“Quả táo” khiến giới đầu tư lo lắng

(ĐTCK) Cảnh báo sụt giảm doanh số của Apple khiến giới đầu tư lo lắng về sự tác động của virus corona tới các doanh nghiệp Mỹ nói riêng và chuỗi cung ứng toàn cầu nói chung là rất lớn.
Ảnh AFP

Ảnh AFP

Sau ngày nghỉ Lễ Tổng thống đầu tuần, phố Wall trở lại giao dịch trong tuần mới trong phiên thứ Ba (18/2) với sắc đỏ bao trùm sau khi nhà sản xuất Apple cho biết, sẽ không đạt được mục tiêu doanh số hàng quý như công bố gần đây vì sản xuất iPhone chậm hơn và nhu cầu yếu hơn ở Trung Quốc do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Corona.

Sau thông tin này, cổ phiếu Apple đã lao dốc mạnh, kéo theo nhiều cổ phiếu nhóm công nghệ khác giảm theo, đẩy các chỉ số phố Wall giảm mạnh.

Tuy nhiên, về cuối phiên đà giảm của cổ phiếu “Táo khuyết” đã hãm lại, đóng cửa chỉ còn giảm 1,8% xuống 319 USD, có lúc đã xuống mức 314,61 USD/cổ phiếu, giúp hãm đà giảm của Dow Jones và S&P 500, trong khi giúp Nasdaq thậm chí còn may mắn có được sắc xanh nhạt.

Cổ phiếu của các nhà cung cấp của Apple như Qualcomm Inc, Broadcom Inc, Qorvo Inc và Skyworks Solutions Inc giảm từ 1% đến khoảng 2%.

Kết thúc phiên 18/2, chỉ số Dow Jones giảm 165,89 điểm (-0,56%), xuống 29.232,19 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 9,87 điểm (-0,29%), xuống 3.370,29 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 1,57 điểm (+0,02%), lên 9.732,74 điểm.

Thông tin của Apple đưa ra cũng đẩy các thị trường chứng khoán châu Âu chìm trong sắc đỏ trong phiên thứ Ba.

Kết thúc phiên 18/2, chỉ số FTSE 100 tại London (Anh) giảm 51,24 điểm (-0,69%), xuống 7.382,01 điểm. Chỉ số DAX tại Frankfurt (Đức) giảm 102,70 điểm (-0,75%), xuống 13.681,19 điểm. Chỉ số CAC40 tại Paris (Pháp) giảm 29,12 điểm (-0,48%), xuống 6.056,82 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, việc Apple cảnh bảo sụt giảm doanh thu đã khiến nhóm cổ phiếu công nghệ lao dốc, đẩy các thị trường trong khu vực giảm mạnh, ngoại trừ chứng khoán Trung Quốc may mắn trở lại sắc xanh trong những phút cuối phiên.

Kết thúc phiên 18/2, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 329,44 điểm (-1,40%), xuống 23.193,80 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 1,35 điểm (+0,04%), lên 2.984,97 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 429,40 điểm (-1,54%), xuống 27.530,20 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul giảm 33,29 điểm (-1,48%), xuống 2.208,88 điểm.

Trong khi chứng khoán chìm trong sắc đỏ, thì giá vàng lại tăng vọt trong phiên thứ Ba do nhu cầu trú ẩn an toàn tăng cao với lo ngại kinh tế toàn cầu vì ảnh hưởng bởi dịch bệnh do virus corona ở Trung Quốc.

Kết thúc phiên 18/2, giá vàng giao ngay tăng 17,6 USD (+1,11%), lên 1.601,2 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 4 tăng 17,2 USD (+1,08%), lên 1.603,6 USD/ounce.

Trên thị trường dầu mỏ, nỗi lo virus corona ảnh hưởng tới kinh tế qua đó làm giảm nhu cầu được bù đắp bởi thông tin gián đoạn nguồn cung từ Lybia nên giá dầu thô ít thay đổi trong phiên thứ Ba.

Kết thúc phiên 18/2, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) không đổi, vẫn đứng ở mức 52,05 USD/thùng, trong khi giá dầu thô tương lai Brent cũng chỉ tăng nhẹ 0,08 USD (+0,14%), lên 57,75 USD/thùng.

Tin bài liên quan