Phòng tránh rủi ro, giới đầu tư né chứng khoán, rót tiền vào vàng

Phòng tránh rủi ro, giới đầu tư né chứng khoán, rót tiền vào vàng

(ĐTCK) Phòng ngừa rủi ro trước những sự kiện chính trị, kinh tế quan trọng sắp diễn ra, giới đầu tư lảng tránh các tài sản rủi ro như chứng khoán, trong khi rót mạnh tiền vàng trong phiên thứ Ba.

Phố Wall tiếp tục giảm điểm trong phiên thứ Ba khi các nhà đầu từ đề phòng rủi ro trước các sự kiện chính trị, kinh tế sắp diễn ra trong ngày thứ Năm.

Tại nước Mỹ là phiên điều trần của cựu Giám đốc Cơ quan Điều tra liên bang (FBI) James Comey trước Quốc hội. Những lời khai của ông Comey trước các nhà lập pháp của Mỹ được giới đầu tư đặc biệt quan tâm, vì nó có thể làm cho các chính sách kinh tế của Tổng thống Trump như giảm thuế, tăng đầu tư cơ sở hạ tầng có thể gặp khó khăn ở Quốc hội.

Ở ngoài nước Mỹ, cuộc bầu cử trước thời hạn Quốc hội Anh kể từ sau khi vương quốc này quyết định rời khỏi Liên minh châu Âu (EU). Cuộc thăm dò hôm thứ Ba cho thấy, đảng Bảo thủ của Thủ tướng Anh Theresa May có thể giành được nhiều ghế hơn, sau một cuộc thăm dò trước đó cho thấy, cuộc chạy đua với đảng Lao động đối lập là ngang nhau.

Ngoài ra, giới đầu tư cũng đang hướng tới cuộc họp của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), nơi các nhà hoạch định chính sách được dự báo sẽ nhìn nhận tích cực hơn về nền kinh tế.

Kết thúc phiên 6/6, chỉ số Dow Jones giảm 47,81 điểm (-0,23%), xuống 21.136,23 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 6,77 điểm (-0,28%), xuống 2.429,33 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 20,63 điểm (-0,33%), xuống 6.275,06 điểm.

Cũng giốn như chứng khoán Mỹ, những lo ngại về các sự kiện chính trị, kinh tế và khủng hoảng chính trị tại Vùng vịnh khiến giới đầu tư châu Âu thận trọng, đẩy các thị trường chứng khoán chính của khu vực này giảm mạnh. Góp phần vào đà giảm mạnh này còn có sự lao dốc của nhóm cổ phiếu dược phẩm.

Trong khi đó, kỳ vọng vào một chiến thắng cho đảng Bảo thủ, chứng khoán Anh lại chỉ lình xình ở sát dưới tham chiếu và đóng cửa chỉ giảm rất nhẹ.

Kết thúc phiên 6/6, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 0,81 điểm (-0,01%), xuống 7.524,94 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 132,82 điểm (-1,04%), xuống 12.690,12 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 35,52 điểm (-0,66%), xuống 5.307,89 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, việc chứng khoán Âu, Mỹ giảm điểm trong phiên đầu tuần, cùng với việc đồng USD giảm xuống mức thấp nhất 6 tuần so với đồng yên đã ảnh hưởng tiêu cực tới chứng khoán Nhật Bản trong phiên thứ Ba, khiến chỉ số Nikkei 225 giảm khá mạnh, mất luôn mốc 20.000 điểm đạt được thứ Sáu tuần trước.

Trong khi đó, chứng khoán Trung Quốc đảo chiều tăng trở lại nhờ các dữ liệu kinh tế trong tháng 5 vẫn tích cực, nhất là về thương mại, qua đó kéo chứng khoán Hồng Kông tăng theo, lên trở lại mức cao nhất 23 tháng sau phiên điều chỉnh nhẹ đầu tuần.

Kết thúc phiên 6/6, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 190,92 điểm (-0,95%), xuống 19.979,90 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 134,15 điểm (+0,52%), lên 25.997,14 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 10,47 điểm (+0,34%), lên 3.102,13 điểm.

Trong khi các nhà đầu tư tránh né các tài sản rủi ro như chứng khoán để đề phòng trước các sự kiện chính trị, kinh tế quan trọng sắp diễn ra, thì các tài sản có tính trú ẩn như vàng lại rất được ưa thích.

Trong phiên thứ Ba, dòng tiền ồ ạt chảy sang vàng, đẩy giá kim loại quý này tăng vọt, lên mức cao nhất 7 tuần.

Kết thúc phiên 6/6, giá vàng giao ngay tăng 14,3 USD (+1,12%), lên 1.293,60 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 8 tăng 14,8 USD/ounce (+1,15%), lên 1.297,5 USD/ounce.

Giá dầu cũng phục hồi trở lại trong phiên thứ Ba, nhưng chủ yếu là nhờ yếu tố kỹ thuật kkhi giá nhiên liệu này giảm xuống dưới ngưỡng 47 USD/thùng.

Kết thúc phiên 6/6, giá dầu thô Mỹ tăng 0,79 USD/thùng (+1,67%), lên 48,19 USD/thùng, giá dầu thô Brent tăng 0,65 USD (+1,31%), lên 50,12 USD/thùng. 

Tin bài liên quan