“Ngọn lửa” Alibaba chưa đủ hâm nóng chứng khoán Hồng Kông

“Ngọn lửa” Alibaba chưa đủ hâm nóng chứng khoán Hồng Kông

(ĐTCK) Gã khổng lồ thương mại điện tử Alibaba Group của Trung Quốc vừa giành lấy ngôi vương thương vụ IPO lớn nhất năm 2019, sau khi huy động được 11,2 tỷ USD tại sàn giao dịch chứng khoán Hồng Kông, đánh bại kỷ lục Uber vừa lập được vào tháng 5/2019 (8,1 tỷ USD). 

Con số này có thể tăng lên 13 tỷ USD nếu Alibaba quyết định gia tăng lượng cổ phiếu chào bán nhằm đáp ứng nhu cầu trong 30 ngày tới.

Giá cổ phiếu Alibaba đã tăng 6,6% trong phiên giao dịch đầu tiên, trong bối cảnh tình hình chính trị tại Hồng Kông bất ổn với các cuộc xung đột giữa người dân và cảnh sát.

Theo Maggie Wu, Giám đốc tài chính của Alibaba, nhiều nhà đầu tư mua vào cổ phiếu Alibaba là những người lần đầu sở hữu cổ phiếu của hãng và tới từ Trung Quốc.

Đại diện Alibaba cho biết, số vốn huy động được từ IPO sẽ được hãng sử dụng để phát triển hoạt động của các nền tảng thuộc Tập đoàn, bao gồm Youku - dịch vụ streaming video, Ele.me - dịch vụ vận chuyển đồ ăn và Fillgy - đại lý du lịch online.

Bên cạnh đó, Alibaba sẽ đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) điện toán đám mây, giải trí, logistic và cửa hàng bán lẻ.

Đối với Alibaba, việc niêm yết lần hai củng cố sức mạnh của tập đoàn này trong cuộc cạnh tranh với các đối thủ lớn là Tencent và Baidu.

Theo giới chuyên gia, cần có thêm thời gian quan sát để đánh giá hiệu quả của đợt IPO lần này, trong bối cảnh Alibaba, Tencent và Baidu đều thuộc Top 10 doanh nghiệp Internet lớn nhất thế giới, với vốn hoá thị trường lần lượt là 520,5 tỷ USD, 410,6 tỷ USD và 41,34 tỷ USD.

Daniel Zhang, Chủ tịch và CEO Alibaba cho biết, việc IPO tại Hồng  Kông giúp Alibaba đạt được mục tiêu “trở về quê nhà” và Công ty đã cảm thấy hối tiếc vì bỏ lỡ nhiều điều trong 5 năm qua. Trước đó, Alibaba đã lựa chọn niêm yết tại New York, thay vì Hồng Kông khi IPO lần đầu tiên năm 2014. Trong khi đó, không ít ý kiến nhận định, việc tiến hành IPO chỉ mang tính biểu tượng.

“Sự hiện diện của Alibaba tại Hồng Kông mang ý nghĩa rằng, thị trường Hồng Kông vẫn đóng vai trò không thể thay thế đối với thị trường tài chính toàn cầu”, Andrew Sullivan, Giám đốc Pearl Bridge Partners nhận định.

Dẫu vậy, các doanh nghiệp đang xếp hàng đợi IPO tại thị trường này sẽ không xem đây là biểu hiện của ngọn gió đổi chiều, hay đủ sức thay đổi tình hình, giúp thanh khoản thị trường chứng khoán Hồng Kông được cải thiện nhanh chóng.

Thực tế, Alibaba là doanh nghiệp có nền tảng vững mạnh, vừa báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh quý III/2019 tăng trưởng tích cực và ghi thêm kỷ lục doanh thu 38 tỷ USD trong sự kiện mua sắm 11/11 của hãng.

Thêm vào đó, nhà đầu tư Đại lục đã chờ đợi từ năm 2014 khi Alibaba quyết định niêm yết tại New York, thay vì Hồng Kông để có cơ hội sở hữu cổ phiếu này.

Nguyên nhân là chính sách kiểm soát dòng vốn của chính quyền Trung Quốc khiến nhà đầu tư Đại lục gặp nhiều khó khăn khi mua bán cổ phiếu tại thị trường nước ngoài.

Điều này đồng nghĩa với việc, thương vụ IPO của Alibaba sẽ thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư bất kể niêm yết nơi đâu.

Đó cũng là lý do, dù giá cổ phiếu Alibaba leo dốc trong các phiên giao dịch đầu tiên, nhưng chỉ số Hang Seng của sàn chứng khoán Hồng Kông vẫn giảm nhẹ.

Bên cạnh đó, nhiều tổ chức kinh tế lớn nhận định, thị trường Hồng Kông rất nhạy cảm với những diễn biến của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.

Do đó, mọi biến động từ cuộc xung đột giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đều tạo sóng với chỉ số Hang Seng, cũng như tâm lý nhà đầu tư tại thị trường này, chưa nói đến những vấn đề chính trị hiện nay.

Việc Alibaba IPO tại Hồng Kông không phải dấu hiệu cho thấy thị trường đã trở lại bình thường, nó chỉ giúp tạm thời “đánh lạc hướng” tâm lý của nhà đầu tư từ nay tới cuối năm, trong khi chờ đợi những thay đổi vĩ mô tích cực hơn.

Tin bài liên quan