồng USD tiếp tục giảm, giá vàng đã hồi phục trở lại và đóng cửa gần như không đổi so với phiên cuối tuần trước.

Kết thúc phiên 12/3, giá vàng giao ngay giảm 0,5 USD/ounce (-0,04%), xuống 1.322,6 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 4 giảm 3,2 USD/ounce (-0,24%), xuống 1.320,8 USD/ounce.

Sau phiên bùng nổ cuối tuần trước sau dữ liệu việc làm khả quan, giá dầu thô đã quay đầu giảm trở lại trong phiên đầu tuần mới khi giới đầu tư vẫn lo ngại về nguồn cung gia tăng mạnh trong kho dự trữ dầu thô của Mỹ trong tuần trước đó, cũng như nguồn cung lớn từ OPEC.

Kết thúc phiên 12/3, giá dầu thô Mỹ giảm 0,68 USD (-1,11%), xuống 61,36 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,54 USD (-0,83%), xuống 64,95 USD/thùng.

Tin bài liên quan