Ảnh: AFP

Ảnh: AFP

Quỹ đầu tư châu Á có dấu hiệu hồi sinh

(ĐTCK) Sau khi sụt giảm trong năm 2017, các quỹ đầu tư châu Á đã bắt đầu có những dấu hiệu cho thấy sự hồi sinh trở lại.

Trong năm 2017, các quỹ đầu tư mới tại châu Á đã giảm cả về số lượng và nhỏ hơn về kích cỡ. Cụ thể, ước tính có khoảng 37 quỹ đầu tư tập trung vào thị trường châu Á bắt đầu vào năm ngoái, mức thấp nhất kể từ khi Eurekahedge thu thập dữ liệu vào năm 2000.

Tuy nhiên, sang đầu năm 2018, đã có những dấu hiệu mới cho thấy ngành công nghiệp này sẽ sớm trỗi dậy. Theo đó, giới đầu tư toàn cầu bắt đầu hào hứng trở lại với khu vực châu Á, nhất là sau khi các quỹ đầu tư tập trung vào châu Á có màn biểu diễn xuất sắc nhất trong năm qua, với lợi suất vượt trội hơn tỷ lệ chung toàn cầu, theo số liệu từ Eurakahedge Pte.

Không chỉ vậy, nhờ chiến lược cắt giảm phí quản lý và thu hút các nhà đầu tư mạo hiểm, các quỹ đầu tư tập trung vào khu vực châu Á đã huy động được thêm gần 3,4 tỷ USD trong 3 tháng 9, 10, 11/2017, nhiều hơn dòng tiền đổ vào các quỹ tại châu Âu, theo eVestment.

Mặc dù vậy, cần chú ý rằng, nhà đầu tư đang ngày càng trở nên kén chọn hơn. Đây là lý do trong năm ngoái, các quỹ đầu tư mới chỉ bắt đầu với quy mô khoảng 21,9 triệu USD, so với con số 89,4 tỷ USD trong những ngày huy hoàng năm 2004.

Dưới đây là một số quỹ đầu tư mới nổi hoặc được chờ đón tại khu vực châu Á, nhà đầu tư có thể quan tâm tới danh sách này khi để mắt tới khu vực được đánh giá sẽ có tiềm năng tăng trưởng bậc nhất trên thế giới năm 2018.

Keyrock Capital Management

Jonathan Shih, cựu Giám đốc Tybourne Capital Management, từng quản lý khối tài sản 5,5 tỷ USD cho biết, ông đang lên kế hoạch xây dựng một quỹ đầu tư mới tập trung vào các cổ phiếu đang trỗi dậy hoặc lao dốc tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Quỹ đầu tư mang tên Keyrock Capital Management này được dự kiến sẽ bắt đầu hoạt động vào quý III/2018, tập trung đầu tư dài hạn vào cổ phiếu của các công ty có vốn hóa vừa và nhỏ.

Toona Tree Capital

Toona Tree Capital là quỹ đầu tư được điều hành bởi Chen Chen, người từng đồng hành với Eton Park Capital Management. Quỹ đầu tư với chiến lược dài hạn này đã bắt đầu giao dịch từ ngày 1/11/2017 với khối tài sản hơn 100 triệu USD, trở thành quỹ mới có quy mô lớn nhất năm 2017. Toona Tree đầu tư vào các cổ phiếu niêm yết tại Hong Kong và Trung Quốc, cũng như các công ty có động lực phát triển phụ thuộc vào thị trường Đại lục.

Yunqi Path Capital

Chris Wang, từng là nhà quản lý quỹ Owl Creek Asset Management tại châu Âu, đang lên kế hoạch xây dựng quỹ đầu tư của riêng mình, dự kiến hoạt động vào quý II/2018 và tập trung vào các cổ phiếu tại khu vực Bắc Á. Kế hoạch tham vọng của Chris Wang bao gồm việc thuê Ed Littmann, cựu Giám đốc Quản lý nghiên cứu chứng khoán tại Mesirow Financial Holdings Inc về làm Giám đốc hoạt động.

Trikon Asset Management

Trikon Asset Management là quỹ đầu tư cổ phiếu dài hạn do Gaurav Grover sáng lập, được xem là một trong những quỹ có “chỗ dựa” được đánh giá cao nhất năm 2018. Nguyên nhân là ông chủ Gaurav Grover đã nhận được cam kết hỗ trợ từ Moore Capital Management, nơi Grover từng làm việc trong 8 năm và HS Group – đơn vị dày dạn kinh nghiệm trong chiến lược đầu tư của các quỹ. Chưa kể, trong ban lãnh đạo còn có một số cựu nhân viên cấp cao của TPG và Silver Lake.

Ishana Capital

Dù mới chỉ hoạt động được hơn 1 tháng, quỹ Ishana Capital của Hari Ravisankar đã mang lại mức lợi suất 13%, con số khá ấn tượng với các nhà đầu tư. Ishana Capital đi theo chiến lược đầu tư dài hạn, tập trung vào các công ty dẫn đầu nhiều ngành công nghiệp. Ravisankar từng tạo dấu ấn trên thị trường khi giúp quỹ cũ là Janchor Partners mang về khoản lợi nhuận gấp 8 lần số bỏ ra khi đầu tư vào Alibaba Group Holding Ltd.

Tin bài liên quan