Ảnh AFP

Ảnh AFP

Nhận hàng loạt tin tốt, giới đầu tư ồ ạt xuống tiền

(ĐTCK) Nhận thông tin tích cực từ báo cáo việc làm Mỹ và thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung đã giúp chứng khoán toàn cầu khởi sắc trong phiên cuối tuần trước (6/12).

Theo báo cáo của Bộ Lao động Mỹ công bố hôm thứ Sáu, nền kinh tế Mỹ tạo thêm 266.000 việc làm trong tháng 11, mức tăng lớn nhất trong 10 tháng, trong khi tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống 3,5%.

Báo cáo này cho thấy sức khỏe của nền kinh tế Mỹ vẫn được duy trì và mang lại niềm tin cho các doanh nghiệp về sức khỏe nền kinh tế Mỹ.

Không chỉ nhận tin tích cực từ dữ liệu kinh tế, giới đầu tư còn nhận tin tích cực từ đàm phán thương mại Mỹ - Trung. Cụ thể, ông Larry Kudlow, Cố vấn Nhà trắng cho biết, các cuộc đàm phán giữa 2 bên mang tính xây dựng và đang ở rất gần một thỏa thuận. Thông tin tích cực này đưa ra khi ngày 15/12 – thời hạn Mỹ đánh thuế mới với hàng hóa Trung Quốc đến gần.

Nhận những tin tức tích cực liên tiếp, phố Wall đã có phiên giao dịch khởi sắc cuối tuần qua khi cả 3 chỉ số đều tăng mạnh trên dưới 1%. Ngoại trừ nhóm cổ phiếu tiện ích, còn lại 10 chỉ số thành phần khác đều tăng điểm, trong đó các nhóm ngành nhạy cảm với thương chiến như tài chính, dầu thô, công nghiệp tăng mạnh nhất.

Kết thúc phiên 6/12, chỉ số Dow Jones tăng 337,27 điểm (+1,22%), lên 28.015,06 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 28,48 điểm (+0,91%), lên 3.145,91 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 85,83 điểm (+1,00%), lên 8.656,53 điểm.

Dù tăng mạnh phiên cuối tuần, nhưng Dow Jones và Nasdaq vẫn giảm nhẹ trở trong tuần qua, trong khi S&P 500 lại có tuần tăng thứ 2 liên tiếp, dù mức tăng khiêm tốn hơn nhiều tuần trước đó. Cụ thể, trong tuần, Dow Jones giảm 0,13%, Nasdaq giảm 0,10%, còn S&P 500 tăng 0,16%.

Thị trường chứng khoán châu Âu cũng tăng vọt trong phiên thứ Sáu tuần trước sau khi dữ liệu việc làm ấn tượng của Mỹ, cùng với những tuyên bố tích cực từ Washington về các cuộc đàm phán thương mại với Trung Quốc.

Kết thúc phiên 6/12, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 101,81 điểm (+1,43%), lên 7.239,66 điểm. Chỉ số DAX tăng 111,78 điểm (+0,86%), lên 13.166,58 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp tăng 70,37 điểm (+1,21%), lên 5.871,91 điểm.

Tương tự phố Wall, dù tăng mạnh phiên cuối tuần, nhưng những phiên giảm mạnh trước đó khiến chứng khoán châu Âu quay đầu điều chỉnh trở lại trong tuần qua. Cụ thể, trong tuần, chỉ số FTSE 100 giảm 1,45%, chỉ số DAX giảm 0,53% và chỉ số CAC40 giảm 0,56%.

Chứng khoán châu Á cũng tăng điểm đồng loạt trong phiên cuối tuần qua khi nhà đầu tư hứng khởi với các thông tin tích cực từ thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung.

Kết thúc phiên 6/12, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 54,31 điểm (+0,23%), lên 23.354,40 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 12,55 điểm (+0,43%), lên 2.912,01 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 281,33 điểm (+1,07%), lên 26.498,37 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul tăng 21,11 điểm (+1,02%), lên 2.081,85 điểm.

Phiên tăng tốt cuối tuần giúp các thị trường chứng khoán châu Á đồng loạt tăng điểm tốt trong tuần qua, trong đó chứng khoán Nhật Bản có tuần tăng thứ 2 liên tiếp. Cụ thể, trong tuần, chỉ số Nikkei 225 tăng 0,26%, chỉ số Hang Seng tăng 0,58%, chỉ số Shanghai Composite tăng 1,39%, trong khi và chỉ số Kospi giảm 0,29%, tuần giảm thứ 2 liên tiếp.

Sự hứng khởi của thị trường chứng khoán với các thông tin tích cực về kinh tế và thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung khiến giá vàng lao dốc trong phiên cuối tuần qua.

Kết thúc phiên 6/12, giá vàng giao ngay giảm 15,8 USD (-1,08%), xuống 1.459,7 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12 giảm 17,8 USD (-1,21%), xuống 1.459,1 USD/ounce.

Phiên lao dốc cuối tuần lấy hết thành quả của các phiên trong tuần, qua đó khiến giá vàng điều chỉnh trở lại sau tuần hồi nhẹ trước đó. Cụ thể, trong tuần, giá vàng giao ngay giảm 0,29% và giá vàng tương lai giảm 0,44%.

Đặt kỳ vọng lớn vào thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung, cùng với dữ liệu lao động tích cực vừa công bố, giới phân tích có cái nhìn khá tiêu cực về xu hướng giá vàng tuần tới, trong khi giới đầu tư lại đặt cược vào đà tăng trở lại của giá vàng.

Cụ thể, trong 16 chuyên gia trả lời tuần này, chỉ có 4 người dự báo giá vàng sẽ tăng trong tuần mới, chiếm 27%, trong khi có 7 người, chiếm 44% dự báo giá vàng sẽ giảm và 5 người dự báo đi ngang, chiếm 31%.

Ngoài thông tin tích cực về kinh tế Mỹ, thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung, giá dầu thô còn nhận tin tích cực nữa là OPEC và các đồng minh đã thỏa thuận kéo dài thời gian cắt giảm sản lượng tới năm 2020. Vì vậy, giá dầu thô cũng có phiên tăng mạnh cuối tuần qua.

Kết thúc phiên 6/12, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 0,77 USD (+1,30%), lên 59,20 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 1,00 USD (+1,55%), lên 64,39 USD/thùng.

Sau tuần điều chỉnh mạnh tuần trước, giá dầu thô đã lấy lại cả vốn lẫn lãi trong tuần giao dịch vừa qua nhờ thông tin OPEC và đồng minh gia hạn thời gian cắt giảm sản lượng. Cụ thể, trong tuần, giá dầu thô Mỹ tăng 7,30%, giá dầu thô Brent tăng 3,14%.

Tin bài liên quan