Ngân khố Mỹ sẽ thủng sâu vào năm 2016

Ngân khố Mỹ sẽ thủng sâu vào năm 2016

(ĐTCK) Có một tin khá tốt lành là lỗ hổng ngân sách Mỹ đang tiếp tục co lại, tuy nhiên, tin xấu hơn là xu hướng đó không có khả năng kéo dài.

Mới đây, mặc dù Bộ Tài chính Mỹ đã đưa ra một báo cáo với những con số khả quan là đã 5 năm liên tiếp giảm thâm hụt ngân sách. Nhưng sự gia tăng về thâm hụt ngân sách được dự đoán sẽ bắt đầu quay trở lại trong năm bầu cử tổng thống mới - 2016. Hiện mức bội chi đã lên đến con số 486 tỷ USD tính đến ngày 30/9, theo ước tính của Văn phòng Ngân sách Quốc hội.

“Đây là thời điểm hết sức nhạy cảm, và chúng tôi cần phải thận trọng cũng như chú ý đến vấn đề này”, John Silvia, Kinh tế trưởng tại Wells Fargo Securities LLC tại Charlotte, North Carolina cho biết.

Theo ông Silvia, các dự báo ngân sách hàng tháng đều có số liệu tốt trong hai năm qua. Tuy vậy, dữ liệu của Bloomberg cho biết rằng, Mỹ đã không lợi dụng tình hình tài chính tương đối ổn định để giải quyết các vấn đề dài hạn như chi phí của các chương trình giành cho người cao tuổi và hưu trí.

“Đây là thời gian cần bắt tay vào làm ngay một số thay đổi của chính sách, thế nhưng, thật không may, chúng tôi vẫn chưa bắt đầu đi vào giải quyết vấn đề này”, ông Silvia nói tiếp. “Triển vọng tài chính phải đối mặt với những “thách thức thật sự” trong thập kỷ tới. CBO dự báo thâm hụt ngân sách sẽ mở rộng vào năm 2016 khi dân số già sẽ gia tăng, chi phí tốn kém nhiều hơn vào an sinh xã hội và chăm sóc sức khỏe, và tới lúc đó, có lẽ Fed sẽ phải tăng chi phí đi vay”.

“Khi Fed bắt đầu tăng lãi suất, chi phí lãi vay cho kho bạc tăng lên sẽ khiến cho thâm hụt càng trầm trọng hơn”, ông Michael Englund, Kinh tế trưởng tại Economics LLC ở Boulder, Colorado cho biết. “Một chính sách tiền tệ bình thường sẽ dẫn đến những con số thâm hụt khoảng 200 đến 300 tỷ USD hoặc cao hơn. Vì vậy, nếu điều đó xảy ra một cách nhanh chóng, nó sẽ tạo ra một cuộc khủng hoảng kinh tế ở Washington”.

Theo một biên bản được công bố vào ngày 17/9, hầu hết quan chức Fed đều lường trước được thông tin một loạt các lãi suất sẽ tăng trong năm tới.

Lợi suất trái phiếu kho bạc 10 năm sẽ đạt 3,58% vào giữa năm 1016, theo ước tính trung bình của các nhà kinh tế do Bloomberg khảo sát.

Số liệu của Kho bạc Mỹ ngày 11/9 cho thấy, ước trong 11 tháng tới, con số thâm hụt ngân sách của Mỹ sẽ là 589,2 tỷ USD. Chi tiêu cho y tế, an sinh xã hội và chăm sóc người già đã tăng 14 tỷ USD so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, có khoảng 4 tỷ USD giành cho chí phí chăm sóc người cao tuổi.

Trong năm 2014, thu ngân sách Mỹ tăng 8,6%, tương ứng 239 tỷ USD, trong khi chi tiêu tăng 1,3%, tương ứng 44 tỷ USD. Như vậy ước tính thâm hụt ngân sách của năm 2014 giảm hơn 29% so với thâm hụt ngân sách năm 2013 (680 tỷ USD).

Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế, thâm hụt tài chính của Mỹ trong năm nay được dự báo là giảm với khoảng cách tương tự như Nhật Bản, tuy nhiên, vẫn lớn hơn so với hầu hết các nước trong khu vực sử dụng đồng tiền chung euro.

Tuy tình trạng tài chính của Mỹ có vẻ được cải thiện cũng như nền kinh tế vẫn đang ổn định, việc đẩy mạnh tăng thu thuế thu nhập cá nhân và cắt giảm chi tiêu bắt buộc ăn vào ngân sách quốc phòng, cũng như nếu làm mạnh hơn nữa việc giảm bớt chi tiêu cho các chương trình viện trợ như trợ cấp thất nghiệp thì thâm hụt ngân sách quốc gia vào năm 2016 sẽ đỡ giảm sâu hơn. Theo ước tính thì thâm hụt có thể lên đến 556 tỷ USD vào năm 2016, sau khi đã giảm xuống còn 469 tỷ trong năm 2015.

Các nhà phân tích cho rằng, điều này có thể khiến người kế nhiệm của Tổng thống Barack Obama ở vào một vị trí khó khăn hơn. “Người này sẽ phải đối phó với thâm hụt ngân sách, ngoài ra phải có ngân sách trù bị cho bất kỳ một phát kiến mới nào. Thêm nữa, chương trình an sinh xã hội, bảo hiểm ốm đau sẽ làm cạn kiệt nguồn dự trữ ngân sách vào năm 2016”, Ông Ed Lorenzen, cố vấn chính sách ở Washington cho biết.

Trong 3 năm qua, Mỹ đã hạn chế chi tiêu chính phủ cũng như giảm chi tiêu cho quốc phòng và các chương trình khác. Vào đầu năm 2013, Quốc hội Mỹ cho phép bãi bỏ chính sách giảm thuế lương và tăng thuế thu nhập ở các hộ gia đình có thu nhập cao nhất.

“Trong những năm gần đây, chúng tôi đã cố gắng sử dụng một chính sách tốt nhất trong thời điểm hiện tại là ‘thắt lưng, buộc bụng’ và hy vọng là nó sẽ giảm thiểu ảnh hưởng tới thâm hụt ngân sách trong dài hạn”, ông Lorenze tiếp tục chia sẻ.

Trong khi chi tiêu cho quốc phòng được dự báo sẽ giảm 5% vào trong năm 2014 so với một năm trước đó, các nhà kinh tế bao gồm cả Silvia và Englund đều nói, ngân sách của Lầu Năm Góc có thể bị thâm hụt trở lại “khi xung đột leo thang, và các động thái chi tiêu cho quốc phòng đồng thời cũng tăng theo”.   

Tin bài liên quan