Phố Wall hoảng loạn

Phố Wall hoảng loạn

(ĐTCK) Dữ liệu đáng thất vọng của Trung Quốc khiến chứng khoán toàn cầu chìm trong sắc đó, trong đó, Dow Jones có phiên giảm thứ 3 liên tiếp.

Một báo cáo vừa được công bố cho thấy, sản xuất của Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đã suy giảm vào cuối năm 2013 và đà suy giảm tiếp tục tiếp diễn trong tháng đầu của năm mới 2014.

Ngoài ra Phố Wall cũng bị ảnh hưởng bởi các cổ phiếu của các công ty Trung Quốc niêm yết trên thị trường này. Cổ phiếu Baidu, Sina, Petrochina đều giảm mạnh từ hơn 3% đến hơn 6%.

Chỉ số VIX đo lường sự sợ hãi trên Phố Wall đã tăng tới 11% trong ngày 23/1, trước khi đóng cửa ở mức tăng tăng 7,2%, lên 13,77%.

Theo giới phân tích, sự hoảng loạn của nhà đầu tư trong phiên 23/1 liên quan tới các thông tin từ nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới chỉ là tạm thời và thị trường sẽ hứng khởi trở lại khi các doanh nghiệp công bố kết quả kinh doanh khả quan.

Kết thúc phiên 23/1, Dow Jones giảm 175,99 điểm (-1,07%), xuống 16.197,35 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 16,4 điểm (-0,89%), xuống 1.828,46 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 24,126 điểm (-0,57%), xuống 4.218,88 điểm.

Dữ liệu Thomson Reuters công bố sáng thứ Năm (23/1) cho thấy, lợi nhuận trong quý IV dự kiến ​​sẽ tăng 7%. Trong số 102 công ty đã báo cáo, 63% vượt ngoài mong đợi, bằng với mức trung bình dài hạn.

Sau khi kết thúc phiên giao dịch, Microsoft công bố kết quả kinh doanh cho thấy, lợi nhuận tăng 3%, doanh số bán hàng của phần mềm Office cũng tăng mạnh, bù đắp một phần từ doanh thu thấp của Windows.

Với thông tin này, nhiều khả năng cổ phiếu của khả khổng lồ công nghệ này sẽ tăng mạnh trong phiên 2 phiên cuối tuần.

Cũng giống như chứng khoán Mỹ, chứng khoán châu Âu cũng đồng loạt giảm điểm khi chịu tác động từ thông tin không tích cực từ Trung Quốc.

Dữ liệu sản xuất suy giảm của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới cho thấy đà phục hồi của kinh tế toàn cầu vẫn còn nhiều vấn đề và nó ngay lập tức ảnh hưởng đến ngành khai thác mỏ của châu Âu, khiến các cổ phiếu của ngành này giảm điểm trong phiên thứ Năm, kéo chứng khoán khu vực đi xuống.

Ngoài ra, chứng khoán khu vực này còn bị ảnh hưởng nặng bởi kết quả kinh doanh tiêu cực của đại gia điện thoại Nokia. Cổ phiếu Nokia giảm 10,7% sau khi báo cáo sự sụt giảm mạnh trong doanh số bán hàng tại bộ phận thiết bị mạng.

Các thông tin tiêu cực trên đã làm lu mờ thông tin tích cực khi khu vực tư nhân ở Đức có đà tăng trưởng nhanh nhất trong 2 năm rưỡi qua trong tháng 1 và hoạt động kinh doanh ở Pháp giảm nhẹ hơn mức dự đoán.

Kết thúc phiên 23/1, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 53,05 điểm (-0,78%), xuống 6.773,28 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 89,07 điểm (-0,92%), xuống 9.631,04 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp giảm 44,02 điểm (-1,02%), xuống 4.280,96 điểm.

Dĩ nhiên, chứng khoán châu Á, trung tâm khởi phát thông tin tiêu cực không thể thoát khỏi sắc đỏ. Kết thúc phiên 23/1, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 125,07 điểm (-0,79%), xuống 15.695,89 điểm. Chỉ số HangSeng tại Hồng Kông giảm 348,35 điểm (-1,51%), xuống 22.733,9 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải (Trung Quốc) giảm 9,57 điểm (-0,47%), xuống 2.042,18 điểm.

Có lẽ với thông tin tiêu cực về kinh tế được đưa ra này, giá vàng chính là người được hưởng lợi nhiều nhất. Và diễn biến phiên giao dịch tối qua (23/1) không nằm ngoài xu thế đó. Nhận được thông tin hỗ trợ, vàng lập tức phi nước đại, lần lượt vượt qua các mốc kháng cự mạnh 1.250 USD, 1.260 USD/ounce, mức mã kim loại quý này đã thất bại trong phiên đầu tuần.

Kết thúc phiên 23/1, giá vàng giao ngay trên sàn New York tăng 27,8 USD/ounce (+2,25%), lên 1.264,6 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 2 trên sàn Comex tăng 23,7 USD/ounce (+1,91%), lên 1.262,3 USD/ounce.

Trong khi đó, dù dữ liệu kinh tế kém khả quan, nhưng do đợt lạnh kéo dài của Bắc Mỹ nên giá dầu thô tiếp tục leo thang. Kết thúc phiên 23/1, giá dầu thô trên thị trường New York tăng 0,59 USD (+0,61%), lên 97,32 USD/thùng. Tuy nhiên, giá dầu Brent đã nhanh chóng giảm trở lại khi mất 0,69 USD (-0,64%), xuống 107,58 USD/thùng

Tin bài liên quan