Nhà đầu tư châu Á rút lui khỏi London

Nhà đầu tư châu Á rút lui khỏi London

(ĐTCK) Một số thương vụ lớn nhất tại thị trường bất động sản London (Anh Quốc) bị rơi vào quên lãng khi dòng tiền đầu tư từ châu Á vào khu vực này dần trở nên khô cạn.

Nhà đầu tư Hàn Quốc đã rút 3,2 tỷ bảng Anh (4,1 tỷ USD) ra khỏi thị trường bất động sản London trong 12 tháng tính tới tháng 1/2019. Đây là mức kỷ lục từ trước đến nay. Diễn biến rút vốn đột ngột này từ phía các nhà đầu tư Hàn Quốc khiến một số thương vụ mua bán bất động sản tại London rơi vào tình trạng bị trì hoãn hoặc lãng quên.

Hàng tá nhà quản lý tài sản, nhà đầu tư và các nhà mối giới tham gia phỏng vấn của Bloomberg cho biết, các nhà đầu tư Hàn Quốc đồng loạt rút lui khỏi các thương vụ mua bán bất động sản tại thủ đô nước Anh, gây tác động tiêu cực tới thị trường. Trong đó, có những tên tuổi như công ty thuộc Hana Financial Group Inc, Mirae Asset Deawoo Co - các tập đoàn tài chính lớn nhất Hàn Quốc.

Thực tế, việc dòng vốn rút ra khỏi thị trường bất động sản London không phải tình trạng cá biệt với riêng nhà đầu tư Hàn Quốc. Theo đó, nhà đầu tư từ Hồng Kông (Trung Quốc), vốn chiếm thị phần lớn nhất trong số các thương vụ trên thị trường năm 2017 hiện đang tạm ngừng các hoạt động; trong khi nhà đầu tư từ Đại lục, từng là nhóm nhà đầu tư hoạt động tích cực nhất cũng đang rút tiền ra khỏi thị trường, nhất là khi Trung Quốc áp dụng các biện pháp kiểm soát dòng vốn.

Theo Faisal Durrani, chuyên gia tại Knight Frank, những bất ổn chính trị của nước Anh là nguyên nhân chính khiến dòng tiền từ châu Á ngừng chảy vào thị trường bất động sản London. Trong khi đó, các nhà đầu tư rơi vào trạng thái chờ đợi những tín hiệu rõ ràng hơn trước khi rót vốn.

Đối với các nhà đầu tư Hàn Quốc, các giao dịch diễn ra theo cách sau: Các nhà môi giới (hoặc công ty chứng khoán) mua bất động sản nhờ tận dụng lợi thế đồng bảng Anh đang giảm giá, sau đó bán lẻ lại cho các quỹ lương hưu/công ty bảo hiểm/nhà đầu tư tại quê nhà. Vấn đề là các thông tin tiêu cực về Brexit, cộng với việc một số chi phí gia tăng khiến nhu cầu đối với các bất động sản tại khu vực này đi xuống, khiến các công ty môi giới đã gom hàng nhưng không thể bán.

Trong số các “nạn nhân” của việc không tìm được người mua, đáng chú ý nhất là thương vụ đối với trụ sở chính của Credit Suisse tại London. Một đơn vị của KB Financial Group Inc, tập đoàn sở hữu nhà băng lớn nhất Hàn Quốc, đã tiến hành thỏa thuận mua lại tòa nhà này từ năm ngoái. Tuy nhiên, công ty Hàn Quốc này vẫn chưa tìm được nhà đầu tư tham gia thương vụ để có đủ kinh phí 572 triệu USD, theo nguồn tin thân cận.

Các công ty khác thuộc Hana Financial Group và Mirae Asset Daewoo cũng không thể bán được các bất động sản tại London mà mình đã mua.

Hiện tại, London đang đối diện với một tương lai bất định. Các chuyên gia định giá tại Knight Frank đã hạ mức đánh giá đối với các bất động sản văn phòng tại London lần đầu tiên kể từ năm 2016 cho tới nay. Đáng chú ý, nguyên nhân chính của việc hạ mức xếp hạng là bởi tâm lý nhà đầu tư rất yếu, khiến không đủ các thương vụ làm cơ sở định giá.

“Sự thiếu vắng hoạt động của nhà đầu tư tới từ Hàn Quốc và Hồng Kông (Trung Quốc), vốn là 2 làn sóng mạnh nhất trên thị trường bất động sản London, đặt ra câu hỏi lớn: Nhóm nhà đầu tư nào có thể lấp đầy khoảng trống này ở mức giá hiện tại? Chúng tôi không thể đưa ra dự báo gì, bởi diễn biến này là chưa từng có tiền lệ”, Stephen Down, người đứng đầu bộ phận đầu tư tại
London của Savills Plc cho biết.

Tin bài liên quan