Ảnh: Chinesenewyear2018

Ảnh: Chinesenewyear2018

Phong bao lì xì Tết các nước: Hơn cả những đồng tiền may mắn

Theo truyền thống, phong bao lì xì chỉ đựng số tiền nhỏ tượng trưng để gửi lời chúc may mắn, bình an đến người nhận.

Nguồn gốc của tục lì xì

Tục lì xì được cho là bắt nguồn từ Trung Quốc. Có rất nhiều truyền thuyết liên quan đến phong tục này, nổi tiếng nhất là câu chuyện liên quan đến một con yêu quái quấy rối trẻ con vào đêm giao thừa. Theo China Highlights, yêu quái sẽ gõ vào đầu đứa trẻ làm nó giật mình, khóc thét và sốt. Để giữ an toàn cho lũ trẻ, bố mẹ chúng thường phải thắp nến và canh chừng cả đêm.

Một cặp vợ chồng đã khấn nguyện thần linh để bảo vệ cho lũ trẻ và được đáp lại bằng cách gửi 8 nàng tiên tới. Để đánh lừa yêu quái, 8 nàng tiên hóa thành 8 đồng tiền và được cha mẹ lũ trẻ gói vào tấm vải đỏ đặt dưới gối. Khi yêu quái đến, những đồng tiền lóe lên khiến nó sợ hãi bỏ chạy. Câu chuyện lan truyền nhanh chóng. Từ đó, cứ đến Tết, người lớn lại bỏ tiền vào những phong bao đỏ tặng trẻ con, để chúng khỏe mạnh và may mắn trong năm mới.

Trang Chinese New Year 2018 chỉ ra khía cạnh lịch sử của phong tục này khi nó bắt nguồn từ triều đại nhà Hán. Thay vì tiền thật, người ta dùng những xâu tiền xu để xua đuổi ma quỷ. Trên mặt tiền xu khắc nhiều câu chúc và biểu tượng may mắn như hòa bình, trường thọ, tài lộc hay hình rồng, chim ưng... Những đồng xu này buộc lại với nhau bằng sợi dây màu đỏ, sau chuyển sang bọc trong giấy đỏ rồi phong bì đỏ như phong tục ngày nay.

Ý nghĩa của tục lì xì

Ngày nay tục lì xì ngày Tết phổ biến ở nhiều quốc gia ở châu Á như Trung Quốc, Việt Nam, Nhật Bản, Hàn Quốc... Điểm chung của phong tục này là cầu chúc may mắn, sức khỏe và tài lộc tới mọi người. Theo đó cả người nhận và tặng phong bao lì xì đều gặp những điều tốt lành trong năm mới.

Phong bao lì xì Tết các nước: Hơn cả những đồng tiền may mắn ảnh 1

Ảnh: Quartz. 

Ý nghĩa của phong bao lì xì không nằm ở số tiền mừng bên trong. Tiền lì xì thường là những món tiền nhỏ, gồm cả tiền lẻ và tiền chẵn. Thường người ta sử dụng những tờ tiền mới để mừng tuổi đầu năm. Tiền mới tượng trưng cho sự mới mẻ, tinh khôi, một khởi đầu mới.

Chiếc phong bao còn tượng trưng cho sự kín đáo, không muốn người nhận có sự so bì, tị nạnh. Do đó, người nhận không mở phong bao trước mặt người tặng.

Sự khác biệt trong phong tục lì xì các nước

Trung Quốc

Ý nghĩa của chiếc phong bao lì xì nằm ở giấy gói màu đỏ, tượng trưng cho may mắn. Người Trung Quốc gọi phong bao đỏ là Yasui Qian, mang ý nghĩa là "trấn áp ma quỷ". Những người được nhận một phong bao đỏ trong năm mới sẽ có một năm an bình và yên ổn.

Theo tục lệ truyền thống, trẻ em khi nhận những phong bao này sẽ tích lại, cất dưới gối ngủ trong khoảng một tuần rồi mới mở ra. Người Trung Quốc quan niệm, một người bắt đầu đi làm và kiếm được tiền chính là thời điểm ngừng nhận lì xì. Nếu chưa kết hôn, bạn không cần phải mừng phong bao đỏ cho người khác. Người thân (ông bà, cha mẹ), vẫn tặng bạn phong bao đỏ trong ngày Tết, dù bạn đã có gia đình.

Phong bao lì xì Tết các nước: Hơn cả những đồng tiền may mắn ảnh 2

Ảnh: Pinterest. 

Malaysia

Ở Malaysia có ba cộng đồng chính là Mã Lai, Trung Quốc và Ấn Độ. Trong khi những người gốc Trung Quốc vẫn giữ truyền thống tặng phong bao lì xì đỏ thì những người Mã Lai theo đạo Hồi tiếp nhận tục lệ mừng tuổi người già và trẻ nhỏ trong lễ Eid al-Fitr. Đây là ngày lễ kết thúc tháng ăn chay và được coi như Tết của hàng trăm triệu người Hồi giáo. Tuy vậy, thay vì dùng phong bao đỏ, họ dùng phong bao xanh lá cây, màu truyền thống của các nước Hồi giáo.

Vào dịp Tết Eid al-Fitr, những gia đình Hồi giáo thường chuẩn bị sẵn nhiều phong bao xanh lá cây để tặng khách đến thăm nhà. Họ không chỉ mừng cho người già, trẻ nhỏ mà tất cả bạn bè, họ hàng, làng xóm… tới chơi nhà đều được lì xì, thậm chí những người không thể đến chơi nhà họ vào dịp Tết Eid al-Fitr cũng vẫn được chủ nhà gửi nhờ phong bao cho người khác đem về tặng giúp. Hành động này thể hiện sự hào phóng mà mọi người dành cho nhau trong dịp lễ quan trọng của người Hồi giáo.

Cộng đồng người theo đạo Hindu Ấn Độ ở đây còn có truyền thống mừng phong bao lì xì màu tím, gọi là ang pao vào dịp lễ ánh sáng Diwali. Thời xưa, phong bao màu vàng phổ biến hơn.

Nhật Bản

Phong bao lì xì Tết các nước: Hơn cả những đồng tiền may mắn ảnh 3

Ảnh: Pochi 

Phong bao lì xì trắng hoặc hình thù ngộ nghĩnh được sử dụng thay cho màu đỏ, tên người nhận được viết ở mặt sau. Vào ngày đầu năm mới, trẻ em sẽ được nhận tiền mừng tuổi từ bố mẹ, ông bà và người thân. Tiền mừng tuổi đó được gọi là Otoshidama. 

Otoshidama được người lớn tặng cho trẻ con với hy vọng sang năm mới, thêm một tuổi mới, đứa trẻ đó sẽ mau ăn chóng lớn, chững chạc và thành công trong học hành. Đây là thứ được trẻ em mong đợi nhất trong dịp này, còn hơn cả những ngày nghỉ, những trò chúng được phép chơi hay những món ăn đặc biệt dành cho ngày Tết.

Singapore

Cộng động người Hoa tại Singapore rất lớn và có nhiều nét tương đồng với văn hóa của người Trung Quốc. Ngoài tiền mới, họ có thể tặng phong bao lì xì chứa phiếu quà tặng, ngân phiếu, vé xe tháng, tem hoặc tiền xu thay cho tiền giấy. Một số người Hoa trẻ ở Singapore lì xì cho cha mẹ bằng một bữa cơm tại nhà hàng hoặc một chuyến du lịch.

Lì xì Tết ở Việt Nam xưa và nay

Phong bao lì xì Tết các nước: Hơn cả những đồng tiền may mắn ảnh 4

 Ảnh: Indochina Voyages.

Theo truyền thống, cứ giao thừa hoặc mùng 1, các gia đình người Việt lại tụ họp đông đủ. Đây là dịp để con cháu chúc Tết ông bà, cha mẹ và nhận lì xì mừng tuổi. Phong bao lì xì với một số tiền nhỏ, tượng trưng cho lời chúc may mắn, mạnh khỏe, học giỏi, hay ăn chóng lớn của người lớn gửi đến trẻ em. Do đó, thường chỉ chỉ các bậc trưởng thượng mới lì xì cho cháu con hoặc em út của mình, chứ người nhỏ tuổi không lì xì người lớn hơn.

Tuy nhiên, ngày nay, việc mừng tuổi cũng không còn giới hạn trong ngày mùng 1 hay ba ngày đầu năm nữa, mà còn có thể kéo dài đến hết tháng Giêng. Những người nhỏ tuổi nhưng đã lập gia đình, đã có thu nhập thì có thể mừng tuổi cho những bậc cao niên như cha mẹ, ông bà, để chúc tụng may mắn, sức khỏe, bình an. 

Ngoài người thân trong gia đình, tục lì xì đã mở rộng khi bạn bè, đối tác, hàng xóm chúc Tết cũng có thể lì xì lẫn nhau. Khi đó phong bao lì xì còn có ý nghĩa tượng trưng cho sức khỏe, thành đạt, hạnh phúc, thể hiện qua những câu chúc trên bao lì xì như "Hòa gia bình an", "Kim ngọc mãn đường", "Vạn sự như ý"...

Trước đây, bao lì xì có ý nghĩa tinh thần nhiều hơn. Hiện nay, trong một số trường hợp, bao lì xì nghiêng về ý nghĩa vật chất khi nó thay cho lời cảm ơn của con cái với cha mẹ, hay những người trong xã hội.

Tin bài liên quan