Các tàu chở dầu ở cảng Bandar Abbas, phía nam Iran

Các tàu chở dầu ở cảng Bandar Abbas, phía nam Iran

OPEC và Iran, cuộc đối đầu trước mắt

(ĐTCK) Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) vừa giành chiến thắng trong cuộc chiến giá dầu đối với các nhà sản xuất dầu đá phiến của Mỹ, tuy nhiên, vẫn còn một “cuộc chiến” ở phía trước mà OPEC sắp phải đối mặt.

Ngày 5/6 tới đây, OPEC sẽ tổ chức hội nghị thường niên nhằm đưa ra chính sách quyết định sản lượng dầu cho thời gian tới. Hội nghị này được tổ trước trước hạn chót cho cuộc đàm phán của Iran và nhóm P5 +1 chỉ 3 tuần. Chính quyền Tehran từng khẳng định, nước này có thể đưa ra thị trường thêm 1 triệu thùng dầu mỗi ngày trong vòng 6 tháng sau khi các lệnh cấm vận áp đặt lên nước này bị dỡ bỏ.

Trước đó, OPEC không cần phải lo lắng tới sản lượng dầu này để có thể đưa ra quyết định giữ nguyên sản lượng dầu cung cấp ra thị trường, ngay cả khi giá dầu tụt dốc. Tuy nhiên, với việc Iran quay trở lại, OPEC sẽ chịu thêm áp lực bởi Iran cũng là một thành viên trong tổ chức.

Theo nhận định chung của đa số các chuyên gia và nhà kinh tế học, OPEC sẽ duy trì mức sản lượng mục tiêu là 30 triệu thùng dầu mỗi ngày trong cuộc họp sắp tới. Trên thực tế, sản lượng dầu đưa ra thị trường của OPEC luôn cao hơn con số này trong hơn 1 năm qua, một dấu hiệu mạnh mẽ cho thấy OPEC không dễ dàng nhường lại thị phần của mình cho bất cứ ai.

Iran trước khi bị cấm vận từng là nhà cung cấp dầu mỏ lớn thứ 2 tại OPEC, hiện tại đang đứng ở vị trí thứ 15. Mới đây, ngày 6/5, Bộ trưởng dầu mỏ của Iran Namdar Zanganeh tuyên bố, quốc gia này sẽ nhanh chóng khôi phục lại thị phần của mình trên thị trường. Trong một phát biểu khác, ông Namdar Zanganeh cho rằng, OPEC nên có sự điều tiết để thích nghi với sản lượng tăng mạnh từ Iran.

Việc sản lượng tăng mạnh từ Iran, cũng như từ người hàng xóm Iraq sẽ nâng mức độ cạnh tranh ngay trong nội bộ OPEC, nhất là đối với thị trường châu Á, nơi đang có tốc độ phát triển nhanh chóng.

Trong tháng trước, Iran sản xuất 2,8 triệu thùng dầu mỗi ngày, so với con sô 6 triệu thùng mỗi ngày vào những năm 1970, theo số liệu của Bloomberg.

Việc các lệnh cấm vận bị dỡ bỏ sẽ “tháo xích” cho lượng dầu lớn đang được lưu kho tại Iran, được ước tính là kho dự trữ lớn thứ 4 trên thế giới. Ngay từ bây giờ, các cuộc đàm phán của Iran với các nhà đầu tư nước ngoài đã bắt đầu và 10 triệu thùng dầu đã được đặt sẵn trên các con tàu tại Iran.

Lựa chọn tốt nhất cho OPEC hiện tại có thể là tiếp tục duy trì sản lượng và hy vọng nhu cầu tiêu thụ từ thị trường sẽ tăng lên, Mike Wittner, Giám đốc nghiên cứu thị trường dầu mỏ tại Societe Generale (New York) cho biết.

Hiện tại, Ả Rập Xê út, quốc gia dẫn đầu OPEC đang phải đối diện với nhiều nguy cơ, trong đó có cả cuộc chiến tại Yemen mà nước này đang dính vào. Mối quan hệ giữa Iran và Ả Rập Xê út vốn đã không được “mặn mà”, giờ đây, Ả Rập Xê út và OPEC sẽ phải chuẩn bị cho một cuộc đối đầu mới trước mắt.

Tin bài liên quan