(Nguồn: Moneycontrol).

(Nguồn: Moneycontrol).

Royal Bank of Scotland sẽ phải chi 4,9 tỷ USD nộp phạt tại Mỹ

Ngày 14/8, Bộ Tư pháp Mỹ (DoJ) thông báo Ngân hàng Royal Bank of Scotland (RBS) sẽ phải trả 4,9 tỷ USD để dàn xếp cáo buộc của Mỹ rằng ngân hàng này đã lừa dối các nhà đầu tư về chứng khoán đảm bảo bằng thế chấp bất động sản từ năm 2005-2008.

Theo DoJ, đây là mức phạt lớn nhất từ trước đến nay áp đặt lên một ngân hàng đối với hành vi sai trái dẫn đến cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.

Hồi tháng 5, RBS thông báo đã đạt được thỏa thuận về nguyên tắc. Ngoài ra, ngân hàng có trụ sở tại Edinburgh này cho biết họ sẽ phải trả cổ tức bình quân tạm thời là 2 xu Mỹ/cổ phiếu cho các cổ đông vào ngày 2/10 tới.

Washington cáo buộc RBS làm các nhà đầu tư hiểu nhầm về bảo lãnh và phát hành chứng khoán đảm bảo bằng thế chấp bất động sản, đánh giá thấp những rủi ro tiềm ẩn đối với nhiều khoản vay và cung cấp dữ liệu không chính xác.

Thỏa thuận với DoJ và nối lại việc chia cổ tức là hai trong những cột mốc quan trọng cuối cùng trong hành trình kéo dài một thập niên của RBS để trở lại bình thường, qua đó tạo niềm tin cho nhà đầu tư.

Thông báo ngày 14/8 đánh dấu sự kiện mới nhất trong một loạt thỏa thuận quan trọng giữa Chính phủ Mỹ và các ngân hàng lớn trên toàn cầu về những hành vi sai trái dẫn đến khủng hoảng tài chính.

Vào ngày 1/8, DoJ đã đạt được một thỏa thuận với Wells Fargo khi ngân hàng này đồng ý chi trả 2,09 tỷ USD để giải quyết cáo buộc tương tự.

RBS vẫn thuộc phần lớn sở hữu của Chính phủ Anh. RBS cho biết lợi nhuận của ngân hàng gần như "bốc hơi" trong quý 2/2018 vì phải trả khoản tiền nộp phạt gần 5 tỷ USD cho Chính phủ Mỹ.

Theo RBS, trong ba tháng tính đến cuối tháng 6/2018 thu nhập sau thuế của ngân hàng chỉ còn 96 triệu bảng (125 triệu USD) giảm mạnh so với mức 680 triệu bảng cùng kỳ năm ngoái.

Lợi nhuận hoạt động của RBS cũng giảm một nửa xuống còn 613 triệu bảng (1 USD = 0,7869 bảng).

Tin bài liên quan