Nhà đầu tư tiếp tục đặt cược vào kết quả kinh doanh quý II

Nhà đầu tư tiếp tục đặt cược vào kết quả kinh doanh quý II

(ĐTCK) Kỳ vọng kết quả kinh doanh lạc quan cùa các doanh nghiệp trong quý II/2018, giới đầu tư bỏ quan nỗi lo chiến tranh thương mại để tiếp tục xuống tiền vào chứng khoán.

Kỳ vọng vào mùa công bố kết quả kinh doanh khả quan sau chính sách giảm thuế của chính quyền Tổng thống Trump, phố Wall tiếp tục tăng điểm trong phiên thứ Ba, phiên tăng thứ 3 liên tiếp, trong đó chỉ số S&P 500 lên mức cao nhất 5 tháng.

Kết thúc phiên 10/7, chỉ số Dow Jones tăng 143,07 điểm (+0,58%), lên 24.919,66 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 9,67 điểm (+0,35%), lên 2.793,84 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 3 điểm (+0,04%), lên 7.759,20 điểm.

Chứng khoán châu Âu cũng duy trì đà tăng khá tốt trong phiên thứ Ba khi nhà đầu tư chuyển từ nỗi lo về cuộc chiến thương mại để hướng sang mùa công bố kết quả kinh doanh quý II với những dự báo đầy khả quan.

Kết thúc phiên 10/7, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 4,05 điểm (+0,05%), lên 7.682,04 điểm. Chỉ số DAX 30 tại Đức tăng 65,96 điểm (+0,53%), lên 12.609,85 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 36,25 điểm (+0,67%), lên 5.434,36 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, chứng khoán Nhật Bản tiếp tục có phiên tăng tốt lên mức cao nhất 1 tuần rưỡi khi nhà đầu tư phản ứng tích cực với phiên khởi sắc tối hôm trước của phố Wall. Chứng khoán Trung Quốc cũng tiếp tục có được đà tăng khi Ngân hàng Trung ương yêu cầu các ngân hàng giảm lãi suất cho vay đối với các công ty nhỏ trong quý III/2018 nhằm đối phó với cuộc chiến thương mại có thể xảy ra.

Trong khi đó, chứng khoán Hồng Kông đảo chiều giảm nhẹ khi nhà đầu tư trên thị trường này phản ứng với dữ liệu kinh tế không mấy lạc quan của Trung Quốc. Cụ thể, Trung tâm Thông tin Nhà nước Trung Quốc (SCI) cho biết, tăng trưởng nền kinh tế dự kiến giảm xuống khoảng 6,6% trong nửa cuối năm nay và dự báo lạm phát tiêu dùng khoảng 1,8% và lạm phát giá sản xuất sẽ tăng lên khoảng 2,5%.

Kết thúc phiên 10/7, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 144,71 điểm (+0,66%), lên 22.196,89 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 6,25 điểm (-0,02%), xuống 28.682,25 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 12,52 điểm (+0,44%), lên 2.827,63 điểm.

Trên thị trường vàng, dù có lúc giảm xuống sát ngưỡng 1.245 USD/ounce, nhưng giá vàng chủ yếu lình xình quanh mốc 1.255 USD/ounce để tìm động lực, trước khi đóng cửa giảm nhẹ do đồng USD hồi phục.

Kết thúc phiên 10/7, giá vàng giao ngay giảm 2,2 USD (-0,18%), xuống 1.257,2 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 8 giảm 4,2 USD (-0,33%), xuống 1.255,4 USD/ounce.

Giá dầu thô đồng loạt tăng trong phiên thứ Ba khi nhận được thông tin hỗ trợ từ dữ liệu tồn kho của Mỹ và thông tin từ Na Uy, cũng như Lybia.

Theo đó, số liệu vừa được Viện Dầu khí Mỹ (API) công bố cho thấy, kho dự trữ dầu thô của Mỹ trong tuần trước bất ngờ giảm 6,8 triệu thùng, mức giảm lớn hơn dự kiến.

Trong khi đó, cuộc đình công tại một giàn khoan ngoài khơi của Na Uy khiến một mỏ dầu của Shell phải tạm dừng. Trong khi đó, sản lượng khai thác của Lybia lại giảm một nửa trong tháng 5 xuống 527.000 thùng/ngày.

Kết thúc phiên 10/7, giá dầu thô Mỹ tăng 0,26 USD (+0,35%), lên 74,11 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,79 USD (+1,00%), lên 78,86 USD/thùng.

Tin bài liên quan