Ảnh AFP

Ảnh AFP

Nỗi sợ trở lại với giới đầu tư

(ĐTCK) Nỗi sợ hãi cuộc chiến thương mại leo thang lại trở lại với giới đầu tư trong phiên giao dịch thứ Sáu cuối tuần trước (27/9).

Khi kỳ vọng về khả năng Mỹ - Trung đạt được thỏa thuận sớm sau phát biểu của Tổng thống Mỹ Donald Trump chưa kịp hấp thụ, thì nỗi lo cuộc chiến này leo thang đã nhanh chóng ấp đến sau thông tin cho biết, chính quyền ông Trump đang xem xét “đuổi” các công ty Trung Quốc khỏi sàn giao dịch chứng khoán Mỹ.

Kết thúc phiên 27/9, chỉ số Dow Jones giảm 70,87 điểm (-0,26%), xuống 26.820,25 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 15,83 điểm (-0,53%), xuống 2.961,79 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 91,03 điểm (-1,13%), xuống 7.939,63 điểm.

Trong tuần, chỉ số Dow Jone giảm 0,43%, chỉ số S&P 500 giảm 1,01% và Nasdaq composite giảm tới 2,19%, tuần giảm thứ 2 liên tiếp của phố Wall.

Trong khi đó, chứng khoán châu Âu lại đồng loạt tăng điểm trong phiên cuối tuần qua, nhất là chứng khoán Anh tăng mạnh khi đồng bảng anh giảm, hỗ trợ cho các doanh nghiệp xuất khẩu của nước này. Ngoài ra, chứng khoán khu vực này còn được hỗ trợ bởi nhóm cổ phiếu tài nguyên cơ bản.

Kết thúc phiên 27/9, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 75,13 điểm (+1,02%), lên 7.426,21 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 92,40 điểm (+0,75%), lên 12.380,94 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp tăng 20,01 điểm (+0,36%), lên 5.640,58 điểm.

Trong tuần, chỉ số FTSE 100 đảo chiều tăng 1,11% sau khi điều chỉnh giảm 0,31% tuần trước. Trong khi đó, chỉ số DAX giảm 0,70% và chỉ số CAC40 cũng đảo chiều giảm 0,88%.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, chứng khoán Nhật Bản có phiên giảm mạnh nhất gần 5 tuần do thông tin Chủ tịch Công ty Shigeki Iwane cho biết, bản thân và một số giám đốc điều hành đã nhận tổng cộng 320 triệu yên “tiền quà” trong vòng 7 năm qua từ Phó thị trưởng quá cố Eiji Moriyama của thị trấn Takahama - nơi Kansai Electric (KEPCO) có một nhà máy điện hạt nhân.

Chứng khoán Hồng Kông cũng giảm điểm do lo ngại căng thẳng của các cuộc biểu tình kéo dài. Trong khi đó, chứng khoán Trung Quốc lại có sắc xanh nhạt trong phiên cuối tuần, nhưng vẫn có tuần giảm mạnh nhất kể từ tháng 8.

Kết thúc phiên 27/9, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 169,34 điểm (-0,77%), xuống 21.878,90 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 3,08 điểm (+0,11%), lên 2.932,17 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 87,12 điểm (-0,33%), xuống 25.954,81 điểm.

Trong tuần, chỉ số Nikkei 225 giảm 0,91% chấm dứt chuỗi 3 tuần tăng liên tiếp. Chỉ số Hang Seng giảm 1,82% và chỉ số Shanghai composite giảm 2,47%, tuần giảm thứ 2 liên tiếp của 2 chỉ số này.

Dù đứng trước nỗi lo thương chiến leo thang, nhưng giá vàng vẫn tiếp tục ghi nhân phiên giảm khá sâu cuối tuần và đánh mất mốc hỗ trợ 1.500 USD/ounce.

Kết thúc phiên 27/9, giá vàng giao ngay giảm 8,4 USD (-0,56%), xuống 1.495,9 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12 giảm 8,8 USD (-0,58%), xuống 1.506,4 USD/ounce.

Trong tuần, giá vàng giao ngay quay đầu điều chỉnh 1,37%, giá vàng tương lai cũng đảo chiều giảm 0,57%.

Với những diễn biến mới, giới chuyên gia lại có cái nhìn thận trọng hơn rất nhiều với giá vàng, trong khi nhà đầu tư vẫn duy trì sự lạc quan về xu hướng của giá vàng trong tuần mới.

Cụ thể, trong 16 chuyên gia trả lời, có 5 người dự báo giá vàng tăng, chiếm 31%, thấp hơn với với con số 47% của tuần trước, 8 người dự báo giảm, chiếm 50%, cao hơn nhiều con số 21% của tuần trước và 3 người dự báo đi ngang, chiếm 19%.

Trong khi đó, trong 855 người tham gia trả lời khảo sát trực tuyến, có 479 người dự báo giá sẽ tăng, chiếm 56%, thấp hơn so với con số 59% của tuần trước; 222 người dự báo giá sẽ giảm, chiếm 26%, cao hơn chút ít so với mức 24% của tuần trước và 154 người dự báo giá đi ngang, chiếm 18%.

Nỗ lo chiến trang thương mại leo thang sẽ khiến làm giảm nhu cầu dầu mỏ thế giới đã đẩy giá dầu thô tiếp tục giảm trong phiên cuối tuần.

Kết thúc phiên 27/9, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 0,50 USD (-0,89%), xuống 55,91 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,83 USD (-1,34%), xuống 61,91 USD/thùng.

Sau tuần tăng mạnh trước đó do tác động từ các vụ tấn công nhà máy dầu Ả Rập Xê út ngày 14/9, giá dầu thô đã đảo chiều giảm hơn 3% trong tuần qua, trả lại phân nửa những gì đã có trong tuần trước. Cụ thể, trong tuần, giá dầu Mỹ giảm 3,75%, mức giảm mạnh nhất trong 1 tuần kể từ đầu tháng 7, còn giá dầu Brent giảm 3,69%, mức giảm mạnh nhất kể từ đầu tháng 8.

Tin bài liên quan