Nhà đầu tư lạc quan, nhưng giới chuyên gia lại thận trọng với đà tăng của chứng khoán

Nhà đầu tư lạc quan, nhưng giới chuyên gia lại thận trọng với đà tăng của chứng khoán

(ĐTCK) Thị trường chứng khoán đang quá lạc quan về sự phục hồi của đại dịch Covid-19, trong khi các nhà đầu tư kinh nghiệm trên thị trường đang thận trọng hơn với đà tăng vừa qua

Lan Harnett, đồng sáng lập và trưởng bộ phận chiến lược đầu tư tại Absolute Strategy Research cho biết, lợi nhuận của các doanh nghiệp sẽ mất nhiều thời gian hơn để phục hồi sau đại dịch so với dự kiến.

“Chúng tôi đã nghĩ rằng lợi nhuận sẽ giảm từ 30 - 50% trong năm nay đối với các doanh nghiệp, trong lịch sử khủng hoảng tài chính năm 2008, thị trường phải cần tới 2 năm để hồi phục. Chính vì vậy, để cuộc khủng hoảng này hồi phục nhanh chóng sẽ khó diễn ra”, Lan Harnett cho biết.

Hàng loạt doanh nghiệp trên khắp thế giới như Lyft, Apple, AirFrance-KLM và PepsiCo đã đồng loạt không công bố báo cáo ước tính lợi nhuận như trước đây, bởi diễn biến không chắc chắn từ đại dịch Covid-19 gây ra. Trong khảo sát, chỉ có 25% các công ty trong danh sách chỉ số S&P 500 công bố ước tính lợi nhuận quý.

Thị trường tài chính đã biến động mạnh kể từ khi đại dịch Covid-19 diễn ra. Tại Mỹ, thị trường chứng khoán chứng kiến quý đầu tiên tồi tệ nhất sau khi đại dịch bùng phát, nhưng cũng ngay sau đó vào tháng 4 với hy vọng về thuốc điều trị, vắc xin phòng dịch và số ca nhiễm giảm xuống bên cạnh kỳ vọng chính phủ mở cửa lại nền kinh tế, thị trường đã hồi phục mạnh. Điều tương tự cũng diễn ra ở thị trường chứng khoán châu Âu.

Tuy nhiên, thị trường chứng khoán toàn cầu bắt đầu giảm điểm vào ngày thứ Năm (14/5) sau khi Chủ tịch Fed, ông Jerome Powell đưa ra cảnh báo nền kinh tế vẫn đang đối mặt với những rủi ro liên quan đến đại dịch Covid-19.

Lan Harnett cảnh báo các nhà đầu tư đang kỳ vọng không thực tế về thu nhập năm 2021, khi họ dự kiến lợi nhuận ròng của các doanh nghiệp trong chỉ số S&P 500 sẽ tăng hơn 20% vào năm tới, đây thực sự không thực tế.

“Chúng tôi nghĩ thị trường sẽ đón nhận cú sốc trong 2 năm tới khi lợi nhuận có thể điều chỉnh mạnh, nhưng hiện tại thị trường tài chính vẫn chưa phản ảnh những khó khăn của doanh nghiệp trong 2 năm tới”, Lan Harnett cho biết.

Trong khi các thị trường chứng khoán toàn cầu thời gian gần đây được hỗ trợ bởi những đợt bơm tiền lớn từ chính phủ và Ngân hàng Trung ương, Lan Harnett nói rằng, ông không tin việc bơm tiền tạo thanh khoản có thể giúp cải thiện tình hình doanh nghiệp, điều này chỉ có mục đích hỗ trợ thanh khoản cho nhóm ngân hàng.

“Điều mà chúng tôi không nhìn thấy ở khía cách các chính sách kích cầu tài khoá và tiền tệ là nó đủ để thúc đẩy nền kinh tế hồi phục nhanh chóng, thay vì chỉ là ổn định hiện tại. Quan tâm của chúng tôi là cho tới khi nào có những dấu hiệu đồng USD giảm giá, thì đó là dấu hiệu cho thấy nền kinh tế có đủ thanh khoản, khi đó nền kinh tế mới thực sự có thể bắt đầu hồi phục”, Lan Harnett cho biết.

Nói về chiến lược đầu tư, Lan Harnett cho rằng: “Chúng tôi vẫn thích ngành chăm sóc sức khoẻ hơn là ngành tài chính, tôi vẫn nghiêng về sự thận trọng đối với thị trường và chờ đợi cơ hội”.

Đồng quan điểm, Mobeen Tahir, Phó giám đốc nghiên cứu tại WisdomTree nói với CNBC hôm thứ Tư rằng, thị trường cổ phiếu đã không phản ảnh đúng với tình hình nền kinh tế.

Tương tự, Frederique Carrier, Trưởng bộ phận Đầu tư tại RBC Wealth Management đã cảnh báo nền kinh tế sẽ chỉ hồi phục lại trước khi có dịch ít nhất là đầu năm 2022.

Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) đã cảnh báo rằng nền kinh tế toàn cầu đang đối mặt với cuộc suy thoái lớn nhất kể từ cuộc suy thoái năm 1930 tới nay. Ước tính GDP toàn thế giới sẽ giảm 3% trong năm nay.  

Tin bài liên quan