Chứng khoán Mỹ có phiên tăng điểm thứ 3 liên tiếp - Ảnh: Reuters

Chứng khoán Mỹ có phiên tăng điểm thứ 3 liên tiếp - Ảnh: Reuters

Phố Wall vừa bước vừa nhìn Yellen

(ĐTCK) Chứng khoán Mỹ tiếp tục có phiên tăng thứ 3 liên tiếp, nhưng mức tăng trong phiên đầu tuần mới bị hãm rất nhiều khi giới đầu tư thận trọng để chờ đợi chính sách từ FED.

Trong 2 phiên cuối tuần trước, nhờ dữ liệu kinh tế khả quan, cùng kết quả kinh doanh tích cực của Walt Disney đã giúp chứng khoán Mỹ có 2 phiên thăng hoa với mức tăng trong 2 phiên trên 2%, kéo lại tất cả những gì đã mất trong 3 phiên trước đó.

Bước vào phiên giao dịch đầu tuần mới, nhóm cổ phiếu công nghệ và hóa dược phẩm tiếp tục hỗ trợ Phố Wall. Tuy nhiên, những thông tin kinh tế tích cực đã được hấp thụ hết trong 2 phiên cuối tuần trước, nên đà tăng của phiên đầu tuần mới rất khiêm tốn.

Ngoài ra, giới đầu tư cũng thận trọng để nghe thông điệp đầu tiên của tân Chủ tịch Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED), Janet Yellen. Mọi con mắt và đôi tai không chỉ của Phố Wall, mà của cả các nhà đầu tư tài chính trên toàn cầu đang dõi theo bài phát biều này của Yellen.

Nhiều nhà đầu tư và giới phân tích cho rằng, đà phục hồi của nền kinh tế Mỹ chỉ mới bắt đầu và còn nhiều thách thức, tỷ lệ thất nghiệp dù giảm xuống mức thấp 6,6%, nhưng đe dọa của nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn còn phía trước, nhất là nó đang đang đối mặt với mùa Đồng khắc nghiệt. Do đó, họ kỳ vọng tân Chủ tịch FED sẽ nhìn nhận được vấn đề này của nền kinh tế Mỹ để không vội đưa ra quyết định cắt gói kích thích kinh tế, cũng như tăng lãi suất.

Kết thúc phiên 10/2, chỉ số Dow Jones tăng 7,71 điểm (+0,05%), lên 15.801,79 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 2,82 điểm (+0,16%), lên 1.799,84 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 22,31 điểm (+0,54%), lên 4.148,17 điểm.

Cũng không nằm ngoài tâm lý chung của giới đầu tư Mỹ, các nhà đầu tư chứng khoán châu Âu cũng đang thấp thỏm chờ đợi bài phát biểu của tân Chủ tịch FED Janet Yellen, nền các thị trường chứng khoán của khu vực này chỉ dao động lình xình và kết thúc phiên với biến động không lớn.

Kết thúc phiên 10/2, chỉ số FTSE tại Anh tăng 19,87 điểm (+0,30%), lên 6.591,55 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 12,06 điểm (-0,13%), xuống 9.289,86 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp tăng 8,95 điểm (+0,21%), lên 4.237,13 điểm.

Trong khi đó, chứng khoán châu Á lại có phiên giao dịch đầu tuần khá tích cực, với đà tăng mạnh ở nhiều thị trường, trong khi sắc đỏ chỉ xuất hiện lác đác ở một số chỉ số.

Kết thúc phiên 10/2, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 255,93 điểm (+1,77%), lên 14.718,34 điểm. Chỉ số HangSeng tại Hồng Kông giảm 57,59 điểm (-0,27%), xuống 21.579,26 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc tăng 41,57 điểm (+2,03%), lên 2.086,07 điểm.

Giá vàng tiếp tục tăng giá trong phiên đầu tuần mới và xu thế tăng vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Đà tăng của giá vàng được nhiều nhà phân tích lý giải là do thông tin nhu cầu vàng của Trung Quốc tăng mạnh trong năm 2013. Cùng với sự phát triển của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới này, giới đầu tư kỳ vọng, tiêu thụ vàng của Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng trong năm 2014. Ngoài ra, giá vàng cũng được hỗ trợ, bởi giá của kim loại quý này đã dao động ở mức thấp trong thời gian dài.

Kết thúc phiên 10/2, giá vàng giao ngay trên thị trường New York tăng 7,9 USD (+0,62%), lên 1.275,00 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 4 tăng 11,8 USD (+0,93%), lên 1.274,7 USD/ounce.

Tuy nhiên, ngay khi bước vào phiên sáng nay (11/2) trên thị trường châu Á, giá vàng đã tăng vọt, vượt qua mốc 1.280 USD/ounce. Đến 8h53 giờ Việt Nam, giá vàng thế giới đang được giao dịch ở mức 1.282,5 USD/ounce.

Đà tăng của giá dầu tiếp tục duy trì trong phiên đầu tuần, giúp nhiên liệu này vượt qua mốc 100 USD/thùng. Kết thúc phiên 10/2, giá dầu thô Mỹ tăng 0,18 USD (+0,18%), lên 100,06 USD/thùng. Tuy nhiên, giá dầu thô Brent chịu áp lực giảm giá khi mùa Đông khắc nghiệt sắp qua và nguồn cung Lybia và Biển Bắc tăng. Kết thúc phiên phiên đầu tuần, Giá dầu Brent giảm 0,94 USD (-0,87%), xuống 108,63 USD/thùng.

Tin bài liên quan