Những điều cần biết về nhân dân tệ

Những điều cần biết về nhân dân tệ

(ĐTCK) Việc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) liên tiếp hạ giá đồng nhân dân tệ (RMB) trong 3 ngày gần đây đang gây ra những xáo trộn lớn trên thị trường thế giới. Dưới đây là những điều cơ bản bạn cần biết để hiểu rõ hơn về đồng tiền cũng như thị trường tiền tệ của Trung Quốc.

1. Đồng nhân dân tệ là gì?

Đồng nhân dân tệ (renminbi), nghĩa là đồng tiền của người dân, được viết tắt bằng ký hiệu RMB, là đồng tiền chính thức của Trung Quốc. Trong các giao dịch thường ngày, người dân Trung Quốc thường sử dụng từ “yuan” để chỉ đồng tiền này.

2. Tỷ giá cố định là gì?

Hệ thống tỷ giá tại Trung Quốc được xem là hệ thống tỷ giá cố định. Đồng nhân dân tệ được giữ ở mức cố định khoảng 1 USD đổi 8,3 RMB cho tới năm 2005, khi PBOC quyết định sử dụng tỷ giá cố định nhưng có sự có sự điều chỉnh trong biên độ nhất định (crawling pegs).

Các nhà chức trách Trung Quốc quay trở lại sử dụng tỷ giá cố định trong khoảng thời gian xảy ra khủng hoảng tài chính từ 2008 - 2009 nhằm duy trì sự ổn định.

Từ năm 2010 cho tới nay, chế độ crawling pegs lại được áp dụng.

3. Chỉ số tham chiếu là gì?

PBOC công bố một tỷ giá chính thức vào mỗi buổi sáng, được coi như là tỷ giá tham chiếu trong ngày. Bằng cách bán và mua USD trên thị trường, PBOC sẽ đảm bảo đồng nhân dân tệ giao dịch trong ngày ở mức trên dưới 2% so với tỷ giá tham chiếu.

4. Tại sao lại có tỷ giá onshore (nội địa) và offshore (hải ngoại)?

Giới chức Trung Quốc sử dụng chính sách kiểm soát chặt chẽ dòng tiền, theo đó, đồng nhân dân tệ chủ yếu giao dịch trong thị trường nội địa, nơi nhà chức trách dễ dàng tạo ảnh hưởng lên tỷ giá.

Năm 2010, Chính phủ Trung Quốc bắt đầu giao dịch offshore tại Hồng Kông, nơi tỷ giá được quyết định bởi cung cầu trên thị trường, nhằm thúc đẩy quá trình đưa nhân dân tệ thành đồng tiền quốc tế. Mục tiêu cuối cùng là thống nhất 2 thị trường để đồng nhân dân tệ có thể trở thành đồng tiền hoàn toàn thả nổi.

Đồng nhân dân tệ tại thị trường hải ngoại (thường được viết tắt là CNH) sẽ được tự do trao đổi theo biến động thị trường, mặc dù nó thường có xu hướng bám sát tỷ giá nội địa (còn được gọi là CNY).

Trong ngày 12/8, tỷ giá CNH giảm 2,6% so với CNY, đây là khoảng cách lớn nhất kể từ khi thị trường offshore bắt đầu hoạt động cách đây 5 năm.

5. Điều gì đang thay đổi?

Ngày 11/8 vừa qua, PBOC gây bất ngờ đối với các nhà đầu tư quốc tế bằng cách để tỷ giá cố định nội địa giảm 1,9%, mức giảm mạnh nhất trong 1 ngày kể từ năm 1994. Giới chức Trung Quốc cho biết, họ đang thay đổi cách thức thiết lập tỷ giá nhằm để thị trường đóng vai trò lớn hơn trong việc quyết định tỷ giá.

Đây là bước đi đầu tiên trong mục tiêu sử dụng tỷ giá hối đoái thả nổi. Tuy nhiên, hành động này làm dấy lên nỗi lo ngại rằng giới chức Trung Quốc đang phá giá đồng nhân dân tệ để tạo lợi thế cạnh tranh cho hàng hóa xuất khẩu từ Đại lục. Điều này còn có thể châm ngòi nổ cho cuộc chiến hạ giá đồng tiền trên toàn cầu.

Hiện vẫn chưa rõ liệu việc hạ giá đồng nhân dân có được tiếp tục, tuy nhiên cơ chế tỷ giá của Trung Quốc đã thay đổi từ tỷ giá cố định sang tỷ giá có sự điều chỉnh biên độ, một kết quả tất nhiên của quyết tâm thay đổi thị trường ngoại hối tại Trung Quốc.

Tin bài liên quan