Giới đầu tư chứng khoán phố Wall nói riêng và toàn cầu nói chung đang "sống trong sợ hãi" - Ảnh: Reuters

Giới đầu tư chứng khoán phố Wall nói riêng và toàn cầu nói chung đang "sống trong sợ hãi" - Ảnh: Reuters

Ngại suy thoái kinh tế, giới đầu tư nháo nhào tìm chỗ trú ẩn

(ĐTCK) Nỗi lo đợt suy thoái kinh tế toàn cầu tiếp theo ngày càng gia tăng khiến giá bị sụp đổ, ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán, trong khi giới đầu tư tìm đến các kênh đầu tư an toàn để trú ẩn như trái phiếu, vàng.

Phố Wall đang đối mặt với nhiều thách thức khi chỉ trong 3 tuần, chỉ số Dow Jones đã mất tới hơn 1.000 điểm và trong phiên đầu tuần này, chỉ số này giảm 5,5% so với mức đỉnh ngày 19/9. Trong khi đó, chỉ số S&P 500 cũng xuyên thủng ngưỡng hỗ trợ kỹ thuật mạnh 1.900 một cách dễ dàng.

Sau những phiên bán mạnh, phố Wall đã nỗ lực phục hồi trong phiên giao dịch ngày thứ Ba (14/10) nhờ lực cầu bắt đáy. Có thời điểm các chỉ số chính của phố Wall tăng hơn 1%, nhưng về cuối phiên, khi cổ phiếu năng lượng bị bán tháo do giá dầu sụp đổ, chứng khoán Mỹ cũng quay đầu đi xuống, trong đó, Dow Jones không kịp hồi để có sắc xanh như S&P 500 và Nasdaq.

Bên cạnh đó, giới đầu tư cũng đang lo lắng với nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu, mà xuất phát điểm vẫn là ở châu Âu sẽ xảy ra. Bộ trưởng Kinh tế Đức đã mạnh dạn hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của nền kinh tế lớn nhất châu Âu trong năm nay và năm tới, càng gia tăng thêm sự lo lắng của giới đầu tư.

Trong khi nỗi lo về suy thoái kinh tế châu Âu đang đến gần, thì giới đầu tư trên thị trường chứng khoán Mỹ lại phải đối mặt với việc FED sẽ chấm dứt gói kich thích kinh tế QE3 trong tháng 10 này.

Ngoài ra, trong khi các dữ liệu kinh tế yếu kém, thì kinh tế châu Âu và cả Mỹ đang đối mặt với một mối lo lớn khác là dịch bệnh Ebola, hiện đã được phát hiện những ca nhiễm đầu tiên ở Mỹ và châu Âu.

Chỉ số VIX đo lường sự sợ hãi của phố Wall dù chỉ tăng nhẹ trong phiên thứ Ba, nhưng vẫn đứng ở mức cao nhất 2 năm, cho thấy giới đầu tư chứng khoán đang rất sợ hãi. Và đương nhiên, khi những mối lo về suy thoái kinh tế, hay chiến tranh, thảm họa, giới đầu tư thường rời bỏ chứng khoán để tìm đến các kênh đầu tư an toàn hơn như trái phiếu chính phủ Mỹ, vàng.

Kết thúc phiên 14/10, chỉ số Dow Jones giảm 5,88 điểm (-0,04%), xuống 16.315,19 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 2,96 điểm (+0,16%), lên 1.877,70 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 13,52 điểm (+0,32%), lên 4.227,17 điểm.

Những lo lắng về suy thoái kinh tế cũng khiến chứng khoán châu Âu chìm trong sắc đỏ trong phần lớn thời gian giao dịch của ngày thứ Ba. Có những thời điểm, các chỉ số chứng khoán châu Âu giảm xuống mức thấp nhất 8 tháng, tuy nhiên, kết quả kinh doanh khả quan của Citigroup được công bố, cùng với đà phục hồi của chứng khoán Mỹ đầu phiên đã kéo chứng khoán châu Âu đi lên và đóng cửa phiên với sắc xanh.

Kết thúc phiên 14/10, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 26,44 điểm (+0,42%), lên 6.392,68 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 17,78 điểm (+0,15%), lên 8.725,21 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp tăng 9,55 điểm (+0,23%), lên 4.088,25 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á. Ngay khi trở lại sau phiên nghỉ đầu tuần, chứng khoán Nhật Bản đã lao dốc mạnh do ảnh hưởng bởi những lo lắng về suy thoái kinh tế toàn cầu, cũng như sự không chắc chắn của kinh tế Nhật Bản. Đồng yên Nhật cũng tăng mạnh trở lại cũng tác động không tích cực tới nền kinh tế vốn dựa nhiều vào xuất khẩu như Nhật Bản. Chính điều này khiến chỉ số Nikkei 225 có phiên giảm mạnh, xuống mức thấp nhất kể từ 8/8. Trong khi đó, chứng khoán Hồng Kông cũng đánh mất hết những gì đã có trong phiên đầu tuần do lo ngại suy thoái kinh tế toàn cầu xảy ra, tương tự là chứng khoán Trung Quốc đại lục cũng tiếp tục có phiên giảm thứ 2 trong tuần, dù dữ liệu thương mại của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới vừa công bố tích cực.

Kết thúc phiên 14/10, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 364,04 điểm (-2,38%), xuống 14.936,51 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 95,41 điểm (-0,41%), xuống 23.047,97 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc đại lục giảm 6,53 điểm (-0,28), xuống 2.359,47 điểm.

Dù nhận được thông tin hỗ trợ là suy thoái kinh tế cận kề, làm tăng vai trò trú ẩn, nhưng giá vàng không thể có phiên tăng mạnh tiếp theo khi chịu áp lực chốt lời kỹ thuật. Trong phiên thứ Ba, giá kim loại quý này giảm nhẹ về lại ngưỡng 1.230 USD/ounce. Tuy nhiên, theo dự báo của giới chuyên môn, giá vàng vẫn sẽ tăng trong tuần này.

Kết thúc phiên 14/10, giá vàng giao ngay giảm 4,90 USD (-0,40%), xuống 1.232,20 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 12 tăng 4,3 USD (+0,35%), lên 1.234,3 USD/ounce.

Dấu hiệu suy thoái kinh tế ngày càng gia đã ảnh hưởng tới nhu cầu dầu thô sụt giảm. Cơ quan năng lượng quốc tế cắt giảm nhu cầu sử dụng dầu của năm nay và năm tới. Sau thông tin này, giá dầu đã gần như sụp đổ với mức giảm tới hơn 4,5%, mức giảm mạnh nhất từ tháng 9/2011, trong đó giá dầu Brent giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 11/2010.

Kết thúc phiên 14/10, giá dầu thô trên thị trường Mỹ giảm 3,9 USD (-4,77%), xuống 81,84 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 3,85 USD (-4,53%), xuống 85,04 USD/thùng.

Tin bài liên quan