Nhà đầu tư chứng khoán đồng loạt tháo chạy, điều gì đang xảy ra

Nhà đầu tư chứng khoán đồng loạt tháo chạy, điều gì đang xảy ra

(ĐTCK) Không chỉ chứng khoán Việt Nam, chứng khoán thế giới cũng chứng kiến phiên tháo chạy ồ ạt trong ngày thứ Hai, khiến sắc đỏ bao trùm thị trường, trong đó nhiều chỉ số chứng kiến phiên giảm lịch sử.

Sau phiên lao dốc mạnh cuối tuần trước, phố Wall tiếp tục chứng kiến cảnh bán tháo mạnh trong phiên giao dịch đầu tuần mới. Các lệnh bán tháo và bán khống ồ ạt tung vào thị trường, khiến Dow Jones và S&P 500 có phiên sụt giảm mạnh nhất về mức tương đối kể từ tháng 8/2011, thời điểm Mỹ bị hạ bậc tín nhiệm và cuộc khủng hoảng nợ của khu vực đồng euro. Còn xét về mức tuyệt đối, Dow Jones có phiên giảm mạnh nhất lịch sử.

Đà lao dốc của phố Wall được giới phân tích đánh giá là do giới đầu tư lo sợ Fed sẽ tăng lãi suất nhanh hơn dự kiến trong năm nay sau dữ liệu việc làm khả quan được công bố cuối tuần trước, gây áp lực lên lạm phát.

Không chỉ Fed, nhiều ngân hàng Trung ương khác cũng phát đi tín hiệu sẽ chấm dứt giai đoạn nới lỏng chính sách tiền tệ, khiến tỷ suất trái phiếu tăng vọt, gây lo ngại cho giới đầu tư chứng khoán toàn cầu.

Khi thị trường chứng khoán sụt giảm vào thứ Hai, Nhà Trắng cho biết, các nền tảng cơ bản của nền kinh tế Mỹ rất mạnh. Tăng trưởng kinh tế Mỹ trong quý IV/2017 đạt 2,6% và tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp nhất trong 17 năm, xuống 4,1%.

Với sự sụt giảm hôm thứ Hai, S&P 500 đã trả lại hết những gì đã có từ đầu năm, thậm chí chỉ số này tính đến nay còn giảm 0,9% (trong năm 2018), còn Dow Jones cũng quay đầu giảm 1,5% trong năm.

Trong khi đó, chỉ số VIX đo lường sự sợ hãi của phố Wall đã tăng 20 điểm lên 30,71 điểm, mức cao nhất kể từ tháng 8/2015.

Kết thúc phiên 5/2, chỉ số Dow Jones giảm 1.175,21 điểm (-4,60%), xuống 24.345,75 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 113,19 điểm (-4,10%), xuống 2.648,94 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 273,42 điểm (-3,78%), xuống 6.967,53 điểm.

Không quá mạnh như phố Wall, nhưng chứng khoán châu Âu cũng tiếp tục chứng kiến phiên đỏ lửa do ảnh hưởng tâm lý từ các thị trường châu Á và Mỹ do áp lực lạm phát đang đe dọa các nền kinh tế.

Kết thúc phiên 5/2, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 108,45 điểm (-1,46%), xuống 7.334,98 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 97,67 điểm (-0,76%), xuống 12.687,49 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 79,15 điểm (-1,48%), xuống 5.285,83 điểm.

Chứng khoán châu Á cũng chứng khoán phiên lao dốc mạnh trong ngày đầu tuần mới do ảnh hưởng tiêu cực từ phiên giảm cuối tuần trước của phố Wall. Trong đó, chứng khoán Nhật Bản đóng cửa ở mức thấp nhất 7 tuần, trong khi đà giảm của chứng khoán Hồng Kông được hãm lại phần nào do sự tích cực trên thị trường chứng khoán Trung Quốc đại lục.

Kết thúc phiên 5/2, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 592,45 điểm (-2,55%), xuống 22.682,08  điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 356,56 điểm (-1,09%), xuống 32.245,22 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 25,42 điểm (+0,73%), lên 3.487,50 điểm.

Giá vàng đang lình xình do đồng USD tăng mạnh, thì bất ngờ tăng vọt vào cuối phiên khi thị trường chứng khoán hoảng loạn, qua đó giúp giá kim loại quý này đảo chiều tăng trở lại sau phiên giảm mạnh cuối tuần trước.

Kết thúc phiên 5/2, giá vàng giao ngay tăng 7,1 USD/ounce (+0,53%), lên 1.339,0 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 2/2018 tăng 3,2 USD/ounce (+0,24%), lên 1.333,0 USD/ounce.

Không chỉ chứng khoán, giá dầu thô cũng tiếp tục có phiên giảm mạnh trong ngày đầu tuần mới do đồng USD tăng vọt với khả năng Fed tăng lãi suất nhanh hơn dự kiến trong năm nay trước áp lực lạm phát đang gia tăng.

Kết thúc phiên 5/2, giá dầu thô Mỹ giảm 1,30 USD (-2,03%), xuống 64,15 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,96 USD (-1,42%), xuống 67,62 USD/thùng.

Tin bài liên quan