Nhận tin mới, giới đầu tư chuyển hướng dòng tiền

Nhận tin mới, giới đầu tư chuyển hướng dòng tiền

(ĐTCK) Việc Thượng viện Mỹ thông qua kế hoạch cắt giảm thuế khiến giới đầu tư bán mạnh nhóm cổ phiếu công nghệ để chuyển hướng sang nhóm ngân hàng, bán lẻ trong phiên giao dịch đầu tuần mới.

Sau phiên giảm nhẹ cuối tuần trước, phố Wall đã có sự trái chiều trong phiên giao dịch đầu tuần mới. Trong khi Dow Jones tăng trở lại để thiếp lập mức cao kỷ lục mới trong phiên đầu tuần sau khi kế hoạch cắt giảm thuế của chính quyền Tổng thống Trump được Thượng viện Mỹ thông qua, kéo nhóm ngân hàng và bán lẻ tăng mạnh.

Trong khi đó, nhóm công nghệ - vốn đã tăng quá mạnh thời gian qua, bị bán tháo mạnh trong phiên để chuyển sang nhóm ngân hàng, bán lẻ khiến S&P 500 đảo chiều sau khi lên mức kỷ lục mới trong phiên và đặc biệt Nasdaq lao mạnh và chốt phiên với mức giảm hơn 1%.

Kết thúc phiên 4/12, chỉ số Dow Jones tăng 58,46 điểm (+0,24%), lên 24.290,05 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 2,78 điểm (-0,11%), xuống 2.639,44 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 72,22 điểm (-1,05%), xuống 6.775,37 điểm.

Trong khi đó, trái ngược với phố Wall, chứng khoán châu Âu lại đồng loạt tăng mạnh trong phiên giao dịch đầu tuần mới khi giới đầu tư phản ứng tích cực với việc Thương viện Mỹ thông qua kế hoạch cắt giảm thuế.

Ngoài ra, dữ liệu kinh tế tích cực vừa công bố cũng hỗ trợ cho chứng khoán châu Âu bứt phá trong phiên đầu tuần. Theo đó, ngành công nghiệp và xây dựng Anh đã hồi phục trong tháng 11 nhờ hoạt động xây dựng dân dụng gia tăng.

Kết thúc phiên 4/12, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 38,48 điểm (+0,53%), lên 7.338,97 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 197,06 điểm (+1,53%), lên 13.058,55 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 72,4 điểm (+1,36%), lên 5.389,29 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, sau chuỗi tăng liên tiếp tuần trước, chứng khoán Nhật Bản đã quay đầu giảm điểm trong phiên đầu tuần theo đà giảm của một số mã bluechip như SoftBank và Fanuc, cũng như nhóm công nghệ.

Chứng khoán Trung Quốc đại lục cũng tiếp tục giảm do nhóm công nghiệp, trong khi chứng khoán Hồng Kông lại đảo chiều tăng nhẹ nhờ sự hỗ trợ của Tencent.

Kết thúc phiên 4/12, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giàm 111,87 điểm (-0,49%), xuống 22.707,16 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 64,04 điểm (+0,22%), lên 29.138,28 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 8,00 điểm (-0,24%), xuống 3.309,62 điểm.

Dù chứng khoán giảm, nhưng giá vàng cũng không thể lấy đà để đi lên tiếp sau khi các dự báo cho thấy, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tăng lãi suất lần thứ 3 trong năm nay ngay trong tháng này. Ngoài ra, cơ quan này cũng được dự báo sẽ tăng thêm 3 lần nữa trong năm 2018 thay vì 2 lần như dự báo trước đây.

Thông tin này khiến đồng USD tăng khá mạnh trở lại trong phiên đầu tuần mới và gây áp lực, đẩy giá vàng điều chỉnh.

Kết thúc phiên 4/12, giá vàng giao ngay giảm 4 USD/ounce (-0,30%), xuống 1.275,6 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12 giảm 5,4 USD/ounce (-0,42%), xuống 1.274,3 USD/ounce.

Trên thị trường năng lượng, sau khi hồi phục tốt trong 2 phiên cuối tuần với thông tin OPEC và các nước sản xuất lớn khác ngoài khối đạt được thỏa thuận mở rộng cắt giảm sản lượng đến cuối năm 2018, giá dầu thô đã đồng loạt giảm mạnh trong phiên đầu tuần mới do áp lực chốt lời, cùng với việc đồng USD tăng.

Kết thúc phiên 4/12, giá dầu thô Mỹ giảm 0,89 USD (-1,53%), xuống 57,47 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 1,28 USD (-2,02%), xuống 62,45 USD/thùng.

Tin bài liên quan