Ảnh AFP

Ảnh AFP

Nhận nhiều tin tốt, giới đầu tư vẫn tỏ ra dè dặt

(ĐTCK) Trong phiên cuối tuần trước (1/2), dù nhận nhiều thông tin tích cực về cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung, thị trường lao động Mỹ, nhưng giới đầu tư lại thận trọng với Fed, bởi việc Fed thận trọng tăng lãi suất giống như con dao 2 lưỡi.

Trong ngày thứ Sáu tuần trước, Bộ Lao động Mỹ công bố dữ liệu cho thấy, bảng lương phi nông nghiệp trong tháng trước của Mỹ tăng 304.000 việc làm, mức tăng lớn nhất kể từ tháng 2 năm 2018. Dữ liệu việc làm đã giúp giới đầu tư trên phố Wall hào hứng mua vào, đẩy các chỉ số chính tăng điểm mạnh.

Tuy nhiên, về cuối phiên thị trường hạ nhiệt, thậm chí Nasdaq đánh mất thành quả khi chốt phiên cuối tuần khi giới đầu tư lo lắng về tuyên bố thận trọng trong tăng lãi suất của Fed như con dao 2 lưỡi báo hiệu về đà tăng trưởng không vững của nền kinh tế.

Kết thúc phiên 1/2, chỉ số Dow Jones tăng 64,22 điểm (+0,26%), lên 25.063,89 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 2,43 điểm (+0,09%), lên 2.706,53 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 17,87 điểm (-0,25%), xuống 7.263,87 điểm.

Trong tuần, Dow Jones tăng 1,32%, S&P 500 tăng 1,57% sau khi điều chỉnh 0,22% tuần trước, trong khi Nasdaq có được tuần tăng thứ 6 liên tiếp với mức tăng 1,38%.

Trong khi đó, chứng khoán châu Âu tiếp tục có phiên tăng điểm tích cực cuối tuần nhờ dữ liệu việc làm của Mỹ để kéo dài chuỗi tuần tăng điểm liên tiếp trong năm mới 2019 lên 5 tuần liên tiếp.

Ngoài ra, thông tin về cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung có tiến triển tốt cũng hỗ trợ tâm lý nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán châu Âu.

Kết thúc phiên 1/2, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 51,37 điểm (+0,74%), lên 7.020,22 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 7,56 điểm (+0,07%), lên 11.180,66 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp tăng 26,54 điểm (+0,53%), lên 5.019,26 điểm.

Trong tuần, chỉ số FTSE 100 tăng 3,1% sau khi giảm 2,28% trong tuần trước. Trong khi đó, chỉ số DAX đảo chiều giảm 0,9% sau 4 tuần tăng liên tiếp, còn chỉ số CAC 40 tăng 1,9%, tuần tăng thứ 5 liên tiếp.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, thị trường chứng khoán Nhật Bản gần như không đổi do kết quả kinh doanh yếu kém Nomura Holdings và Nintendo bù đắp cho hiệu ứng tích cực nhờ phiên tăng mạnh của phố Wall phiên tối trước đó. Chứng khoán Hồng Kông cũng diễn biến tương tự, nhưng đóng cửa trong sắc đỏ, trong khi chứng khoán Trung Quốc tăng mạnh trong phiên giao dịch cuối cùng trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán dài ngày.

Kết thúc phiên 1/2, chỉ số Nikkei 255 tại Nhật Bản tăng 14,9 điểm (+0,06%), lên 20.788,39 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 33,66 điểm (+1,30%), lên 2.618,23 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 11,73 điểm (-0,04%), xuống 27.930,74 điểm..

Trong tuần, chỉ số Nikkei 225 tăng 0,07%, tuần tăng thứ 4 liên tiếp, còn chỉ số Hang Seng tăng 1,13% và Shanghai composite tăng 0,63%, tuần tăng thứ 5 liên tiếp của 2 chỉ số này.

Giống chứng khoán, giá vàng cũng lình xình trong phiên cuối tuần trước và đóng cửa giảm nhẹ.

Kết thúc phiên 1/2, giá vàng giao ngay giảm 3,6 USD (-0,27%), xuống 1.317,1 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 2 giảm 2,8 USD (-0,21%), xuống 1.316,9 USD/ounce.

Trong tuần, giá vàng giao ngay tăng 1,11%, giá vàng tương lai tăng 1,45%. Tuần tăng thứ 2 liên tiếp của giá vàng.

Dù điều chỉnh trong phiên cuối tuần, nhưng giới đầu tư và các nhà phân tích vẫn đặt nhiều kỳ vọng vào đà tăng tiếp của giá vàng trong tuần mới.

Cụ thể, trong 16 chuyên gia trả lời, có 10 người dự báo giá vàng tăng, chiếm 63%, thấp hơn so với con số 73% của tuần trước; có 2 người dự báo giá vàng sẽ giảm, chiếm 13%, cao hơn con số 6% của tuần trước; và 4 người dự báo giá vàng sẽ đi ngang, chiếm 25%. 

Trong khi đó, trong 561 người tham gia thảo sát trực tuyến, có 357 lượt dự báo giá vàng sẽ tăng tuần mới, chiếm 64%, cao hơn con số 47% của tuần trước; 135 người dự báo giá vàng giảm, chiếm 24%, thấp hơn con số 29% của tuần trước và 69 người dự báo giá vàng sẽ đi ngang, chiếm 12%.

Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô Mỹ tiếp tục tăng mạnh, trong khi giá dầu thô Brent giao dịch ổn định sau phiên tăng mạnh nhất kể từ 21/11/2018. Trong tuần, giá dầu thô tăng mạnh nhờ các thông tin về việc hạn chế nguồn cung. Ngoài việc Mỹ đưa ra lời đe dọa trừng phạt Venezuela, thì Nga, OPEC cắt giảm sản lượng cũng ủng hộ cho giá dầu thô tuần qua.

Kết thúc phiên 1/2, giá dầu thô kỳ hạn Mỹ tăng 1,47 USD (+2,66%), lên 55,26 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,02 USD (-0,03%), xuống 62,27 USD/thùng.

Trong tuần, giá dầu thô Mỹ tăng 2,9%, trong khi giá dầu thô Brent tăng 1,02%.

Tin bài liên quan