Rút chân khỏi Đông Nam Á,chiến lược “đỉnh” của Uber

Rút chân khỏi Đông Nam Á,chiến lược “đỉnh” của Uber

(ĐTCK) Tại Đông Nam Á, thay vì cổ thủ tại trận chiến tranh giành thị phần, Uber đã quyết định bán đi bộ phận kinh doanh tại đây. Đổi lại, Công ty sẽ nhận về 17,5% cổ phần tại đối thủ kỳ cựu Grab Inc khu vực Đông Nam Á. Động thái này nối tiếp bước chân rút lui khỏi Trung Quốc và Nga thông qua các thỏa thuận tương tự với những đối thủ trong ngành.

Theo các chuyên gia kinh tế, Ấn Độ sẽ là thị trường tiếp theo mà Uber lựa chọn ra đi, bởi Công ty đang ở thế dưới so với đối thủ Ola. Hiện tại, Ola đang hoạt động tại 110 thành phố của Ấn Độ, sở hữu hàng triệu lái xe, so với con số chỉ 31 thành phố và 450.000 tài xế của Uber.

Mạng lưới rộng lớn của Ola giúp doanh nghiệp này nâng thị phần từ 53% trong tháng 7/2017 lên 56,2% vào tháng 12/2017, theo hãng nghiên cứu thị trường KalaGato, trong khi cùng giai đoạn, thị phần của Uber giảm từ 42% xuống 39,6%.

Những diễn biến này dễ gây cảm giác Uber đang trở nên bé nhỏ hơn trong hoạt động. Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, đây là hành động chuyển hướng được đánh giá cao của Uber. Bởi tăng trưởng không chỉ là câu chuyện không ngừng mở rộng, nó còn là vấn đề làm ít hơn nhưng hiệu quả hơn.

Trước đây, chiến lược của Uber là nhanh chóng mở rộng với mục tiêu tận hưởng lợi thế của người đi trước. Theo website của Công ty, Uber đang hoạt động tại 77 quốc gia và 616 thành phố trên toàn cầu.

Tuy nhiên, việc mở rộng mà thiếu sự để tâm tới các doanh nghiệp địa phương, đối tác khu vực và nhà quản lý đã khiến Công ty tiêu tốn hàng tỷ USD vì “chiến bại” trước các đối thủ tại địa phương, mà điển hình là tại Trung Quốc, Nga và Đông Nam Á.

Theo các chuyên gia kinh tế, chiến lược mở rộng của Uber tồn tại lỗ hổng lớn, đó là Công ty chỉ “copy and paste” (sao chép và dán) hoạt động tại Mỹ vào các thị trường khác. Thực tế, điều mà Uber cần thực hiện để thành công tại các thị trường khu vực là “copy, translate and paste” (sao chép, phiên dịch và dán). Và mỗi thị trường đều yêu cầu hoạt động “phiên dịch” thật chỉn chu, tỉ mỉ.

Chẳng hạn, Grab, được sáng lập năm 2012, bắt đầu với hoạt động chia sẻ xe taxi và chấp nhận thanh toán bằng tiền mặt ngay từ những ngày đầu tiên.

Trong khi đó, Uber chỉ thêm việc trả bằng tiền mặt 2 năm sau khi thâm nhập thị trường vốn vẫn chưa có thói quen dùng thẻ.

Chưa kể, tại Đông Nam Á, Grab nhanh chóng bổ sung xe riêng, xe máy, xe đạp và thêm các phương tiện thanh toán, bao gồm ví điện tử. Uber chưa có thêm cải tiến mới nào.

Câu chuyện tương tự cũng diễn ra tại Ấn Độ, nơi đối thủ Ola hiểu rõ thị trường địa phương hơn so với Uber. Ola cho phép khách hàng trả bằng tiền mặt ngay khi hoạt động, sử dụng app bằng 9 ngôn ngữ địa phương, trong khi Uber chỉ sử dụng tiếng Anh.

Ola hiểu rằng việc kết nối internet còn khó khăn nên cho phép khách hàng đặt chuyến xe bằng tin nhắn, thêm nhiều phương thức thanh toán khác nhau, cho phép lái xe vay mượn để sở hữu xe. Uber không có điểm nào thể hiện sự am hiểu thị trường Ấn Độ.

Hiện tại, CEO mới của Uber, ông Dara Khosrowshahi dường như đã nhìn thấu vấn đề. Trong thông báo với đội ngũ nhân viên của mình, vị CEO này giải thích: “Một trong những rủi ro tiềm ẩn trong chiến lược toàn cầu của chúng ta đó là chúng ta tham gia vào quá nhiều cuộc chiến, tại quá nhiều trận địa với quá nhiều đối thủ”. Do đó, kể từ nay, Uber sẽ sắp xếp lại hoạt động kinh doanh để tập trung vào một số thị trường trọng tâm, nhằm gia tăng giá trị và thị phần ở những nơi thật sự quan trọng.

Đối với Uber, ít thị trường hơn có thể giúp doanh nghiệp trở nên lớn mạnh và vững chắc hơn. Theo các chuyên gia kinh tế, việc rút ra khỏi Đông Nam Á là hành động được đánh giá cao, nhất là khi Công ty có ý định IPO vào năm 2019.

Trong thời gian tới, Uber sẽ không được đánh giá bằng con số các thành phố, thị trường mà công ty góp mặt, thay vào đó sẽ là tăng trưởng lợi nhuận và sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.

Tin bài liên quan