Niềm tin giới đầu tư toàn cầu phụ thuộc động thái của Mỹ và Trung Quốc

Niềm tin giới đầu tư toàn cầu phụ thuộc động thái của Mỹ và Trung Quốc

(ĐTCK) Hai nhân tố then chốt là Tổng thống Mỹ Donald Trump và Trung Quốc đã hỗ trợ đáng kể cho danh mục đầu tư của giới đầu tư toàn cầu trong vài tháng qua. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, những yếu tố tích cực từ hai nhân tố này đang có dấu hiệu nhạt dần.

Với trường hợp của Tổng thống Mỹ, kỳ vọng chính quyền Donald Trump sẽ nhanh chóng thúc đẩy thông qua các cải cách thuế, thủ tục hành chính và tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng đã không diễn ra đúng như kế hoạch.

Bên cạnh đó, các rủi ro bất ổn định chính trị gia tăng tại Triều Tiên và Syria đã kéo lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm tụt xuống mức thấp nhất kể từ tháng 11 năm ngoái. Điều này phần nào cho thấy, lòng tin đối với kinh tế Mỹ nói riêng và tăng trưởng toàn cầu nói chung đã phần nào giảm sút.

Jerrod Kerr, nhà phân tích chiến lược tại Commonwealth Bank of Australia nhận định: “Rủi ro địa chính trị đang lan rộng. Động thái của Trump tại Syria và đàm phán hạt nhân với Triều Tiên tiếp tục là chủ đề chính mà giới đầu tư cần để tâm. Tuy nhiên, điều đáng thất vọng nhất chính là chương trình kích thích kinh tế toàn diện của chính quyền Donald Trump vẫn chưa thể diễn ra theo kế hoạch”.

Với Trung Quốc, mặc dù tốc độ tăng trưởng của nước này đã đạt 6,9% và vượt kỳ vọng trong quý I vừa qua, song nỗi lo nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này đã chạm đỉnh vẫn chưa thôi “ám ảnh” các nhà đầu tư, cũng như những thị trường đang phát triển phụ thuộc lớn vào Bắc Kinh.

Trên thị trường hàng hóa, giá dầu Brent ghi nhận mức giảm trong vòng 2 tuần qua. Trong khi đó, giá quặng sắt, một loại nguyên liệu xuất khẩu quan trọng của Brazil, Nga, Australia và Ấn Độ, đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 6 tháng qua. Chưa hết, giá đồng (mặt hàng xuất khẩu chủ lực) của Chile, Peru và Nga cũng đã sụt giảm 10% trong một tháng trở lại đây.

Những lo ngại liên quan tới Trung Quốc, vốn là nhà nhập khẩu chủ chốt dầu mỏ và các kim loại cơ bản, xuất phát từ nỗ lực của Bắc Kinh nhằm kiềm chế “bong bóng” tín dụng bắt đầu phình to, ngăn chặn nguy cơ vỡ nợ doanh nghiệp và mất kiểm soát thị trường bất động sản nội địa. Theo số liệu thống kê, đã có 9 vụ vỡ nợ trái phiếu xảy ra tại Trung Quốc trong 3 tháng đầu năm nay, một con số được coi là kỷ lục.

Chuyên gia tư vấn kinh tế và từng là nhà kinh tế trưởng tại Ngân hàng Đầu tư UBS, George Magnus cho rằng: “Sự mở rộng tín dụng là lý lo chính kéo thị trường tài chính Trung Quốc bùng nổ trong vòng 9 tháng qua, song hiện đã phát triển chậm lại sau các quy định thắt chặt về hoạt động cho vay chính thức. Đối với tôi, đây là tín hiệu đáng lo ngại nhất có thể khiến kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại giai đoạn từ nay tới cuối năm”.

Thêm vào đó, các nhà phân tích cho rằng, sản lượng công nghiệp của Trung Quốc tăng mạnh thời gian vừa qua sẽ khó có thể duy trì bền vững, bởi lẽ động lực của mức tăng sản lượng công nghiệp trong quý I là nhờ lạm phát giá hàng hóa và lượng thép dư thừa trong kho. Bên cạnh đó, giới phân tích còn cho rằng, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc đã chạm đỉnh và không còn nhiều “dư địa” cho mức tăng cao hơn, nhất là trong bối cảnh Bắc Kinh đang chuẩn bị cho giai đoạn chuyển tiếp chính trị quan trọng vào cuối năm nay.

Vì thế, sự ổn định bằng mọi giá là điều mà các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc quan tâm nhất tại thời điểm này. Vì thế, nếu xuất hiện bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy đầu tư cá nhân hay tiêu thụ nội địa chậm lại sau tháng 6/2017, có thể khi đó Chính phủ Trung Quốc sẽ lại nới lỏng chính sách tín dụng một lần nữa.

Maarten-Jan Bakkum, nhà phân tích thị trường đang nổi toàn cầu tại NN Investment Partners khẳng định, niềm tin của giới đầu tư thế giới phụ thuộc rất lớn vào Trung Quốc. Bất kỳ tín hiệu đáng thất vọng nào về tăng trưởng kinh tế nước này cũng sẽ làm “xói mòn” lòng tin đó nhanh chóng.

Tin bài liên quan