Ảnh AFP

Ảnh AFP

Niềm vui nối dài với nhà đầu tư

(ĐTCK) Sau 2 phiên hồi phục với kỳ vọng thỏa thuận thương mại vẫn có thể đạt được, chứng khoán Âu, Mỹ tiếp tục có phiên tăng tốt thứ 3 liên tiếp trong ngày thứ Năm (16/5) nhờ dữ liệu kinh tế và kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp vừa công bố.

Trong phiên thứ Năm, đà tăng tiếp tục được duy trì trên cả 3 chỉ số chính của phố Wall, thậm chí đà tăng tốt hơn phiên trước đó sau khi kết quả kinh doanh tích cực của Walmart, Cisco Systems được công bố.

Ngoài ra, dữ liệu kinh tế vừa công bố cũng cho thấy, lĩnh vực nhà ở mới tăng mạnh hơn dự kiến trong tháng 4, giúp chỉ số S&P xây dựng nhà tăng 1,2%.

Trong khi đó, Bộ Lao động Mỹ cho biết, số người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp tuần trước ít hơn 16.000 người, thấp hơn dự báo.

Kết thúc phiên 16/5, chỉ số Dow Jones tăng 214,66 điểm (+0,84%), lên 25.862,68 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 25,36 điểm (+0,89%), lên 2.876,32 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 75,90 điểm (+0,97%), lên 7.898,05 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Âu, cũng giống phiên trước đó, chứng khoán khu vực mở cửa trong sắc đỏ, nhưng nhanh chóng đảo chiều tăng trở lại với mức tăng mạnh hơn nhiều phiên trước đó nhờ các thương vụ mua bán sáp nhập giữa các tập đoàn của Đức với các đối tác.

Kết thúc phiên 16/5, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 56,56 điểm (+0,78%), lên 7.353,51 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 210,80 điểm (+1,74%), lên 12.310,37 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp tăng 73,85 điểm (+1,37%) lên 5.448,11 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, trong khi chứng khoán Nhật Bản nhanh chóng quay đầu điều giảm điểm, chứng khoán Hồng Kông cũng giao dịch thận trọng khi nhà đầu tư thất vọng với dữ liệu kinh tế yếu kém của Mỹ và Trung Quốc vừa được công bố, thì chứng khoán Trung Quốc lại tiếp tục duy trì đà tăng khi giới đầu tư kỳ vọng Bắc Kinh sẽ có thêm gói kích thích kinh tế.

Kết thúc phiên 16/5, chỉ số Nikkei 255 tại Nhật Bản giảm 125,58 điểm (-0,59%), xuống 21.062,98 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 17,03 điểm (+0,58%), lên 2.955,71 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 6,36 điểm (+0,02%), lên 28.275,07 điểm.

Sự khởi sắc của thị trường chứng khoán khiến vàng mất đi vai trò nơi trú ẩn an toàn, cùng với việc đồng USD tăng mạnh đã khiến giá vàng quay đầu giảm mạnh trong phiên thứ Năm.

Kết thúc phiên 16/5, giá vàng giao ngay giảm 9,7 USD (-0,75%), xuống 1.286,4 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 6 giảm 11,6 USD (-0,89%), xuống 1.286,2 USD/ounce.

Trong khi đó, căng thẳng tại Trung Đông tiếp tục giúp giá dầu thô tăng vọt trong phiên thứ Năm. Sau khi tàu chở dầu bị tấn công ở vùng Vịnh, đến lượt Ả Rập Xê út dẫn đầu liên minh tiến hành không kích Yemen để trả đũa các cuộc tấn công gần đây vào cơ sở hạ tầng của nước này.

Kết thúc phiên 16/5, giá dầu thô kỳ hạn Mỹ tăng 0,85 USD (+1,37%), lên 62,87 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,85 USD (+1,18%), lên 72,62 USD/thùng.

Tin bài liên quan