Nhà đầu tư hoảng sợ, đồng loạt bán tháo

Nhà đầu tư hoảng sợ, đồng loạt bán tháo

(ĐTCK) Lo ngại về áp lực lạm phát khi thị trường lao động khởi sắc, lương công nhân tăng, cùng lợi suất trái phiếu tăng mạnh, nhà đầu tư đồng loạt bán tháo trên các thị trường trong phiên thứ Sáu tuần trước.

Theo Bộ Lao động Mỹ, số công việc tạo thêm trong tháng 1 tăng hơn 200.000 việc làm, trong khi tiền lương nhân công tăng 2,9%, lên mức cao nhất kể từ năm 2009, làm gia tăng áp lực lên lạm phát, qua đó càng gia tăng khả năng Fed sẽ tăng lãi suất 4 lần trong năm nay như dự kiến. Điều này khiến giới đầu tư lo lắng nền kinh tế sẽ bước vào thời kỳ suy thoái như trước đó gần 10 năm, khiến lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng lên mức 3,5%, mức cao nhất kể từ tháng 4/2011.

Những dữ liệu kinh tế mới công bố khiến giới đầu tư đồng loạt bán tháo trong phiên cuối tuần trước, kéo cả 3 chỉ số chính của phố Wall lao đốc. Trong đó, chỉ số Dow Jones có phiên giảm mạnh nhất kết từ tháng 12/2008, thời điểm diễn ra cuộc khủng hoảng tài chính.

Phiên lao dốc này cũng khiến Dow Jones và S&P 500 có tuần giảm mạnh nhất kể từ tháng 1/2016 và Nasdaq cũng có tuần thiệt hại nhất kể từ tháng 2/2016.

Tất cả 11 chỉ số ngành của S&P 500 đều giảm điểm trong phiên này, trong đó mất điểm mạnh nhất là nhóm cổ phiếu công nghệ.

Trong khi đó, chỉ số VIX đo lường sự sợ hãi của phố Wall tăng hơn 4 điểm, lên mức 17,86 điểm, cao nhất kể từ tháng 11/2016, còn giao dịch quyền chọn chỉ số VIX lên mức cao lịch sử.

Kết thúc phiên 2/2, chỉ số Dow Jones giảm 665,75 điểm (-2,54%), xuống 25.520,96 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 59,85 điểm (-2,12), xuống 2.762,13 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 144,92 điểm (-1,96%), xuống 7.240,95 điểm.

Trong tuần, chỉ số Dow Jones giảm 4,12%, chỉ số S&P 500 giảm 3,82%, mức giảm theo tuần lớn nhất của 2 chỉ số này kể từ tháng 1/2016; Nasdaq cũng giảm 3,53%, mức giảm theo tuần lớn nhất kể từ tháng 2/2016. Tuần giảm mạnh này cũng chấm dứt chuỗi 4 tuần tăng liên tiếp trước đó của phố Wall.

Chứng khoán châu Âu cũng đồng loạt lao dốc trong phiên cuối tuần qua khi nhận những thông tin không mấy khả quan từ bên kia bờ Đại Tây Dương. Ngoài ra, kết quả kinh doanh thất vọng của Deutsche Bank cũng kéo nhóm cổ phiếu ngân hàng châu Âu giảm mạnh, góp phần khiến chỉ số chứng khoán chung của khu vực có tuần giảm mạnh nhất 1 năm.

Kết thúc phiên 2/2, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 46,96 điểm (-0,63%), xuống 7.443,43 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 218,74 điểm (-1,68%), xuống 12.785,16 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 89,57 điểm (-1,64%), xuống 5.364,98 điểm.

Trong tuần, chỉ số FTSE 100 giảm 2,90%, chỉ số DAX giảm tới 4,16% và chỉ số CAC 40 cũng giảm 2,97%. Đây là tuần giảm thứ 3 liên tiếp của chứng khoán Anh, tuần giảm thứ 2 liên tiếp của chứng khoán Đức và chứng khoán Pháp chấm dứt chuỗi 4 tuần tăng liên tiếp.

Tương tự, chứng khoán châu Á cũng chủ yếu chìm trong sắc đỏ trong phiên cuối tuần. Lo ngại trước việc lợi suất trái phiếu tăng mạnh, bất chấp đồng yên giảm so với USD, nhưng chứng khoán Nhật Bản cũng đảo chiều giảm khá mạnh trong phiên thứ Sáu sau phiên thăng hoa trước đó. Chứng khoán Hồng Kông cũng tiếp tục giảm và ghi nhận tuần giảm mạnh nhất trong 2 tháng qua. Trong khi đó, chứng khoán Trung Quốc đại lục lại đi ngược dòng nước khi đảo chiều tăng điểm về cuối ngày dù suốt trong phiên cuối tuần chỉ giao dịch dưới tham chiếu.

Kết thúc phiên 2/2, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 211,58 điểm (-0,90%), xuống 23.274,53 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 40,31 điểm (-0,12%), xuống 32.601,78 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 15,96 điểm (+0,46%), lên 3.462,94 điểm.

Trong tuần, chỉ số Nikkei 225 giảm 1,51%, chỉ số Hang Seng giảm 1,67% và chỉ số Shanghai Composite giảm 2,68%. Như vậy, chứng khoán Nhật Bản có tuần giảm thứ 2 liên tiếp, trong khi chứng khoán Hồng Kông và Trung Quốc đại lục đã chấm dứt chuỗi 6 tuần tăng liên tiếp trước đó.

Thông tường, khi tâm lý nhà đầu tư hoảng loạn, nhất là về áp lực lạm phát, giá vàng thường sẽ tăng giá. Tuy nhiên, trong phiên thứ Sáu, giá vàng cũng giống như chứng khoán có phiên lao dốc mạnh khi giới đầu tư cũng rút lui khỏi kim loại quý trước áp lực Fed tăng lãi suất trong năm nay, kéo đồng USD tăng mạnh.

Kết thúc phiên 2/2, giá vàng giao ngay giảm 16,4 USD/ounce (-1,22%), xuống 1.331,9 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 2/2018 giảm 14,5 USD/ounce (-1,08%), xuống 1.329,8 USD/ounce.

Trong tuần, giá vàng giao ngay giảm 1,29% và giá vàng tương lai giao tháng 2 giảm 1,65%, trả lại hết những gì đã có trong tuần trước đó.

Với những gì đang diễn ra, giới phân tích đã thay đổi cách nhìn về xu hướng của giá vàng khi đa số có cái nhìn tiêu cực, trong khi giới đầu tư vẫn kỳ vọng vào xu hướng tăng của giá vàng.

Cụ thể, trong cuộc thăm dò trực tiếp, có 17 chuyên gia tham gia trả lời, trong đó có chỉ có 3 người, chiếm 18% dự báo giá vàng sẽ tăng trở lại trong tuần này, thấp hơn nhiều con số 52% của tuần trước; trong khi có tới 11 người, chiếm 65% dự báo giảm, cao hơn rất nhiều so với mức 38% của tuần trước; và 3 người còn lại, chiếm 18% dự báo giá vàng sẽ không thay đổi.

Trong khi đó, trong cuộc thăm dò trực tuyến, có 1.060 lượt người tham gia (cao hơn nhiều so với tuần trước đó), trong đó có 676 lượt, chiếm 64% dự báo giá vàng sẽ tăng trở lại, nhỉnh hơn so với con số 62% của tuần trước đó; có 238 lượt bình chọn, chiếm 22% dự báo giá vàng sẽ giảm, thấp hơn mức 27% của tuần trước; 146 lượt, chiếm 14% giữ quan điểm trung lập.

Tương tự, việc đồng USD tăng mạnh cũng khiến giá dầu thô giảm mạnh trong phiên cuối tuần, bất chấp sự hỗ trợ từ việc các nước thành viên OPEC tiếp tục duy trì thỏa thuận cắt giảm sản lượng.

Kết thúc phiên 2/2, giá dầu thô Mỹ giảm 0,35 USD (-0,53%), xuống 65,45 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 1,07 USD (-1,56%), xuống 68,58 USD/thùng.

Trong tuần, giá dầu thô Mỹ giảm 1,04% và giá dầu thô Brent giảm mạnh hơn 2,75%. Tuần trước đó, giá dầu thô Mỹ tăng tới 4,37% và giá dầu thô Brent tăng 2,78%.

Tin bài liên quan