Olympic bị hoãn, bất động sản Nhật Bản đón tin vui

Olympic bị hoãn, bất động sản Nhật Bản đón tin vui

(ĐTCK) Trong thời gian qua, nhà đầu tư, cũng như giới đầu cơ tại thị trường bất động sản Nhật Bản có một nỗi lo chung: Thị trường sẽ ra sao sau khi Olympic 2020 diễn ra? Hiện tại, mối lo này đã được xoa dịu, bởi thời gian tổ chức Olympic được trì hoãn sang năm 2021 vì dịch Covid19.

Niềm vui Olympic trì hoãn

Thị trường bất động sản Nhật Bản đã tận hưởng đà phục hồi trong 6 năm qua kể từ sau khi xuống dốc bởi khủng hoảng tài chính 2008. Một trong những yếu tố tạo động lực tăng trưởng những năm gần đây là việc Olympic 2020 được tổ chức tại đất nước mặt trời mọc. Hiện tại, với việc Olympic được hoãn lại tới năm sau, nhiều khả năng “bữa tiệc” tại thị trường bất động sản sẽ tiếp diễn.

Chỉ số Bất động sản Topix (Topix Real Estate Index) đã tận hưởng ngày tăng điểm tích cực nhất vào tuần trước tính từ khi Thống đốc Ngân hàng trung ương Nhật Bản công bố chương trình nới lỏng tiền tệ vào tháng 10/2014. Đà tăng 11% của chỉ số này xuất phát từ việc thông tin Olympic bị hoãn được đưa ra và trở thành lĩnh vực có màn biểu diễn tốt nhất trong số 33 chỉ số thuộc Topix.

Các nhà phát triển bất động sản cũng chiếm vị trí hàng đầu trong số các doanh nghiệp trên sàn thuộc chỉ số Nikkei 225, với mức tăng mạnh nhất trong gần 12 năm qua. Cổ phiếu của Tokyu Holdings tăng mạnh nhất trong nhóm Nikkei 225, trong khi Tokyo Tatemono Co cũng tăng giá mạnh nhất kể từ năm 2013. Sumitomo Realty & Development Co, công ty xây dựng Làng Olympic với hơn 5.000 căn hộ chứng kiến cổ phiếu tăng mạnh nhất kể từ năm 1999. Trước đó, việc Olympic được tổ chức cũng giúp bất động sản khu vực Harumi – nơi xây dựng các khu dịch vụ phục vụ thế vận hội tăng trưởng tích cực.

Olympic bị hoãn, bất động sản Nhật Bản đón tin vui ảnh 1

Sau khi Nhật Bản giành được quyền đăng cai Olympic 2020, giá bất động sản tại đây đã tăng liên tục trong 7 năm, theo số liệu từ chính quyền thủ đô Tokyo. Năm 2019, giá đất trung bình (bao gồm mọi lĩnh vực thương mại, dân cư, khu công nghiệp) đã tăng 4,1% so với năm trước đó, sau khi đã tăng 3,7% trong năm 2018.

Đáng chú ý, theo Bộ Đất đai, cơ sở hạ tầng, giao thông và du lịch Nhật Bản (Ministry of Land, Infrastructure, Transport and Tourism – MLIT), việc bất động sản tăng giá không tạo rủi ro bong bóng, bởi nó phản ánh nhu cầu thực tế.

Động lực tăng trưởng

Thị trường bất động sản Nhật Bản nói chung, Tokyo nói riêng đã theo đà leo dốc trong những năm gần đây nhờ động lực từ Olympics và Paralympics 2020. Theo đó, Chính phủ Nhật Bản mở rộng chi tiêu công cho cơ sở hạ tầng, đồng thời công bố nhiều gói nới lỏng tiền tệ để cổ vũ đầu tư và tiêu dùng trong nước.

Đầu tư trực tiếp vào xây dựng, bao gồm tái thiết đô thị, xây dựng cơ sở dịch vụ - thương mại, nâng cấp hạ tầng giao thông, đồng thời tập trung xây dựng khách sản, cơ sở nghỉ dưỡng xung quanh khu vực thu hút nhiều khách du lịch đã leo lên mức cao nhất nhiều năm.

Bên cạnh đó, một động lực đáng chú ý khác tới từ nhu cầu của nhà đầu tư nước ngoài. Bị hấp dẫn bởi môi trường lãi suất rất thấp (Nhật Bản đang áp dụng chính sách lãi suất âm), lợi suất cho thuê ở mức cao và triển vọng tăng giá nhờ Olypic phía trước, nhà đầu tư quốc tế nhanh chóng tìm tới Nhật Bản để rót vốn vào bất động sản.

Một yếu tố khác cổ vũ đà tăng của thị trường là sự tăng trưởng của lĩnh vực du lịch. Trong giai đoạn 2012 – 2017, lượng khách quốc tế tới Nhật Bản tăng 250%, nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác và vẫn còn nhiều dư địa để tăng trưởng so với một số địa điểm nổi trội khác như Pháp. Việc Olympic được tổ chức cũng sẽ tạo nên những trải nghiệm mới, giúp nhiều du khách biết tới Nhật Bản hơn nữa và đóng vai trò tích cực cho du lịch trong dài hạn.

Tin bài liên quan