Ảnh AFP

Ảnh AFP

Nhận nhiều tin tốt, giới đầu tư hứng khởi

(ĐTCK) Kết quả kinh doanh khả quan của một số tập đoàn vừa công bố, cùng khả năng về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giảm lãi suất trong cuộc họp tuần này tăng cao giúp giới đầu tư hào hứng trong phiên giao dịch cuối tuần qua (26/7).

Theo báo cáo kết quả kinh doanh vừa công bố, Alphabet – công ty mẹ của Google công bố doanh thu quý II/2019 đạt 31,7 tỷ USD, cao hơn mức dự báo 30,84 tỷ USD của giới phân tích. Sau thông tin trên, cùng với công bố mua lại 25 tỷ USD cổ phiếu quỹ, cổ phiếu Alphabet đã tăng vọt 9,6%.

Ngoài ra, cổ phiếu Twitter cũng tăng 8,9% sau khi cho biết doanh thu quý đạt 841 triệu USD, mức cao nhất trong hai năm qua và vượt qua dự đoán 829 triệu USD của Phố Wall.

Bên cạnh đó, Starbucks và McDonald’s cũng công bố kết quả kinh doanh khả quan, góp phần đẩy các chỉ số chính của phố Wall tăng trong phiên cuối tuần sau phiên điều chỉnh hôm thứ Năm, nhất là S&P 500 và Nasdaq.

Phiên tăng điểm phiên cuối tuần này giúp S&P 500 và Nasdaq lấy lại cả vốn lẫn lãi đã mất trong phiên thứ Năm để thiết lập đỉnh lịch sử mới.

Ngoài ra, thông tin kinh tế vĩ mô tích cực cũng góp phần hỗ trợ phố Wall. Cụ thể, Bộ Thương mại Mỹ cho biết, GDP quý II tăng 2,1% so với năm trước, cao hơn mức dự báo 1,8% của các nhà kinh tế được thăm dò bởi Reuters. Tuy nhiên, mức tăng trưởng này thấp hơn so với mức 3,1% trong quý I/2019. Điều này càng củng cố khả năng Fed sẽ cắt giảm lãi suất trong cuộc họp diễn ra tuần này.

Các nhà đàm phán chính cho Trung Quốc và Mỹ sẽ gặp nhau tại Thượng Hải vào thứ Ba trong cuộc đàm phán kéo dài hai ngày nhằm giải quyết cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung. Kết quả của những cuộc thỏa thuận này sẽ ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư.

Kết thúc phiên 26/7, chỉ số Dow Jones tăng 51,47 điểm (+0,19%), lên 27.192,45 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 22,19 điểm (+0,74%), lên 3.025,86 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 91,67 điểm (+1,11%), lên 8.330,21 điểm.

Với liên tục những phiên thiết lập đỉnh mới, phố Wall đã nhanh chóng tăng trở lại sau tuần điều chỉnh trước đó. Cụ thể, trong tuần, chỉ số Dow Jones tăng 0,14% sau khi giảm 0,65% tuần trước; chỉ số S&P 500 tăng 1,65% sau khi giảm 1,23% tuần trước; và chỉ số Nasdaq Composite tăng 2,26% sau khi giảm 1,18% tuần trước đó.

Tương tự, kết quả kinh doanh ấn tượng của một số doanh nghiệp lớn như Vodafone, Nestle. Ngoài ra, việc Vodafone đồng ý triển khai 5G tại Ý và hợp nhất một số công ty mảng di động giúp nhóm cổ phiếu viễn thông tăng mạnh trong phiên cuối tuần, hỗ trợ cho các chỉ số chính của khu vực tăng điểm.

Kết thúc phiên 26/7, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 60,01 điểm (+0,80%), lên 7.549,06 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 57,80 điểm (+0,47%), lên 12.419,90 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp tăng 32,00 điểm (+0,57%), lên 5.610,05 điểm.

Trong tuần, chỉ số FTSE 100 tăng 0,54%, tuần tăng thứ 2 liên tiếp, còn chỉ số DAX và CAC 40 cũng chấm dứt chuỗi 2 tuần giảm liên tiếp trước đó khi lần lượt tăng 1,30% và 1,04%.

Trong khi đó, thị trường chứng khoán châu Á lại trái chiều trong phiên cuối tuần. Trong khi chứng khoán Nhật Bản và Hồng Kông theo chân phố Wall sụt giảm do ảnh hưởng của nhóm cổ phiếu công nghệ, thì chứng khoán Trung Quốc lại duy trì đà tăng nhẹ nhờ sự hỗ trợ của nhóm cổ phiếu công nghệ thông tin.

Kết thúc phiên 26/7, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 98,40 điểm (-0,45%), xuống 21.658,15 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 7,18 điểm (+0,24%), lên 2.944,54 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 196,56 điểm (-0,69%), xuống 28.397,74 điểm.

Dù điều chỉnh trong phiên cuối tuần, nhưng trong tuần, chỉ số Nikkei 225 vẫn tăng 0,89%, chấm dứt chuỗi 2 tuần giảm liên tiếp trước đó. Trong khi đó, chỉ số Hang Seng quay đầu giảm 1,28% sau khi hồi 1,03% tuần trước đó. Chỉ số Shanghai Composite cũng chấm dứt 2 tuần giảm liên tiếp bằng tuần tăng 0,70%.

Kỳ vọng về khả năng Fed sẽ giảm lãi suất sau dữ liệu kinh tế mới công bố cho thấy kinh tế Mỹ đang tăng trưởng chậm lại giúp giá vàng hồi phục sau phiên lao dốc hôm thứ Năm.

Kết thúc phiên 26/7, giá vàng giao ngay tăng 4,3 USD (+0,30%), lên 1.418,3 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 8 tăng 4,6 USD (+0,33%), lên 1.419,3 USD/ounce.

Dù hồi lại trong phiên cuối tuần, nhưng với phiên giảm mạnh hôm thứ Năm, giá vàng có tuần điều chỉnh sau 2 tuần tăng liên tiếp trước đó. Cụ thể, chốt tuần, giá vàng giao ngay giảm 0,47%, giá vàng tương lai giảm 0,52%.

Sau tuần rất lạc quan trước đó, giới đầu tư và phân tích đã có cái nhìn thận trọng hơn với xu hướng của giá vàng trong tuần mới, dù tỷ lệ dự báo giá vàng tiếp tục tăng vẫn chiếm ưu thế.

Cụ thể, trong 16 chuyên gia trả lời, có 8 người dự báo giá vàng tăng, chiếm 50%, thấp hơn nhiều so với mức 67% của tuần trước. Có 3 người dự báo giá sẽ giảm, chiếm 19%, thấp hơn con số 25% của tuần trước và 5 người dự báo giá vàng đi ngang, chiếm 31%.

Tương tự, trong 953 người tham gia trả lời khảo sát trực tuyến, có 580 người dự báo giá sẽ tăng, chiếm 61%, thấp hơn so với con số 74% của tuần trước, 430 người dự báo giá sẽ giảm, chiếm 23%, cao hơn so với mức 15% của tuần trước và 150 người dự báo giá đi ngang, chiếm 16%.

Giá dầu thô duy trì đà tăng sau dữ liệu kinh tế Mỹ được công bố. Tuy nhiên, mức tăng rất khiêm tốn.

Kết thúc phiên 26/7, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 0,18 USD (+0,32%), lên 56,20 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,07 USD (+0,11%), lên 63,46 USD/thùng.

Căng thẳng địa chính trị gia tăng, cùng kho dự trữ dầu thô của Mỹ giảm mạnh đã giúp giá dầu thô hồi nhẹ trở lại sau tuần giảm mạnh trước đó. Cụ thể, trong tuần, giá dầu thô Mỹ tăng 1,02% sau khi mất 7,61% tuần trước đó, giá dầu thô Brent cũng tăng 1,58% sau khi giảm 6,44% tuần trước đó.

Tin bài liên quan