Ông Hikonobu Ise, Chủ tịch Tập đoàn Ise Foods cùng bà Đào Tú Khanh, Chủ tịch CTCP ĐTK tại lễ khánh thành nhà máy sản xuất trứng sạch tại Phú Thọ

Ông Hikonobu Ise, Chủ tịch Tập đoàn Ise Foods cùng bà Đào Tú Khanh, Chủ tịch CTCP ĐTK tại lễ khánh thành nhà máy sản xuất trứng sạch tại Phú Thọ

Nước Mỹ đối diện khoản nợ tiêu dùng gần 13.000 tỷ USD

(ĐTCK) Sau khoảng nửa thập kỷ “tận hưởng” thời kỳ nới lỏng tín dụng, người tiêu dùng Mỹ bắt đầu cảm thấy lo lắng vì những khoản nợ cá nhân.

Trong bối cảnh tăng trưởng thu nhập trì trệ, người dân Mỹ đang phải đối diện với việc dành thu nhập để trả lãi cho các khoản nợ tiêu dùng. Hiện tại, nợ do các hộ gia đình nắm giữ đã tăng lên mức kỷ lục 12.730 tỷ USD và phần trăm các khoản nợ quá hạn đã tăng trong 2 quý liên tiếp.

Với việc nền kinh tế dự báo sẽ tăng trưởng lạc quan, thúc đẩy hành động thắt chặt tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), người tiêu dùng Mỹ sẽ phải chi trả nhiều hơn nữa cho các khoản nợ.

Một số công ty thuộc lĩnh vực tiêu dùng đã bắt đầu lo lắng về khách hàng. Public Storage cho biết, ngày càng có nhiều khách hàng chịu áp lực tài chính. Các công ty cho vay qua thẻ tín dụng, bao gồm Synchrony Financial và Capital One Financial Corp đang phải trích lập dự phòng nhiều hơn cho các khoản nợ xấu. Trong khi đó, những công ty sản xuất hàng tiêu dùng, bao gồm Nestle SA, đều công bố doanh số bán hàng tăng trưởng chậm lại trong quý vừa qua, nhất là tại Mỹ.

Các doanh nghiệp có lý do chính đáng để cảm thấy lo ngại. Các khoản tiêu dùng cá nhân tại Mỹ trong quý I vừa qua có mức tăng thấp nhất kể từ cuối năm 2009 tới nay. Đây rõ ràng là vấn đề của nền kinh tế khi tiêu dùng chiếm tới 70% các khoản chi tiêu, dù các chuyên gia kinh tế kỳ vọng đây chỉ là diễn biến tạm thời.

“Túi tiền của người dân Mỹ đang trong tình trạng khá khó khăn. Chúng tôi cho rằng, người tiêu dùng Mỹ đã sử dụng việc vay mượn để bù đắp chênh lệch giữa mức thu nhập và chi tiêu. Khi Fed tiến hành nâng lãi suất, những khoản nợ tiêu dùng trở nên đắt đỏ hơn và gây áp lực cho người đi vay”, Christopher Low, nhà kinh tế trưởng tại FTN Financial cho biết.

Kể từ khủng hoảng năm 2008, Fed đã duy trì môi trường lãi suất thấp để cổ vũ doanh nghiệp và người dân vay tiền, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đa phần số nợ kể từ năm 2012 tới nay là các khoản vay học phí, mua ô tô và thẻ tín dụng, trong khi tăng trưởng tiền lương trung bình chỉ đạt 2,2%/năm và dự báo sẽ còn chậm hơn nữa trong năm nay.

Hiện tại, người tiêu dùng Mỹ vẫn chưa quá khó khăn với việc quản lý tài chính và đáp ứng các nghĩa vụ nợ đúng hạn. Tính tới cuối năm 2016, tỷ lệ khoản nợ gốc và lãi không được thanh toán đúng hạn chỉ khoảng 10%, ít hơn so với mức trung bình của giai đoạn trước đó (từ 1980-2015) là 11,33%. Tuy nhiên, đối với một số người đi vay, mức độ nợ đang ở mức rất cao, đặc biệt với người có thu nhập thấp.

Richard Fairbank, CEO Capital One cảnh báo rằng: “Sự leo thang trong cạnh tranh nguồn cung nợ tín dụng, cùng với các khoản nợ xấu của khách hàng gia tăng có thể tổn hại tới khả năng của Công ty”.

Trong khi Ronald Haver, CEO Public Storage chia sẻ: “Nhiều khách hàng chủ chốt của chúng tôi đang phải chịu áp lực lớn từ các khoản nợ tiêu dùng”.

Một khảo sát của UBS Group AG cho thấy, trong quý I/2017, 17% người tiêu dùng Mỹ cho biết, họ có thể sẽ phá sản trong năm tới, tăng so với mức 12% trong quý III/2016.

Với diễn biến này, đã xuất hiện dấu hiệu cho thấy các nhà cung cấp khoản vay bắt đầu “lùi bước” đối với hoạt động cho vay tiêu dùng, đặc biệt là cho vay mua ô tô. Theo khảo sát mới nhất của Fed, giới chức tín dụng cấp cao đang muốn các ngân hàng thắt chặt hơn tiêu chuẩn cho vay mua ô tô.

Trong khi đó, Santander Consumer USA Holdings Inc, một trong những nhà cho vay tín dụng mua ô tô lớn nhất nước Mỹ, đã ngừng hoạt động cho vay mua xe và trả bằng thẻ tín dụng.

Tin bài liên quan