Jack Ma phát biểu tại lễ kỷ niệm 20 năm thành lập Alibaba diễn ra vào ngày 10/9 tại tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc. Ảnh: AFP.

Jack Ma phát biểu tại lễ kỷ niệm 20 năm thành lập Alibaba diễn ra vào ngày 10/9 tại tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc. Ảnh: AFP.

Rời ghế chủ tịch Alibaba, Jack Ma kỳ vọng gì ở lớp kế cận?

Nhiệm vụ cao cả mà người sáng lập Alibaba, tỷ phú Jack Ma dành cho lớp lãnh đạo kế nhiệm là đưa Tập đoàn này hoạt động kinh qua 3 thế kỷ.

Jack Ma chính thức rời vị trí Chủ tịch Tập đoàn Alibaba ngày 10/9, sau 20 năm tâm huyết gây dựng và phát triển Alibaba thành công ty công nghệ đại chúng có giá trị vốn hóa lớn nhất Trung Quốc.

Sự kiện này đánh dấu Alibaba là “ông lớn” công nghệ đầu tiên của Trung Quốc thực hiện chuyển đổi quyền lực ở cấp cao nhất, trong khi các đối thủ như Tencent và Baidu vẫn do các nhà sáng lập Pony Ma và Robin Li điều hành.

Giấc mộng trăm năm

Tròn 1 năm trước, Jack Ma lúc đó là Chủ tịch Alibaba gây sốc với tuyên bố ông sẽ chuyển giao vị trí chủ tịch cho CEO Daniel Zhang Yong.

Nguyên nhân gây sốc là việc Jack Ma chọn rời Alibaba ở độ tuổi xế chiều (55 tuổi), ở cái tuổi mà những người sáng lập doanh nghiệp ở Trung Quốc thường gắn chặt công ty đến độ “bát thập”.

"Jack Ma không có trình độ chuyên môn về quản lý cũng như kiến thức tài chính hay kỹ thuật, do vậy, ông ấy luôn tìm kiếm các nhân tài (như CEO Daniel Zhang Yong) hỗ trợ mình", Duncan Clark, một người bạn của Jack Ma và là tác giả cuốn sách “Alibaba - Ngôi nhà mà Jack Ma gây dựng” cho biết.

“Thực ra, Jack Ma đã lên kế hoạch chuyển giao thế hệ từ rất lâu”, ông Clark nói thêm.

Tỷ phú Trung Quốc vẫn thường nói việc rời Alibaba sớm khiến ông trở nên đặc biệt ở Trung Quốc - nơi có xu hướng tôn sùng của người sáng lập và coi trọng doanh nghiệp đa thế hệ.

Jack Ma chọn ngã rẽ khác nhưng không mới (trở lại với giáo dục) vào thời điểm Alibaba kỷ niệm tròn 20 tuổi. Có lẽ đây cũng là dấu mốc về bước chuyển mình của Alibaba sang một kỷ nguyên mới, dưới sự dẫn dắt của lớp lãnh đạo trẻ hơn - những người được giao trọng trách vĩ đại là giúp Alibaba hoạt động trong vòng ít nhất 102 năm, tính từ lúc thành lập năm 1999. Nếu giấc mộng được hiện thực hóa, Alibaba sẽ đánh dấu quá trình phát triển kinh qua 3 thế kỷ.

Tỷ phú Jack Ma là doanh nhân có sức lan tỏa lớn nhờ thành công trong xây dựng Alibaba “khởi sự” từ một căn hộ nhỏ ở Hàng Châu vào năm 1999 với 17 cộng sự trở thành công ty toàn cầu trị giá 462 tỷ USD với 80.000 nhân viên.

Năm ngoái, Alibaba gây sốc với công bố doanh số bán hàng trong Ngày độc thân (Singles’ Day) đạt 30,8 tỷ USD. Tập đoàn marketing toàn cầu WPP và công ty tư vấn Kantar xếp hạng Alibaba là thương hiệu bán lẻ có giá trị nhất thế giới bên ngoài nước Mỹ năm 2019.

Alibaba trở thành đế chế đa ngành, là một phần cuộc sống hàng ngày của hàng trăm triệu người Trung Quốc bởi nó không những đáp ứng nhu cầu mua bán hàng hóa, dịch vụ thanh toán mà còn hoạt động giải trí.

Những con số khủng

Nhiều ý kiến cho rằng Alibaba hoạt động như một cỗ máy, kết hợp tốt triết lý của Jack Ma với cách tiếp cận thực tế của người kế nhiệm. Là “thành viên trọn đời” kiểm soát Alibaba, Jack Ma sẽ vẫn có sức ảnh hưởng nhất định tại Alibaba. Jack Ma đã để lại dấu ấn rất sâu sắc trên từng mét vuông tại Alibaba -  Alan Hellawell, chuyên gia của Quỹ đầu tư Alpha JWC Ventures tại Indonesia đánh giá.

Việc kế thừa đã được lên kế hoạch rất cẩn thận và Jack Ma cũng để lại cho người kế nhiệm không ít mục tiêu cao cả. Trong đó, đến năm 2036, Alibaba sẽ phải tạo ra 100 triệu việc làm, hỗ trợ 10 triệu doanh nghiệp làm ăn có lãi và phục vụ 2 tỷ khách hàng toàn cầu - mức tăng chóng mặt so với con số 654 triệu khách hàng hiện nay.

Trong ngắn hạn, Alibaba phải đưa tổng doanh số bán hàng tăng vọt từ con số 853 tỷ USD năm ngoái lên 1 nghìn tỷ USD. Còn mục tiêu dài hạn cho Alibaba nghe có khuếch trương trong bối cảnh hiện nay, bởi thương mại Mỹ-Trung đang tác động xấu tới toàn cầu hóa, nhất là cam kết của Alibaba về việc tạo ra 1 triệu việc ở Mỹ thông qua hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ ở Mỹ bán hàng sang thị trường Trung Quốc.

Nỗ lực toàn cầu hóa của Alibaba mới phần nào phát huy tác dụng ở khu vực lân cân như Đông Nam Á và Ấn Độ, khi thương hiệu Lazada - kể từ được Alibaba mua lại - không còn quá xa lạ với người mua hàng trực tuyến trong khu vực. Thị trường nước ngoài ngày càng trở nên quan trọng trong chiến lược đạt 2 tỷ khách hàng trong tương lai.

Trong đoạn video đăng tải trên website công ty, Jack Ma nói rằng, nhiều công ty phát triển quy mô lớn và sau đó thất bại.

“Tôi học được lý do tại sao nhiều công ty thất bại, bởi họ luôn muốn doanh thu, muốn lợi nhuận mà quên đi ước mơ. Với Alibaba, ước mơ là điều quan trọng,” Jack Ma bộc bạch.

Tin bài liên quan