Ảnh AFP

Ảnh AFP

Nhận tin tốt, giới đầu tư vẫn thận trọng

(ĐTCK) Thông tin tích cực về khả năng Mỹ - Trung đã đạt được thỏa thuận để chấm dứt chiến tranh thương mại dường như đã được chiết khấu trước trong phiên trước đó, nên đà tăng trong phiên đầu tuần của chứng khoán thế giới không mạnh, ngoại trừ chứng khoán Trung Quốc.

Ngày 24/2, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố, ông sẽ hoãn việc tăng mức thuế đối với hàng hóa Trung Quốc, dự kiến được áp đặt vào ngày 1/3, viện dẫn "những tiến triển đáng kể" trong đàm phán thương mại Mỹ-Trung trong cuối tuần này.

Tổng thống Trump cho biết, ông sẽ lên kế hoạch một cuộc gặp thượng đỉnh với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago, bang Florida nhằm ký kết một thỏa thuận khi cho rằng cả hai bên đều đạt được tiến triển.

Thông tin trên cho thấy, nhiều khả năng Mỹ - Trung đã đạt được thỏa thuận để kết thúc cuộc chiến thương mại kéo dài 7 tháng qua và giúp phố Wall tăng khá tốt ngay khi mở cửa phiên giao dịch đầu tuần mới.

Tuy nhiên, đà tăng của cả 3 chỉ số chính của phố Wall đều hạ nhiệt sau đó khi nhà đầu tư trở nên thận trọng do phố Wall đã có chuỗi tăng điểm ấn tượng 8 tuần liên tiếp trước đó nhờ kỳ vọng vào cuộc đàm phán thương mại này, cũng như thái độ mềm mỏng hơn của Fed với kế hoạch tăng lãi suất.

Ngoài ra, dự báo về kết quả kinh doanh không mấy khả quan của các doanh nghiệp, cùng với phiên điều trần của Chủ tịch Fed Jerome Powell trước Thượng viện Mỹ vào thứ Ba cũng khiến giới đầu tư thận trọng.

Kết thúc phiên 25/2, chỉ số Dow Jones tăng 60,14 điểm (+0,23%), lên 26.091,95 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 3,44 điểm (+0,12%), lên 2.796,11 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 26,92 điểm (+0,36%), lên 7.554,46 điểm.

Tương tự, thông tin tích cực về cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung cũng hỗ trợ tích cực cho chứng khoán châu Âu tiếp tục duy trì đà tăng trong phiên giao dịch đầu tuần mới. Tuy nhiên, đà tăng cũng không mạnh do chịu tác động ngược của một số tập đoàn lớn báo cáo kết quả kinh doanh thất vọng.

Kết thúc phiên 25/2, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 5,14 điểm (+0,07%), lên 7.183,74 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 46,69 điểm (+0,42%), lên 11.505,39 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp tăng 16,01 điểm (+0,31%), lên 5.231,85 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, thông tin về việc Mỹ hoãn tăng thuế lên 25% với 200 tỷ USD hàng hóa từ Trung Quốc sau thời hạn chót 1/3 đã khiến giới đầu tư khu vực hứng khởi. Chứng khoán Nhật Bản hồi phục tăng trở lại, chứng khoán Hồng Kông tiếp tục duy trì sắc xanh, đặc biệt chứng khoán Trung Quốc đại lục có phiên bùng nổ tăng tới 5,6%, phiên tăng mạnh nhất trong 3 năm.

Kết thúc phiên 25/2, chỉ số Nikkei 255 tại Nhật Bản tăng 102,72 điểm (+0,48%), lên 21.528,23 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 157,06 điểm (+5,60%), lên 2.961,28 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 143,00 điểm (+0,50%), lên 28.959,30 điểm.

Giá vàng lại giao dịch giằng co trong phiên đầu tuần mới và đóng cửa gần như không đổi khi nhà đầu tư thận trọng chờ đợi các thông tin chính thức quan trọng.

Kết thúc phiên 25/2, giá vàng giao ngay giảm 0,8 USD (-0,06%), xuống 1.327,1 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 4 giảm 1,2 USD (-0,09%), xuống 1.329,5 USD/ounce.

Trong khi đó, giá dầu quay đầu lao dốc mạnh trong phiên đầu tuần sau khi Tổng thống Mỹ Trump kêu gọi OPEC giảm bớt nỗ lực tăng giá dầu thô, bởi theo ông giá dầu đang tăng quá cao.

Kết thúc phiên 25/2, giá dầu thô kỳ hạn Mỹ giảm 1,82 USD (-3,18%), xuống 55,44 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 2,33 USD (-3,46%), xuống 64,92 USD/thùng.

Tin bài liên quan