Ảnh AFP

Ảnh AFP

Nhận tin tích cực, giới đầu tư tự tin xuống tiền

(ĐTCK) Dữ liệu việc làm tích cực của Mỹ, cùng kỳ vọng về đàm phán thương mại Mỹ - Trung giúp giới đầu tư tự tin xuống tiền trong phiên cuối tuần qua (5/4).

Bộ Lao động cho biết, bảng lương phi nông nghiệp trong tháng 3 có thêm 196.000 việc làm, cao hơn so với mức dự báo 180.000 việc làm của các nhà kinh tế. Dữ liệu cho tháng 2 đã được điều chỉnh tăng lên mức tăng 33.000 việc làm thay vì 20.000 báo cáo trước đây, mức tăng nhỏ nhất kể từ tháng 9 năm 2017.

Dữ liệu việc làm vững chắc làm giảm nỗi lo suy thoái kinh tế vốn dấy lên đầu tuần trước đó khi đường cong lợi suất trái phiêu kho bạc Mỹ bị đảo ngược với lợi suất kỳ hạn 3 tháng cao hơn loại kỳ hạn 10 năm.

Dù số lượng việc làm tạo thêm gia tăng mạnh, nhưng đà tăng lương lại chậm lại trong tháng 3, ủng hỗ cho khả năng Fed sẽ không tăng lãi suất trong năm nay sau 3 năm tăng lãi suất liên tiếp. Điều này càng giúp củng cố niềm tin nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán, giúp nhà đầu tư yên tâm xuống tiền.

Dù vậy, đà tăng của phố Wall trong phiên cuối tuần không quá mạnh khi nhà đầu tư có phần thận trọng trước mùa công bố kết quả kinh doanh bắt đầu từ tuần tới với một số ngân hàng lớn. Theo dự báo, đây sẽ là quý đầu tiên lợi nhuận của các doanh nghiệp trong S&P 500 sụt giảm kể từ năm 2016.

Kết thúc phiên 5/4, chỉ số Dow Jones tăng 40,36 điểm (+0,36%), lên 26.424,99 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 13,35 điểm (+0,46%), lên 2.892,74 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 46,91 điểm (+0,59%), lên 7.938,69 điểm.

Trong tuần, chỉ số Dow Jones tăng 1,91%, chỉ số S&P 500 tăng 2,06%và Nasdaq Composite tăng 2,71%, tuần tăng thứ 2 liên tiếp của phố Wall.

Tương tự, hy vọng về việc Mỹ và Trung Quốc đạt được thỏa thuận để chấm dứt cuộc chiến thương mại kéo dài 9 tháng nay, chứng khoán châu Âu cũng duy trì đà tăng trong phiên cuối tuần, đóng cửa ở mức cao nhất 6 tháng.

Ngoài thông tin tích cực của cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung, chứng khoán châu Âu còn nhận được thông tin tích cực nội bộ. Cụ thể, dữ liệu vừa công bố cho thấy, thâm hụt thương mại của Pháp thấp hơn dự kiến và sản lượng công nghiệp của Đức tăng trong tháng 2.

Kết thúc phiên 5/4, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 44,93 điểm (+0,61%), lên 7.446,87 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 21,74 điểm (+0,18%), lên 12.009,75 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp tăng 12,40 điểm (+0,23%), lên 5.476,20 điểm.

Chuỗi tăng điểm liên tiếp trong tuần giúp chứng khoán châu Âu có tuần tăng điểm thứ 2 liên tiếp với mức tăng rất mạnh. Trong đó, chỉ số FTSE tăng 2,30%, chỉ số DAX tăng tới 4,20% và chỉ số CAC 40 tăng 2,35%.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, trong khi chứng khoán Hồng Kông và Trung Quốc đại lục ngày Tết Thanh minh, thì chứng khoán Nhật Bản duy trì đà tăng nhẹ khi nhà đầu tư phản ứng với triển vọng tích cực của cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung.

Kết thúc phiên 5/4, chỉ số Nikkei 255 tại Nhật Bản tăng 82,55 điểm (+0,38%), lên 21.807,50 điểm.

Sau tuần giảm trước đó, chứng khoán châu Á đồng loạt lấy lại đà tăng với mức tăng rất tốt trong tuần qua. Cụ thể, chỉ số Nikkei 225 tăng 2,84% sau ki giảm 1,95% trong tuần trước đó, chỉ số Hang Seng tăng 3,05% sau khi giảm 0,21% trong tuần trước đó và chỉ số Shanghai Composite tăng tới 5,04% sau khi giảm 0,43% trong tuần trước đó.

Giá vàng giảm trong phiên Á, Âu và đầu phiên Mỹ khi chứng khoán tăng với dữ liệu kinh tế khả quan, nhưng sau đó đảo chiều đi lên và đóng cửa gần như không đổi so với phiên đóng cửa trước đó.

Kết thúc phiên 5/4, giá vàng giao ngay giảm 0,5 USD (-0,04%), xuống 1.291,4 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 6 tăng 1,6 USD (+0,12%), lên 1.295,9 USD/ounce.

Sau 3 tuần giảm mạnh trước đó, giá vàng trái chiều trong tuần vừa qua, nhưng mức biến động không lớn. Cụ thể, trong tuần, giá vàng giao ngay giảm 0,05%, trong khi giá vàng tương lai giao tháng 6 tăng nhẹ 0,60%.

Với các dữ liệu kinh tế tích cực vừa công bố, xoa tan nỗi lo suy thoái kinh tế, cả giới phân tích và đầu tư dù phần lớn vẫn đặt cược vào đà tăng của giá vàng, nhưng đã thận trọng hơn nhiều so với tuần trước đó.

Cụ thể, trong 13 chuyên gia trả lời, có 7 người dự báo giá vàng tăng, chiếm 54%, thấp hơn so với con số 64% của tuần trước và 71% của tuần trước đó; có 3 người dự báo giá vàng sẽ giảm, chiếm 23%, cao hơn so nhiều so với con số 14% của tuần trước và 3 người dự báo giá sẽ đi ngang, chiếm 23%.

Tương tự, trong 534 người tham gia thảo sát trực tuyến, có 239 lượt dự báo giá vàng sẽ tăng tuần mới, chiếm  45%, thấp hơn so với con số 51% của tuần trước và 68% của tuần trước đó; 191 người dự báo giá vàng giảm, chiếm 36%, cao hơn so con số 32% của tuần trước và 104 người dự báo giá vàng sẽ đi ngang, chiếm 19%.

Dữ liệu việc làm mạnh mẽ của Mỹ giúp giảm nỗi lo suy thoái kinh tế, qua đó kích giá dầu tăng mạnh trong phiên cuối tuần qua. Ngoài ra, cuộc xung đột leo thang tại Lybia khiến nguồn cung có nguy cơ sụt giảm cũng hỗ trợ cho giá dầu thô tăng mạnh.

Kết thúc phiên 5/4, giá dầu thô kỳ hạn Mỹ tăng 0,98 USD (+1,55%), lên 63,08 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,94 USD (+1,34%), lên 70,34 USD/thùng.

Giá dầu thô Mỹ có tuần tăng thứ 5 liên tiếp với mức tăng 4,89%, giá dầu thô Brent cũng tăng tuần thứ 2 liên tiếp với mức tăng 2,85%.

Tin bài liên quan