NĐT Nga cảnh giác với “diễn biến hòa bình” ở Ukraine

NĐT Nga cảnh giác với “diễn biến hòa bình” ở Ukraine

(ĐTCK) Đầu tháng 5, khi Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố ông sẽ rút quân ra khỏi biên giới với Ukraine và yêu cầu các lực lượng ly khai Ukraine trì hoãn trưng cầu dân ý đòi độc lập, các nhà đầu tư ở Nga đã nhanh tay “chụp lấy củ cà rốt”, nhưng giờ thì họ không vội vã như vậy.

Trong thời gian xảy ra xung đột ở Ukraine, dường như Tổng thống Nga luôn giữ một giọng điệu hòa giải. Chỉ số Micex, chỉ số chính của TTCK Nga, đã tăng hơn 3% trong ngày cổ phiếu đảo chiều. 6 tuần sau, chỉ số Micex đã hồi được 15%, dẫn đầu là cổ phiếu của các công ty có sở hữu nhà nước - những cổ phiếu dễ bị ảnh hưởng nhất bởi rủi ro trừng phạt.

Nhưng niềm vui không kéo dài. Đến tháng 8, các cổ phiếu Nga giảm trở lại, về gần với mức thấp trong tháng 4, sau khi chiếc máy bay của hãng hàng không Malaysia bị rơi ở miền Đông Ukraine, các vòng trừng phạt mới của EU và Mỹ được thông qua và xuất hiện các bằng chứng về việc quân đội Nga can dự vào cuộc xung đột.

1 tuần sau đó, Nga dường như đã rút khỏi chu kỳ tin xấu nhờ vào một thỏa thuận ngừng bắn mới được ký kết giữa Kiev và lực lượng nổi dậy ở miền Đông Ukraine, với sự chúc tụng từ Moscow.

Nhưng đến thời điểm này, các nhà đầu tư đang ứng xử với những tin tức mới một cách thận trọng hơn, tránh lại phải thất vọng nhiều.

Hôm 3/9, ngày Tổng thống Putin công bố kế hoạch hòa bình 7 điểm của mình với Ukraine, chỉ số Micex đã tăng 3,5 điểm, tuy nhiên, kể từ đó, đà tăng của thị trường đã khựng lại. Giá trị giao dịch giảm xuống còn 600 triệu USD/ngày, so với mức trung bình từ 1,1 đến 1,2 tỷ USD trong thời gian trước đó của năm, theo Farhan Kazmi, Trưởng bộ phận cổ phiếu EEMEA (Châu Âu, Trung Đông và châu Phi) ở Credit Suisse Nga, cho biết.

“Các nhà đầu tư vẫn đang đứng ngoài cuộc chơi. Bạn có thể nhận thấy điều đó qua khối lượng giao dịch - và hiện không có kỳ nghỉ nào để bạn đổ lỗi cho chúng”, Kazmi nói.

Sau một năm sai lầm vì hi vọng, sau đó là bạo lực tái diễn, nhiều nhà đầu tư, những người đã trót bỏ tiền vào thị trường, đang lo lắng về triển vọng hòa bình lâu dài, đặc biệt khi pháo vẫn nã ở đâu đó. Họ cũng nhận ra rằng, thỏa thuận ngừng bắn mang tính kỹ thuật sẽ không nhất thiết mang lại cái kết cho cuộc chiến giằng dai giữa Kiev và Moscow ở khu vực biên giới giữa hai nước, hay sự chấm dứt cho những căng thẳng giữa Nga và phương Tây.

“Bất kỳ chuyển động nào mà chúng tôi nhận thấy trên thị trường (Nga) đều không có gì hơn là sự đan xen giữa hy vọng và thất vọng”, Chris Weafer, một cộng sự của Macro-Advisory, công ty tư vấn có trụ sở tại Moscow, nói. “Tâm trạng của các nhà đầu tư Nga hiện đang khá chán nản, đơn giản là bởi có quá nhiều những… bình minh giả”.

Nhiều nhà đầu tư bản địa vẫn đang “chăm sóc vết thương (thua lỗ) của mình” từ đầu năm nay và không thể mở vị thế cổ phiếu mới cho đến khi lượng cổ phiếu nắm giữ hiện tại của họ phục hồi giá trị, Steven Dashevsky, người sáng lập quỹ Dashevsky & Partners, nhận xét. “Một vài nguời đã cố gắng bám sóng, nhưng rốt cuộc chỉ bị sặc thêm”.

Chủ nghĩa hoài nghi về cổ phiếu Nga không chỉ dựa trên rủi ro chính trị. Trong vài tháng qua, các nhà đầu tư đã bị “oanh tạc” bởi hàng loạt dữ liệu tồi tệ về tình hình kinh tế Nga, cộng thêm những lo lắng dài hạn về môi trường đầu tư của nước này.

Tuần này, Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu báo cáo rằng, doanh số bán xe hơi mới ở Nga đã giảm 25,8% trong tháng 8, mức giảm theo tháng lớn nhất trong năm nay.

Ngân hàng Bank of America Merrill Lynch đang dự báo, nền kinh tế Nga sẽ bắt đầu suy thoái vào cuối năm nay và sẽ có tốc độ tăng trưởng bằng 0 vào năm 2015 do dính hậu quả của các biện pháp trừng phạt, các lệnh cấm nhập khẩu thực phẩm của Nga và sự suy giảm hoạt động đầu tư nói chung.

Trong khi đó, nhiều kế hoạch cải cách kinh tế đã bị gạt ra khỏi lịch công tác của Chính phủ. Các nhà kinh tế nói rằng, động thái gần đây của Chính phủ Nga - sử dụng nguồn đóng góp cho quỹ hưu trí tư nhân hai năm 2014 và 2015 để hỗ trợ ngân sách - là đặc biệt đáng ngại. Khoảng 543 tỷ rouble (14,6 tỷ USD) đóng góp cho quỹ hưu trí sẽ về tay nhà nước, thay vì bổ sung cho các quỹ tư nhân như kế hoạch ban đầu.

Mặc dù có những lo lắng kinh tế và bất ổn chính trị tiếp diễn, vẫn có một bộ phận nhà đầu tư bắt đầu “ngứa ngáy”.

Một số quỹ vốn đứng ngoài thị trường từ khi xung đột bắt đầu đang từ từ dấn chân trở lại và đang tự hỏi, liệu đây có phải là thời điểm thích hợp, ông Weafer cho biết. “Một số nhà đầu tư đang trở lại, nhưng chưa mở sổ séc mà chỉ đang dò xét thị trường”.

Tin bài liên quan