Ảnh: AFP

Ảnh: AFP

Nỗi lo bao trùm giới đầu tư

(ĐTCK) Căng thẳng gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ký thông qua luật về Hồng Kông đã nhuộm đỏ chứng khoán toàn cầu trong phiên giao dịch cuối tuẩn qua (29/11).

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đặt bút ký thông qua dự luật về Hồng Kông mà lưỡng viện đã thông qua trước đó. Động thái này của Mỹ đã làm Trung Quốc giận dữ và thề đáp trả lại.

Căng thẳng chính trị giữa 2 nước gia tăng liên quan đến tình hình Hồng Kông khiến giới đầu tư lo lắng sẽ làm cho thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 giữa 2 bên sắp đến đích có thể đổ bể.

Nỗi lo này càng gia tăng khi nguồn tin của Reuters cho rằng, Chính phủ Mỹ có thể mở rộng biện pháp ngăn chặn với Huawei với việc cấm các sản phẩm nước ngoài có sử dụng công nghệ của Mỹ bán cho tập đoàn viễn thông của Trung Quốc.

Nỗi lo trên đã kích hoạt lệnh bán trên thị trường chứng khoán, khiến cả 3 chỉ số chính của phố Wall quay đầu giảm điểm trong phiên cuối tuần từ mức cao nhất lịch sử. Dù vậy, mức giảm cũng không quá mạnh.

Kết thúc phiên 29/11, chỉ số Dow Jones giảm 112,59 điểm (-0,40%), xuống 28.051,41 điểm. Chỉ số S&P 500 12,65 điểm (-0,40%), xuống 3.140,98 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 39,70 điểm (-0,46%), xuống 8.665,47 điểm.

Dù điều chỉnh trong phiên cuối tuần, nhưng nhờ các phiên tăng tốt trước đó với kỳ vọng thỏa thuận thương mại được ký kết, phố Wall đã có tuần tăng trở lại sau tuần điều chỉnh trước đó. Cụ thể, trong tuần, Dow Jones tăng 0,63%, S&P 500 tăng 0,99% và Nasdaq tăng 1,71%.

Trong tháng 11, Dow Jones tăng 3,72%, S&P 500 tăng 3,40% và Nasdaq tăng 4,50%, tháng tăng thứ 3 liên tiếp.

Tương tự, chứng khoán châu Âu cũng đồng loạt mất điểm trong phiên cuối tuần khi hàng loạt dữ liệu kinh tế tích cực không thể bù đắp được nỗi lo thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung bị đổ bể sau khi Tổng thống Trump ký ban hành luật về Hồng Kông.

Kết thúc phiên 29/11, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 69,90 điểm (-0,94%), xuống 7.346,53 điểm. Chỉ số DAX giảm 9,20 điểm (-0,07%), xuống 13.236,38 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp giảm 7,54 điểm (-0,13%), xuống 5.905,17 điểm.

Tương tự phố Wall, dù điều chỉnh trong phiên cuối tuần, nhưng chứng khoán châu Âu vẫn có được tuần tăng, trong đó chứng khoán Anh có tuần tăng thứ 2 liên tiếp, còn chứng khoán Đức và Pháp trở lại sau tuần điều chỉnh trước đó. Cụ thể, trong tuần, chỉ số FTSE 100 tăng 0,27%, chỉ số DAX tăng 0,55% và chỉ số CAC40 tăng 0,20%.

Trong tháng 11, chỉ số FTSE 100 tăng 1,35% sau khi giảm 2,16% tháng trước, trong khi chỉ số DAX và CAC40 có tháng tăng thứ 3 liên tiếp với mức tăng 2,87% và 3,06%.

Thị trường chứng khoán châu Á cũng đồng loạt giảm trong phiên cuối tuần do lo ngại thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung đổ bể sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ký thông qua luật về Hồng Kông, đặc biệt là chứng khoán Hồng Kông lao mạnh hơn 2%, chứng khoán Hàn Quốc cũng mất gần 1,5%.

Kết thúc phiên 29/11, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 115,23 điểm (-0,49%), xuống 23.293,91 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 17,71 điểm (-0,61%), xuống 2.871,98 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 547,24 điểm (-2,03%), xuống 26.346,49 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul giảm 30,64 điểm (-1,45%), xuống 2.087,96 điểm.

Tương tự chứng khoán Âu, Mỹ, dù điều chỉnh phiên cuối tuần, nhưng chứng khoán Nhật Bản vẫn có tuần tăng điểm nhờ các phiên tăng tốt trước đó, qua đó chấm dứt chuỗi 2 tuần giảm liên tiếp. Trong khi đó, các thị trường còn lại đều giảm điểm, trong đó chứng khoán Hồng Kông điều chỉnh sau tuần hồi phục trước đó, chứng khoán Trung Quốc và Hàn Quốc có tuần giảm thứ 2 liên tiếp. Cụ thể, trong tuần, chỉ số Nikkei 225 tăng 0,78%, chỉ số Hang Seng giảm 0,93%, chỉ số Shanghai Composite giảm 0,46% và chỉ số Kospi giảm 0,67%.

Trong tháng 11, chứng khoán Nhật Bản và Hàn Quốc tăng 1,6% và 0,22%, tháng tăng thứ 3 liên tiếp, trong khi chứng khoán Trung Quốc và Hồng Kông quay đầu giảm 1,95% và 2,08%.

Sự hoảng sợ gia tăng trên thị trường chứng khoán với khả năng thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung đổ bể sau khi ông Trump ký thông qua đạo luật về Hồng Kông đã tạo ra chất xúc tác giúp giá vàng tăng mạnh trong phiên cuối tuần.

Kết thúc phiên 29/11, giá vàng giao tăng 9,8 USD (+0,67%), lên 1.464,0 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12 tăng 9,9 USD (+0,68%), lên 1.465,6 USD/ounce.

Phiên tăng mạnh cuối tuần đã giúp giá vàng lấy lại hết những gì đã mất trong tuần, qua đó có tuần hồi nhẹ trở lại sau tuần giảm trước đó. Cụ thể trontg tuần, giá vàng giao ngay tăng 0,2% và giá vàng tương lai tăng 0,14%. Dù có tuần hồi nhẹ cuối tháng, nhưng giá vàng vẫn có tháng giảm mạnh hơn 3% sau khi hồi gần 3% trước đó. Cụ thể, giá vàng giao ngay giảm 3,22% và giá vàng tương lai giảm 3,25% trong tháng 11.

Lo ngại thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung đổ bể cũng khiến giá dầu thô lao dốc mạnh trong phiên cuối tuần.

Kết thúc phiên 29/11, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 2,94 USD (-5,33%), xuống 55,17 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 1,63 USD (-2,61%), xuống 62,43 USD/thùng.

Phiên lao dốc cuối tuần đã lấy đi hết những gì tích lũy được trong 3 phiên đầu tuần, qua đó khiến giá dầu thô có tuần giảm mạnh, chấm dứt chuỗi 5 tuần tăng liên tiếp trước đó. Cụ thể, giá dầu thô Mỹ giảm 4,50% và giá dầu thô Brent giảm 1,51%. Dù điều chỉnh trong tuần cuối tháng, nhưng với 5 tuần tăng liên tiếp trước đó, giá dầu thô vẫn có tháng tăng mạnh trong tháng 11. Cụ thể, giá dầu thô Mỹ tăng 1,83%, tháng tăng thứ 2 liên tiếp, còn giá dầu thô Brent tăng 3,65%, sau khi mất 0,90% tháng trước.

Tin bài liên quan