Karin Finkelston

Karin Finkelston

Phụ nữ châu Á, vai trò “không tưởng” với cơ sở hạ tầng

(ĐTCK) Karin Finkelston, Phó Chủ tịch phụ trách Quan hệ Đối tác Toàn cầu của Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) - thành viên của Nhóm Ngân hàng Thế giới (WB) đã trao đổi với ĐTCK những suy nghĩ của mình về việc cơ sở hạ tầng khu vực có ảnh hưởng như thế nào đến khả năng đóng góp của nữ giới cho việc phát triển kinh tế.

Những công trình cơ sở hạ tầng như đường phố, các hệ thống giao thông vận tải hay mạng điện thoại di động, đem lại sự khác biệt đáng kể cho cuộc sống của phụ nữ hơn là với nam giới. Sự thật thường bị xem nhẹ này có ý nghĩa quan trọng vì hiện nay, nữ giới chiếm tới 40% lực lượng lao động toàn cầu và hơn một nửa số sinh viên trên thế giới.

Đặc biệt, khu vực Đông Á-Thái Bình Dương, nơi hiện đang thiếu tới 1.000 tỷ USD vốn đầu tư mỗi năm cho cơ sở hạ tầng, vẫn chưa thể khai thác được triệt để tiềm năng đóng góp cho xã hội của phụ nữ do cơ sở hạ tầng thiếu an toàn, không đầy đủ, hay không phù hợp.

Tại Đông Á-Thái Bình Dương, năng suất lao động trên đầu người có thể tăng tới 7-18% ở nhiều nước nếu lao động nữ được làm việc trong cùng ngành nghề, cùng loại hình công việc, và có được sự công bằng trong khả năng tiếp cận nguồn tư liệu sản xuất như nam giới. Chính bởi vậy, đầu tư cải thiện thiết kế, vận hành cho các công trình cơ sở hạ tầng nông thôn, đô thị và trong khu vực tài chính để giúp phụ nữ đảm nhận vai trò lớn hơn trong lao động, sản xuất là một đòi hỏi cấp thiết để phát triển.

Cơ sở hạ tầng giao thông, năng lượng, vệ sinh môi trường và những công trình ‘cứng’ khác có tính đến nhu cầu của phụ nữ khi thiết kế sẽ góp phần loại bỏ những hạn chế về thời gian, chi phí và khả năng tiếp cận vốn đang kìm hãm sự phát triển của phụ nữ. Chẳng hạn, những trở ngại trong việc sử dụng phương tiện giao thông công cộng của phụ nữ và nam giới không giống nhau. Các nghiên cứu cho thấy phụ nữ chú ý đến sự an toàn cá nhân và chi phí đi lại hơn so với nam giới, trong khi nam giới lại cho rằng tốc độ di chuyển là vấn đề số một.

Đặc biệt ở thành thị, phụ nữ thường đi lại nhiều hơn trong khung giờ thấp điểm và thường đi đến nhiều điểm cùng lúc theo hình thức “chuyến kết hợp”. Phụ nữ thường bắt đầu mỗi ngày bằng việc đưa con đi học, sau đó đi làm, rồi tranh thủ ghé hiệu thuốc hay siêu thị trên đường về nhà sau khi tan sở. Phải xử lý nhiều công việc đan xen cả ở công sở và gia đình cũng có nghĩa là phụ nữ thường thiếu thốn thời gian, vì thế việc đi lại phải làm sao thật dễ dàng, tiện lợi.

Cơ sở hạ tầng thông minh, phù hợp về giới được hình thành khi phụ nữ có thể thoải mái trao đổi ý kiến về các dự án, trình bày các nhu cầu riêng của giới mình nhằm tìm cách lồng ghép những nhu cầu đó vào các thiết kế dự án. Khi xây dựng dự án đường sắt metro tại TP. Hồ Chí Minh, một phân tích đã được thực hiện nhằm xác định các nhu cầu, thói quen, hạn chế, cũng như các vấn đề về an ninh, an toàn trong giao thông của phụ nữ và nam giới.

Các hoạt động tham khảo ý kiến trên được thực hiện với đối tượng phụ nữ, để từ đó giúp ngành giao thông bố trí những cơ sở hạ tầng có tính đến yếu tố giới, như toa xe dành riêng cho hành khách nữ, ghế ngồi cho trẻ em, chỗ để xe đẩy trẻ em, phòng chờ riêng cho phụ nữ, buồng vệ sinh sạch sẽ, ánh sáng đầy đủ,... Một khi tạo được sự thuận tiện để phụ nữ di chuyển trong thành phố, phụ nữ sẽ đi lại nhiều hơn, từ đó góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế của đô thị. Đối với nền kinh tế Việt Nam đang không ngừng phát triển, đây sẽ là một giải pháp tốt để nâng cao vai trò của phụ nữ.

Ở các vùng nông thôn tại khu vực Châu Á, Thái Bình Dương, an toàn giao thông là một vấn đề lớn đối với những phụ nữ thường xuyên phải di chuyển trên quãng đường dài. Trong một buổi thu thập ý kiến công chúng về một tuyến đường quốc lộ ở Papua, New Guinea, những người phụ nữ được hỏi về hành trình đi lại của họ khi đi bán nông sản ở chợ. Họ phải đi lại hàng giờ trên những con đường núi khi trời còn tờ mờ sáng, phải chen chúc đằng sau nam giới trên những tuyến xe công cộng chỉ để mang hàng hóa ra chợ bán. Không chỉ vậy, tất cả những phụ nữ được hỏi đều cho biết từng bị cướp số tiền kiếm được trên xe buýt hay khi chờ xe bên đường.

Nâng cao chất lượng đường xá, hệ thống chiếu sáng công cộng, tăng số lượng xe buýt để giảm sự chen chúc là cách để khuyến khích phụ nữ đi chợ thường xuyên và an toàn hơn. Đây là những giải pháp đơn giản giúp phụ nữ bán được nhiều hàng hóa và thu được nhiều tiền lãi hơn cho chính họ chứ không phải ai khác.

Tóm lại, cải thiện cơ sở hạ tầng sẽ đem lại tác động vô cùng tích cực đối với phụ nữ. Cải thiện hạ tầng sẽ nâng cao an ninh, giúp phụ nữ đi lại dễ dàng hơn, tiết kiệm thời gian, nâng cao năng suất, từ đó góp phần đáng kể vào sự phát triển chung của đất nước. Cơ sở hạ tầng thông minh phù hợp về giới phải là nội dung trọng tâm trong chương trình phát triển của khu vực Châu Á Thái Bình Dương.

Tin bài liên quan