“Quả bom nợ” của Trung Quốc đang ở đâu?

“Quả bom nợ” của Trung Quốc đang ở đâu?

(ĐTCK) Khi những lo ngại tăng lên về việc các công ty tiến đến bờ phá sản, các chính quyền địa phương cận kề nguy cơ vỡ nợ, một câu hỏi đặt ra là, nơi nào ở Trung Quốc đang mắc nợ nhiều nhất?

Việc tìm hiểu mớ bòng bong nợ ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang trở nên khả thi trong thời gian gần đây. Theo yêu cầu từ các nhà quản lý ở Bắc Kinh, từ cuối tháng 1 và là lần đầu tiên, tất cả 30 tỉnh thành của Trung Quốc (bao gồm các thành phố trung tâm như Bắc Kinh, Thượng Hải, Thiên Tân và Trùng Khánh), đã công bố số liệu trưng ra tình trạng nợ của họ.

Bức tranh nợ có đủ gam màu từ sáng đến tối, với tỷ lệ nợ trên thu (ngân sách địa phương) dao động từ mức thấp 69% ở tỉnh ven biển Sơn Đông đến mức cao 156% ở thành phố phát triển nhanh nhất Trùng Khánh - một thời nằm dưới sự điều hành của nhà lãnh đạo thất sủng Bạc Hy Lai.

Nhiều thành phố Top đầu khác cũng cho thấy tỷ lệ nợ cao, như Bắc Kinh với 135% và Thượng Hải với 123%. Tuy nhiên, những tỷ lệ nợ đó vẫn thấp hơn nhiều so với tỷ lệ nợ ở một số thành phố, địa phương khác trên thế giới, như Osaka của Nhật Bản với 181%, Ontario của Canada với 226%, theo một báo cáo gần đây của Moody’s Investors Services về nợ địa phương của Trung Quốc.

“Nợ có liên quan đến chính quyền địa phương của Trung Quốc không phải là một khối đồng nhất mà rất khác nhau giữa từng khu vực”, nhà phân tích Debra Roane của Moody’s viết trong một báo cáo được công bố hôm 25/3. Bà Roane cũng lưu ý rằng, các địa phương của Canada có thể kiểm soát được nợ vì họ “có một hệ thống rất nhiều loại thuế có thể điều chỉnh một cách độc lập” - điều mà các tỉnh hay thành phố Trung Quốc không có.

Bên cạnh khối lượng nợ nói chung, báo cáo của Moody’s cũng xem xét các nhân tố khác ảnh hưởng đến năng lực kiểm soát nghĩa vụ tài chính của các địa phương. Một nhân tố quan trọng là thời gian đáo nợ. Ở khía cạnh này, khu vực nguy hiểm lại dịch chuyển đến các tỉnh ven biển như Giang Tô (với hơn 1/3 số nợ đáo hạn trong năm nay) và Chiết Giang (với 30% nợ đến hạn thanh toán trước tháng 1 sang năm). Bắc Kinh và Tứ Xuyên cũng có tỷ lệ nợ ngắn hạn cao.

Bố cục của bức tranh nợ Trung Quốc đang thay đổi, với những người đi vay ngày càng ít phụ thuộc vào ngân hàng, thay vào đó là các nguồn ít bị quản lý hơn như… ngân hàng trong bóng tối. Các địa phương phụ thuộc nhiều nhất vào các sản phẩm ủy thác, loại phổ biến của tín dụng đen, bao gồm tỉnh khai thác than Sơn Tây với 27%, tiếp theo là Trùng Khánh với 15%. Các tỉnh gần với Bắc Kinh như Chiết Giang, Giang Tô và Hà Bắc đều có tỷ lệ vay tín dụng đen trên 10%.

Việc sử dụng các sản phẩm mới như ủy thác đầu tư “làm phức tạp thêm công các kiểm soát nợ của Chính phủ và làm khó các thành viên thị trường trong việc đánh giá mức độ nợ của các chính quyền địa phương”, báo cáo của Moody’s nhận định.

Vấn đề cuối cùng là mức độ phụ thuộc của ngân sách địa phương vào nguồn thu từ bán đất. Một lần nữa, Chiết Giang, Giang Tô và Trùng Khánh nằm trong số những địa phương phụ thuộc nhiều nhất, bên cạnh Phúc Kiến và Sơn Đông trong Top 5.

“Trong khi nguồn thu này chứng tỏ vai trò đáng kể của nó đối với ngân sách địa phương, nó cũng đồng thời là nguồn rủi ro nhất và bởi vậy, không phải là nguồn tin cậy cho việc thanh toán nợ”, Moody’s cảnh báo.

Một cách để giảm rủi ro nợ là cho phép các tỉnh, thành phố này được phát hành trái phiếu, đặc biệt để tài trợ cho các dự án kết cấu hạ tầng, lĩnh vực đầu tư không sinh lợi trong nhiều năm. Hiện tại, hoạt động này đang bị tắc nghẽn ở nhiều địa phương của Trung Quốc.

“Thật không công bằng nếu các dự án đem lại lợi ích cho các thế hệ tương lai lại chỉ được tài trợ bằng tiền thuế của thế hệ hiện tại. Do đó, sẽ không có vấn đề gì khi phát hành một vài loại trái phiếu với những điều kiện nghiêm ngặt”, Bộ trưởng Tài chính Trung Quốc Lầu Kế Vĩ nói tại một cuộc họp báo gần đây ở Bắc Kinh.

Tính đến 30/6/2013, tổng nợ của chính quyền địa phương ở Trung Quốc đã đạt mức 17.890 tỷ nhân dân tệ, tương đương 2.900 tỷ USD, tăng 63% so với cuối năm 2010, theo báo cáo cuối năm ngoái của Cơ quan Kiểm toán Quốc gia Trung Quốc.

Tin bài liên quan