OPEC “nội chiến” vì châu Á

OPEC “nội chiến” vì châu Á

(ĐTCK) Trong một thời gian dài, các thành viên của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) luôn “đồng lòng” trong việc cùng nâng hay giảm giá bán dầu thô. Tuy nhiên, hiện tại, một “cuộc chiến” ngầm đang diễn ra trong nội bộ tổ chức này.

OPEC đang nắm giữ 40% thị phần cung cấp dầu thô ra thị trường toàn cầu và hiện đang cùng duy trì chiến lược quyết không cắt giảm sản lượng, bất chấp tình trạng dư thừa nguồn cung và nhu cầu tiêu thụ giảm sút. Vậy nhưng, sự đồng lòng này dường như đang dần biến mất khi các quốc gia thành viên thiết lập những mức giá khác nhau cho giá bán dầu thô theo tháng.

Châu Á được dự báo sẽ đóng góp một phần lớn trong nhu cầu tiêu thụ trong năm nay, so với những khu vực tiêu dùng truyền thống khác. Bởi vậy, chính sách giá của các thành viên OPEC đối với khách hàng tiềm năng này có sự khác biệt.

Hiện tại, Kuwait đang giảm mức giá dầu Saudi Arabia ở mức kỷ lục, trong khi Iraq đang bán dầu thô ở mức rẻ hơn so với các thành viên khác. Trong khi đó, Qatar đang đưa ra mức giảm giá mạnh nhất trong 27 tháng qua so với các “đối thủ” khác.

Cụ thể, Kuwait đưa ra mức giá chào bán đối với dầu thô Export Blend dành cho khu vực châu Á rẻ hơn 65 cents/thùng so với dầu thô Arab Medium chất lượng tương đương của Ả Rập Xê út trong tháng 10 và rẻ hơn 60 cents/thùng trong tháng 11. Mức giảm giá này đã được mở rộng hơn so với chênh lệch 40 cents/thùng đầu năm 2014.

OPEC “nội chiến” vì châu Á ảnh 1

 Khoảng cách giữa giá dầu Export Blend của Kuwait và Arab Medium của Ả Rập Xê út ngày càng cách biệt

Iraq đang bán dầu thô Basrah Heavy ở thấp hơn 3,7 USD/thùng so với dầu Arab Heavy chất lượng tương đương của Ả Rập Xê út, mức giảm giá mạnh nhất kể từ tháng 4/2015, khi quốc gia này bắt đầu quay trở lại thị trường sau một thời gian trầm lắng.
Dầu thô Qatar Land đang rẻ hơn 1,2 USD/thùng so với dầu Murban của Abu Dhabi, mức chênh lệch lớn nhất kể từ tháng 6/2013, theo số liệu của Bloomberg.

Với mục tiêu tìm kiếm mối quan hệ thương mại lâu dài với các quốc gia châu Á, các thành viên OPEC, bao gồm cả Ả Rập Xê út buộc phải cạnh tranh lẫn nhau, cũng như cạnh tranh với các đối thủ bên ngoài, theo Bob Fryklund, chiến lược gia trưởng tại HIS Inc.

Giá dầu đã chạm mức đáy thấp nhất 6 năm qua trong tháng 8/2015, khi OPEC quyết định không giảm sản lượng, nhằm đối đầu với các nhà sản xuất dầu đá phiến tại Mỹ. OPEC cho biết, tổ chức này đã bơm ra thị trường sản lượng dầu lớn nhất 3 năm qua trong tháng 9/2015, do có sự tăng trưởng mạnh từ Iraq.

OPEC “nội chiến” vì châu Á ảnh 2

 Sản lượng hiện tại của các thành viên OPEC so với năm 2014

Chiến lược này của OPEC đã đạt được hiệu quả khi buộc các nhà sản xuất Mỹ phải thu hẹp hoạt động sản xuất. Sản lượng của các công ty sản xuất dầu đá phiến Mỹ đã giảm 500.000 thùng/ngày kể từ mức cao nhất 3 thập kỷ qua ở 9,61 triệu thùng/ngày đạt được trong tháng 6/2015, theo số liệu của EIA.

Mặc dù OPEC dự báo giá dầu sẽ tăng trong năm 2016, khi nhu cầu tiêu thụ tăng trưởng trở lại, tuy nhiên, tình hình khi đó sẽ có thay đổi khi Iran, nhà sản xuất lớn thứ 5 OPEC, quay trở lại thị trường. Iran có thể khiến sản lượng đầu ra tăng thêm 3,6 triệu thùng/ngày trong vòng 6 tháng nếu các lệnh cấm vận được gỡ bỏ. Quốc gia này đã bơm 2,8 triệu thùng dầu/ngày trong tháng 9 vừa qua, theo số liệu của Bloomberg.

“Có vẻ như sự cạnh tranh của các thành viên OPEC sẽ còn gia tăng khi lượng dầu thô của Iran quay trở lại thị trường. Nếu xuất khẩu dầu của Iran tăng mạnh, các quốc gia thành viên buộc phải xem xét lại mức giá của mình để trở nên hấp dẫn hơn so với các đối thủ cung cấp sản phẩm tương đương”, Ehsan Ul-Haq, chuyên gia phấn tích tại KBC Advanced Technologies cho biết.

Tin bài liên quan