Phố Wall đảo chiều ngoạn mục

Phố Wall đảo chiều ngoạn mục

(ĐTCK) Bị bán mạnh đầu phiên sau phiên khởi sắc trước đó, nhưng nhờ lực cầu chảy mạnh cuối phiên chiều, phố Wall đã đảo chiều ngoạn mục trong phiên thứ Năm.

Sau phiên tăng vọt hôm thứ Tư với chỉ số Dow Jones lần đầu tăng trên 1.000 điểm, phố Wall đã đồng loạt điều chỉnh mạnh khi bước vào phiên thứ Năm khi áp lực bán mạnh diễn ra trên diện rộng, đẩy các chỉ số mất hơn 2%. Tuy nhiên, vào phiên chiều, nhất là nửa cuối phiên chiều, lực cầu gia tăng đã kéo các chỉ số có phiên đảo chiều ngoạn mục. Nhóm cổ phiếu công nghệ là lực cản lớn nhất đầu phiên cũng lần lượt hồi phục vào cuối phiên.

Theo các nhà phân tích, đà giảm mạnh trong tháng 12 này đã khiến các chỉ số xác lập vùng giá hấp dẫn, nên khi lệnh bán chốt sớm sau phiên tăng mạnh trước đó đã kích thích lực cầu trở lại mạnh trong phiên chiều, kéo phố Wall tiếp tục có phiên tăng điểm thứ 2 liên tiếp. Tuy nhiên, S&P 500 đang đứng trước khả năng có năm giảm mạnh nhất kể từ năm 2008.

Kết thúc phiên 27/12, chỉ số Dow Jones tăng 260,37 điểm (+1,14%), lên 23.138,82 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 21,13 điểm (+0,86%), lên 2.488,83 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 25,14 điểm (+0,38%), lên 6.579,49 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Âu, phản ứng với phiên khởi sắc trước đó của phố Wall, các chỉ số chính của khu vực cũng mở cửa với sắc xanh đậm. Tuy nhiên, khi phố Wall bước vào phiên giao dịch mới với đà giảm đồng loạt đã kéo chứng khoán châu Âu quay đầu và đóng cửa trong sắc đỏ.

Kết thúc phiên 27/12, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 101,31 điểm (-1,52%), xuống 6.584,68 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 252,31 điểm (-2,37%), xuống 10.381,51 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp giảm 27,77 điểm (-0,60%), xuống 4.598,61 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, chứng khoán Nhật Bản cũng tăng vọt theo đà tăng khởi sắc của phố Wall trong phiên trước đó. Trong khi chứng khoán Trung Quốc giảm điểm xuống mức thấp nhất 4 năm do nhà đầu tư phản ứng với thông tin Sinopec - Tập đoàn Hóa chất và Dầu khí Trung Quốc, đã đình chỉ hai quan chức hàng đầu vì gây ra tổn thất nghiêm trọng trong giao dịch. Đà giảm của chứng khoán Trung Quốc đại lục đã kéo chứng khoán Hồng Kông giảm theo.

Kết thúc phiên 27/12, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 750,56 điểm (+3,88%), lên 20.077,62 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 15,21 điểm (-0,61%), xuống 2.483,09 điểm.  Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 172,50 điểm (-0,67%), xuống 25.478,88 điểm.

Trên thị trường kim loại quý, giá vàng tăng tốt do phố Wall điều chỉnh mạnh hơn 2% sau phiên hởi sắc trước đó. Tuy nhiên, đà tăng của giá vàng cũng hạ nhiệt dần về cuối phiên khi phố Wall quay đầu bật tăng trở lại.

Kết thúc phiên 27/12, giá vàng giao ngay tăng 8,8 USD (+0,69%), lên 1.275,1 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 2/2019 tăng 11,1 USD (+0,88%), lên 1.271,8 USD/ounce.

Trong khi đó, giá dầu thô quay đầu giảm sau phiên tăng hơn 8% trước đó khi nhà đầu tư tập trung vào đà tăng trưởng chậm lại của kinh tế toàn cầu và sản lượng dầu thô đạt mức kỷ lục.

Kết thúc phiên 27/12, giá dầu thô kỳ hạn Mỹ giảm 1,61 USD (-3,48%), xuống 44,61 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 2,31 USD (-4,24%), xuống 52,16 USD/thùng.

Tin bài liên quan