Ảnh AFP

Ảnh AFP

Nỗi lo trở lại, giới đầu tư tìm nơi trú ẩn

(ĐTCK) Dữ liệu kinh tế kinh tế Mỹ, cùng nỗi lo chiến tranh thương mại leo thang khiến giới đầu tư rút khỏi chứng khoán để tìm tới các kênh trú ẩn khác trong phiên thứ Ba (3/9).

Sau phiên nghỉ lễ lao động ngày thứ Hai (2/9), thị trường Mỹ trở lại giao dịch trong ngày thứ Ba với nhiều thông tin tiêu cực.

Đầu tiên là thông tin kinh tế kém khả quan khi Viện Quản lý cung ứng Mỹ công bố dữ liệu cho thấy, chỉ số hoạt động của nhà máy Mỹ giảm xuống mức 49,1 so với mức 51,1 theo thăm dò của Reuters trước đó. Mức dưới 50 cho thấy sự sụt giảm.

Trong khi dữ liệu kinh tế tiêu cực, thì căng thẳng thương mại Mỹ - Trung không những được xoa dịu bớt mà còn có nguy cơ leo thang hơn khi Trung Quốc kiện Mỹ lên WTO khiến giới đầu tư càng lo lắng về suy thoái kinh tế.

Ngoài ra, một nỗi bận tâm khác của giới đầu tư là sự bất ổn của Brexit (Anh rời EU). Các nhà lập pháp Anh thêm một lần nữa kích hoạt cuộc bỏ phiếu cho phép họ ngăn chặn tân Thủ tương Anh Boris Johnson thực hiện Brexit mà không có thỏa thuận với EU. Việc Hạ viện Anh trì hoãn Brexit có thể khiến ông Johnson lên kế hoạch cho một cuộc bầu cử sớm như tuyên bố của ông hôm trước.

Với những thông tin tiêu cực liên tiếp xuất hiện, giới đầu tư đã đồng loạt bán mạnh ngay trong phiên giao dịch đầu tiên sau ngày nghỉ lễ, đẩy phố Wall giảm mạnh.

Kết thúc phiên 3/9, chỉ số Dow Jones giảm 285,26 điểm (-1,08%), xuống 26.118,02 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 20,19 điểm (-0,69%), xuống 2.906,27 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 88,72 điểm (-1,11%), xuống 7.874,16 điểm.

Tương tự, chứng khoán Mỹ, những thông tin tiêu cực cũng khiến chứng khoán châu Âu chìm trong sắc đỏ trong phiên thứ Ba.

Kết thúc phiên 3/9, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 13,75 điểm (-0,19%), xuống 7.268,19 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 42,92 điểm (-0,36%), xuống 11.910,86 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp giảm 26,97 điểm (-0,49%), xuống 5.466,07 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, chứng khoán Nhật Bản và Trung Quốc tăng, trong khi thị trường Hồng Kông giảm trong phiên thứ Ba, nhưng mức biến động không mạnh khi nhà đầu tư thận trọng trước diễn biến mới của cuộc chiến thương mại và tương lai của Brexit.

Kết thúc phiên 3/9, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 4,97 điểm (+0,02%), lên 20.625,16 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 6,05 điểm (+0,21%), lên 2.930,15 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 98,7 điểm (-0,39%), xuống 25.527,85 điểm.

Trong khi những thông tin xấu về kinh tế và thương chiến khiến giới đầu tư tháo chạy khỏi chứng khoán, thì vàng trở thành kênh trú ẩn an toàn được nhà đầu tư lựa chọn, giúp giá kim loại quý này tăng vọt trong phiên thứ Ba.

Kết thúc phiên 3/9, giá vàng giao ngay tăng 27,1 USD (+1,78%), lên 1.546,7 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12 tăng 17,8 USD (+1,16%), lên 1.555,9 USD/ounce.

Dữ liệu kinh tế tiêu cực, kiến nỗi lo suy thoái kinh tế gia tăng đã đẩy giá dầu thô tiếp tục giảm mạnh trong phiên thứ Ba.

Kết thúc phiên 3/9, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 1,16 USD (-2,11%), xuống 53,94 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,40 USD (-0,68%), xuống 58,26 USD/thùng.

Tin bài liên quan