Nông dân Trung Quốc dùng hàng hiệu

Zhang là nông dân nuôi tôm nhưng đeo thắt lưng Gucci, lái SUV 43.000 USD và dùng smartphone đời mới.
Một cửa hàng điện thoại tại Pinghai. Ảnh: Nikkei.

Một cửa hàng điện thoại tại Pinghai. Ảnh: Nikkei.

Người ngoài sẽ rất khó đoán được nghề của Zhang Jianchang nếu chỉ nhìn vào thói quen chi tiêu của ông. Zhang là khách hàng trung thành của Gucci. Ông lái chiếc SUV giá 43.000 USD. Năm 2015, sau chuyến du lịch nước ngoài đầu tiên - sang Hàn Quốc, ông quyết định phải đi nữa. Lần này, điểm đến của Zhang là Nhật Bản.

Tuy nhiên, Zhang không phải nhân viên văn phòng ở một thành phố lớn tại Trung Quốc. Ông là nông dân nuôi tôm ở Pinghai - một thị trấn nhỏ tại Quảng Đông.

"Cuộc sống ở nông thôn Trung Quốc cải thiện nhiều rồi", Zhang cho biết trên Nikkei. Điều này thể hiện rất rõ qua các đồ vật ông sử dụng. Zhang dùng smartphone mới nhất của Huawei, lái chiếc Kia Motors mua 4 năm trước.

"Chúng tôi từng nghĩ phải là người siêu giàu mới mua được ôtô. Nhưng giờ gần như mọi nhà có ôtô rồi", Zhang cho biết. Số ôtô tại đây nhiều đến nỗi "mỗi lần tôi đi từ nhà đến nơi làm việc, tôi đều lo thiếu chỗ đỗ", Zhang nói.

Từng bị coi là tầng lớp nghèo khó, nông dân Trung Quốc giờ đã trở thành lực lượng thúc đẩy tiêu dùng tại nước này. Trong 9 tháng đầu năm, doanh số bán lẻ tại nông thôn Trung Quốc tăng 10,4% so với năm ngoái, lên 3.960 tỷ NDT (570 tỷ USD), theo số liệu của cơ quan thống kê. Xu hướng này càng được hỗ trợ nhờ hệ thống logistics cải thiện.

Sức mua tăng từ nông dân đã khiến nhiều đại gia bán lẻ Trung Quốc để ý, đặc biệt trong bối cảnh tiêu dùng ở thành thị chậm lại. JD.com gần đây thông báo sẽ mở 1 triệu cửa hàng tiện lợi cho đến năm 2021. Nửa số này nằm ở nông thôn.

Tiềm năng ở Pinghai khá rõ ràng, khi chi tiêu của các hộ gia đình vài năm gần đây tăng vọt nhờ du lịch bùng nổ. Đất nông nghiệp trước đây để trồng lúa, thì giờ để xây nhà. Poster quảng cáo smartphone Trung Quốc dán khắp nơi. Hàng dài xe hơi - có cả Land Rovers - chạy dọc các con đường hẹp.

Zhang Shunhua là một trong những người chứng kiến sự thay đổi này. Cô từng bán nông phẩm cho thương lái, nhưng giờ đã có việc kinh doanh khác hấp dẫn hơn. Cô nhận tiền của người thành phố, hướng dẫn họ trải nghiệm cuộc sống nông thôn trong trang trại, như hái nho hay nấu ăn ngoài trời. Nhờ thu nhập cao hơn từ du lịch, Zhang và gia đình sắp sửa chuyển được sang nhà mới - một căn biệt thự 11 phòng ngủ.

Kể cả những người có thu nhập thấp hơn cũng đang chi tiêu nhiều hơn. Zhong Peicheng là một ví dụ. Ông là công nhân xây dựng, mua smartphone đầu đời cách đây 2 năm với giá 2.000 NDT - gấp 5 lần lương ngày. Nó đã giúp ông thanh toán di động và gọi video cho con trai ở xa.

Còn với nông dân nuôi tôm - Zhang, việc mua sắm không chỉ tiện lợi hơn, mà còn thể hiện được đẳng cấp trong xã hội. Nhờ giá tôm tăng cao và các khoản hỗ trợ hào phóng từ chính phủ với ngành nông nghiệp, Zhang đã có "cuộc sống xa xỉ". Ông thường xuyên bay sang Hong Kong (Trung Quốc) để mua sắm, và quay về với túi xách, thắt lưng da Gucci. "Giờ chúng tôi có tiền rồi, chúng tôi muốn hưởng thụ cuộc sống", ông nói.

Tin bài liên quan